Những tiết học không smartphone

GD&TĐ - Với mục tiêu xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, ngành GD các địa phương đã chỉ đạo quản lý sử dụng điện thoại trong trường.

Học sinh Trường THPT chuyên Lào Cai cất điện thoại khi đến lớp. Ảnh: NTCC
Học sinh Trường THPT chuyên Lào Cai cất điện thoại khi đến lớp. Ảnh: NTCC

Nói “không” điện thoại

Trước thực trạng học sinh có dấu hiệu lạm dụng sử dụng điện thoại, Trường THPT chuyên Lào Cai (Lào Cai) đã cấm sử dụng điện thoại trong toàn bộ khung thời gian liên quan đến hoạt động giáo dục của nhà trường từ năm học 2023 - 2024.

“Chúng tôi không cấm học sinh mang điện thoại đến trường nhưng khi tới lớp phải cất trong tủ, chỉ được sử dụng khi hết giờ học và các hoạt động giáo dục khác. Giáo viên có thể cho học sinh sử dụng điện thoại theo tinh thần chuyển đổi số nhưng phải đưa vào kế hoạch từ đầu năm, không được tự phát”, thầy Hiệu trưởng Ngô Thanh Xuân chia sẻ.

“Nhờ những quy định nghiêm ngặt, học sinh của trường đã quen với nền nếp và tương tác với nhau nhiều hơn. Các em có thời gian giao lưu và tích cực tham gia hoạt động tập thể”, thầy Xuân nhận định.

Tại Trường THPT Dào San, huyện Phong Thổ (Lai Châu) cũng có những quy định về việc hạn chế sử dụng điện thoại. Cứ đến 22 giờ 30 phút hằng ngày, học sinh bán trú sẽ không được sử dụng điện thoại. Giáo viên thường xuyên kiểm tra, giám sát việc sử dụng điện thoại của học sinh và nhận thấy các em luôn thực hiện tốt nội quy này.

Tại Hải Phòng, ngày 28/10, Sở GD&ĐT ban hành công văn về việc tăng cường quản lý việc sử dụng điện thoại di động và các thiết bị thu, phát sóng trong nhà trường. Ngay khi văn bản được ban hành, 750 trường học trên địa bàn tích cực phổ biến, quán triệt và siết chặt việc sử dụng điện thoại của học sinh trên lớp.

Vì điều kiện nhà xa trường, em Hoàng Gia Hân - lớp 6D13, Trường THCS Ngô Quyền (quận Lê Chân) được bố mẹ trang bị cho điện thoại thông minh. Tuy nhiên, trước giờ vào lớp, em tắt chuông điện thoại và nộp cho lớp trưởng để vào tủ đồ dùng của lớp. Gia Hân cho rằng, nội quy của lớp rất nghiêm để đảm bảo chất lượng học tập cho học trò, em đồng tình.

Cô Hà Thị Lan - giáo viên chủ nhiệm lớp 6D13, Trường THCS Ngô Quyền bày tỏ, ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) góp phần nâng cao chất lượng dạy học. Tuy nhiên, tuổi còn nhỏ, các em chưa ý thức được cách sử dụng sao cho hiệu quả. Vì thế, thầy cô chủ nhiệm phải quản lý nghiêm, đặc biệt không cho học sinh để điện thoại trong cặp sách, túi quần hay ngăn bàn, tránh việc trò lén lút dùng, sao nhãng việc học.

Thay vì chỉ nhìn vào điện thoại, học sinh Trường THPT Cù Huy Cận (Hà Tĩnh) bắt đầu quay trở lại những trò chơi quen thuộc của tuổi học trò như đá cầu, nhảy dây, cầu lông... Em Nguyễn Ngọc Khánh Huyền - lớp 12A3, Trường THPT Cù Huy Cận cho biết, thời gian đầu còn chưa quen nhưng sau một tuần không “dán” mắt vào điện thoại giúp em tập trung hơn vào bài giảng và thích tham gia hoạt động học tập của lớp và gắn kết với các bạn hơn.

Từ học kỳ II năm học 2023 - 2024, Trường THPT Nguyễn Thị Bích Châu (Hà Tĩnh) khuyến khích học sinh hạn chế sử dụng điện thoại trong giờ học. Qua gần một năm thực hiện, phong trào nhận được sự đồng tình hưởng ứng của phụ huynh và học sinh.

Thầy Hiệu trưởng Đoàn Trọng Hoàng chia sẻ: “Nhà trường không cấm các em sử dụng điện thoại. Những giờ học cần tương tác, phục vụ môn học, các em vẫn có thể sử dụng điện thoại tăng hiệu quả bài giảng. Tuy nhiên, những tiết học có sử dụng điện thoại được giáo viên xây dựng kế hoạch cụ thể, không lạm dụng việc sử dụng điện thoại mà có thể sử dụng các ứng dụng khác qua hệ thống tivi có sử dụng Internet được lắp đặt tại các lớp học”.

nhung-tiet-hoc-khong-smarphone-2.jpg
Học sinh Trường THCS Ngô Quyền (Hải Phòng) sử dụng điện thoại để kiểm tra, đánh giá chéo các nhóm học tập khi được phép của giáo viên. Ảnh: NTCC

Nhiều cách làm hiệu quả

Từ năm học 2022 - 2023, Sở GD&ĐT Lào Cai có văn bản chỉ đạo các cơ sở giáo dục tích cực tuyên truyền bằng nhiều hình thức tới học sinh những mặt trái và tác hại của việc lạm dụng Internet và điện thoại thông minh.

Sở cũng chỉ đạo các cơ sở giáo dục hướng dẫn, tập huấn và có quy định cụ thể cho giáo viên sử dụng các nền tảng, phần mềm quản lý học tập chuyên dụng trong dạy học và đánh giá… Giáo viên không giao nhiệm vụ học tập và các nhiệm vụ khác cho học sinh trên các trang mạng xã hội như Zalo, Facebook, Instagram... Đồng thời, tích cực, sáng tạo tổ chức hoạt động tập thể, giáo dục kỹ năng sống trong giờ nghỉ giữa các tiết học và sau giờ học để lôi cuốn học sinh tham gia.

“Chúng tôi chỉ đạo các cơ sở giáo dục tích cực tuyên truyền, phân tích, vận động để tạo đồng thuận và cam kết trách nhiệm của phụ huynh trong việc quản lý học sinh sử dụng điện thoại thông minh và mạng Internet. Thống nhất với phụ huynh trong việc không để học sinh mang điện thoại thông minh đến trường”, ông Nguyễn Minh Thuận - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Lào Cai thông tin.

Để hạn chế tình trạng học sinh lạm dụng điện thoại, Trường THPT Trần Nguyên Hãn (Lê Chân, Hải Phòng) cho học sinh ký cam kết không sử dụng điện thoại trong giờ học khi không phục vụ việc học tập. Mỗi lớp có một tủ điện thoại hoặc giá để điện thoại riêng. Đầu giờ, học sinh cất vào nơi quy định, có cán bộ lớp giữ chìa khóa và chỉ mở tủ khi kết thúc tiết học cuối. Học sinh chỉ được lấy điện thoại khi có việc cấp thiết và được sự đồng ý của giáo viên. Bên cạnh đó, trường có giáo viên trực sẵn sàng hỗ trợ học sinh kết nối liên lạc với gia đình nếu cần.

Với một số trường, Câu lạc bộ Thanh niên tình nguyện thường xuyên đôn đốc, nhắc nhở và kiểm tra các trường hợp vi phạm. Hệ thống camera lớp học hỗ trợ Ban giám hiệu trong quản lý, phát hiện học sinh chưa tự giác. Học sinh vi phạm phải làm tường trình, có xác nhận của giáo viên chủ nhiệm và gia đình. Đây là cách làm hay, đang được một số nhà trường trên địa bàn thành phố Hải Phòng tham khảo, áp dụng.

Đến thời điểm hiện tại, các trường học ở Hà Tĩnh tiến hành phổ biến, quán triệt tinh thần văn bản chỉ đạo của sở GD&ĐT. Mỗi đơn vị một cách làm riêng nhưng tất cả chung một mục đích góp phần xây dựng môi trường học tập hiệu quả, lành mạnh.

Theo cô Nguyễn Thị Liên - Bí thư Đoàn Trường THPT Cù Huy Cận, đầu năm học, nhà trường tổ chức họp phụ huynh lấy ý kiến việc không sử dụng điện thoại trong suốt buổi học và được phụ huynh 17 lớp nhất trí cao.

Tùy vào mỗi lớp sẽ triển khai theo một cách làm phù hợp như: Cam kết không mua điện thoại và không cho con mang điện thoại đến trường. Trường hợp học sinh nhà xa, để tiện đưa đón, phụ huynh đề nghị bỏ điện thoại vào hộp trước mỗi giờ học và lấy lại sau khi kết thúc buổi học.

“Thời gian đầu triển khai, Đoàn trường tổ chức các trò chơi dân gian vào các giờ ra chơi, khuyến khích cộng điểm cho các lớp tham gia. Sau một thời gian, không cần điểm cộng các em đều tham gia hào hứng… Việc này, cải thiện mối quan hệ, xây dựng tinh thần đồng đội”, cô Liên chia sẻ.

nhung-tiet-hoc-khong-smarphone-3.jpg
Giờ ra chơi của học sinh Trường THPT Cù Huy Cận (Hà Tĩnh). Ảnh: NTCC

Gương mẫu từ thầy cô

Đến nay, hơn 700 học sinh ở 17 lớp của Trường THPT Phúc Trạch (Hương Khê, Hà Tĩnh) đã thực hiện nghiêm nội dung cam kết không sử dụng điện thoại trong giờ học. Ban giám hiệu nhà trường cũng quán triệt các thầy cô giáo cần nêu cao tính tiên phong, gương mẫu, nghiêm túc trong sử dụng điện thoại tại nhà trường để làm gương cho học sinh. Nhà trường cũng bố trí mỗi tuần có 4 ngày tổ chức thể dục giữa giờ cho học sinh toàn trường và sắp tới sẽ triển khai việc phát sách báo về tận lớp trong giờ giải lao.

Tại Hậu Giang, các trường học cũng tuyên truyền vận động hạn chế sử dụng điện thoại trong giờ học đến từng lớp. Thầy Huỳnh Ngọc Huy Tùng - giáo viên Trường THPT Tân Long (tỉnh Hậu Giang) cho hay:

Thông tư 32/2020 của Bộ GD&ĐT quy định học sinh THCS, THPT được dùng điện thoại trong giờ học để phục vụ học tập khi được giáo viên cho phép. Khi thực hiện với những quy định chặt chẽ, khoa học thì việc sử dụng điện thoại trong giờ học nói riêng dần đi vào nền nếp, tiết học thêm sinh động, hấp dẫn hiệu quả, giảm bớt nỗi lo lắng của phụ huynh và thầy cô khi cho học sinh đem điện thoại đến trường.

“Giáo viên cũng tăng cường hướng dẫn sử dụng một cách hợp lý, linh hoạt, đặc biệt vai trò quản lý của giáo viên từng môn học. Trong quá trình học, khi cần thông tin, các em có thể tra cứu trên điện thoại để giúp cho việc học tập tốt hơn…”, thầy Tùng chia sẻ thêm.

“Qua khảo sát, khi học sinh các trường hạn chế sử dụng điện thoại trong giờ học đã có tác dụng tích cực. Nhiều trường học tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức về việc sử dụng điện thoại; đưa vào nội quy cách sử dụng điện thoại trong và ngoài lớp; trong giờ học, giáo viên phải quan sát và xử lý kịp thời những học sinh vi phạm”, ông Nguyễn Hữu Nhân - nguyên Trưởng phòng Chính trị tư tưởng (Sở GD&ĐT TP Cần Thơ) nhấn mạnh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa INT.

Môn học công cụ

GD&TĐ - Theo kết quả kỳ thi học sinh giỏi quốc gia lớp 12 năm học 2024 - 2025, Hà Nội vẫn dẫn đầu cả nước về số lượng học sinh đoạt giải.