Hành lang, lề đường, sở thú thành… lớp học
Không máy lạnh, không phòng ốc khang trang, cô và trò cùng kéo nhau ra hành lang học. Sáu bé túm tụm lại tự vẽ cây gia đình mình bằng tiếng Anh: Grandmother ở gốc nè, rồi đến father bên trái, mother nhánh bên phải… Một em lên bảng trả lời sai, cánh tay của các bạn lập tức giơ lên “cứu bạn” khiến nhiều khán giả là phụ huynh cười ngất.
Đó là tiết học ngoài trời khá thoải mái của lớp tiếng Anh tăng cường lớp 1/5 Trường tiểu học (TH) Nguyễn Bỉnh Khiêm (Q.1). Với tiêu chí trẻ học lớp 1 không cần học từ, ngữ pháp, viết từ, mà chỉ cần tập nghe nói theo từng chủ đề, phụ huynh có thể trực tiếp theo dõi một tiết học của con mình và có quyền “bật” lại giáo viên những điểm cần khắc phục.
Tận dụng điều kiện gần Thảo cầm viên, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam TP Hồ Chí Minh…, thầy cô Trường TH Nguyễn Bỉnh Khiêm còn dẫn HS “la cà” ở vỉa hè, công viên vào những giờ học.
Thay vì ngồi giữa bốn bức tường học lý thuyết, HS học ở bất cứ đâu. Học về nông nghiệp, cô bắt trò phải lội xuống ruộng trồng lúa để hiểu thế nào là lao động của người nông dân.
Học về chiến thắng lịch sử 30/4/1975, HS được giáo viên hướng dẫn đến Bảo tàng Lịch sử Việt Nam TP Hồ Chí Minh tham quan, sau đó đi bộ theo kiểu hành quân đến Hội trường Thống Nhất để có cảm giác như cuộc hành quân lịch sử năm nào. Các em được nghe thuyết trình, thấy tận mắt, sờ tận tay xe tăng, máy bay…
Trường TH Nguyễn Bỉnh Khiêm còn có nhiều tiết học “đời mới” theo kiểu “hai trong một”. Tuần thứ sáu của chương trình lớp 5, các em sẽ học bài sử Quyết chí ra đi tìm đường cứu nước và bài văn miêu tả cảnh sông nước.
Vậy là ban giám hiệu nảy ra ý tưởng cho HS học sử ở Bến Nhà Rồng - Bảo tàng Hồ Chí Minh chi nhánh TPHCM để các em nghe thuyết minh, tự cảm nhận và làm bài thu hoạch, giáo viên sẽ chốt kiến thức sau.
Các em còn được đi thuyền trên sông Sài Gòn ngắm cảnh, giáo viên hướng dẫn dàn bài. Cô Lê Thị Ngọc Điệp - Hiệu trưởng - cho biết: Tiết học này giúp tránh tình trạng HS làm theo văn mẫu.
Trước nay, HS vẫn nhìn cuộc sống qua đôi mắt của giáo viên, các em phải được chứng kiến thực tế mới có kiến thức thực tế và ý tưởng để viết văn theo cảm nhận của bản thân.
Hãy quên kiến thức!
“Hôm nay chúng ta học bài Chiếc thuyền ngoài xa của Nguyễn Minh Châu. Các em biết Nguyễn Minh Châu không? Bây giờ các em hãy quên hết, không cần nhớ năm sinh, năm mất của tác giả mà chỉ cần nắm những điểm làm cho ông ấy khác với những tác giả khác. Không được thuộc lòng, vì nhiều tác giả, tác phẩm, các em có học cũng không thuộc nổi, chỉ cần nắm ý là đủ…” - Cô Nguyễn Thị Mỹ Liên, giáo viên dạy văn Trường THPT Trần Phú đã hướng dẫn HS lớp 12 cách học như thế.
Để dẫn chứng cho chi tiết tác giả là người tiên phong đổi mới văn học theo hướng dân chủ hóa, cô nói: Khái niệm dân chủ hóa văn chương nghe có vẻ trừu tượng nhưng thực ra đơn giản lắm, đó là xu hướng cá nhân hóa, tác giả hướng đến cái tôi hơn là cái chung, văn chương cũng phải phù hợp với tâm lý thời đại.
Bằng vốn sống của người từng trải, cô thường đưa HS tiếp cận bài học từ những câu chuyện có thật, chọn chi tiết đắt để liên hệ thực tế, khiến trong những tiết học của cô, học trò hết khóc lại cười từ những chuyện thực, những câu đùa dí dỏm... Nhiều HS cho biết, thích học văn với cô Liên vì cô giảng rất hay, dễ hiểu.
Cô không cho học thuộc lòng mà chỉ cần hiểu là cho điểm. Như khi học bài Đất nước có câu “tóc mẹ thì bới sau đầu”, cô gọi một bạn lên bới tóc và giải thích phụ nữ ngày xưa thường để tóc dài, khi có chồng thì bới lên. Sau bài học, HS thường tự bàn với nhau tái diễn tác phẩm chừng năm - mười phút hoặc làm thơ, vẽ… nên nhớ lâu lắm.
Chính vì được học trò thích nên ngoài giờ dạy chính thức ở trường chính, cô Liên còn được mời thỉnh giảng cho học sinh lớp 12 của các trường THPT Hồng Đức, Nhân Việt...
“Không khi nào tôi dạy theo chương trình quy định. Đoạn nào không trọng tâm, ít hay thì lướt qua, chủ yếu lấy các chi tiết đắt để phân tích cho HS dễ nắm bắt, dạy ít mà sâu. Bài vở, kiến thức dàn trải mà bắt HS học hết thì chắc chắn không nổi, các em sẽ không thích học văn.
Dạy văn đừng bắt trả bài thuộc lòng, phải để các em tự cảm thụ mới nhớ lâu. Phương châm của tôi là chỉ cần dạy các em nắm phương pháp, khi đi thi gặp dạng đề nào cũng có thể làm được” - Cô Liên nói.
Môn giáo dục công dân - phải học như chơi
“Chúng em yêu sớm vì cha mẹ, nhà trường ít quan tâm, người lớn thường trách mỗi khi chúng em làm sai nên chúng em sợ và e ngại nói với người lớn chuyện tình yêu, mới dẫn đến yêu lệch lạc. Tình yêu đó sẽ làm ảnh hưởng đến học tập, tương lai.
HS chỉ nên yêu thương chân thành, trong sáng và tuyệt đối phải “No sex - Không tình dục”, những cô cậu HS lớp 10A2 Trường THPT Nguyễn Chí Thanh thẳng thắn thừa nhận trong bài thuyết trình môn giáo dục công dân “Tình yêu, hôn nhân và gia đình”. Bên dưới có những tiếng cười khúc khích, nhưng việc được bày tỏ quan điểm về tình yêu được nhiều HS đồng tình, thích thú.
Cô Nguyễn Thị Thảo phụ trách tiết học cho biết: Đọc - chép là phương pháp dạy “xưa rồi”, không xài được với HS nữa đâu. Lớp 12 học về kiến thức pháp luật công dân, mình sẽ để các em thuyết trình, đóng kịch; lớp 10 là các vấn đề đạo đức thì sẽ để các em thảo luận nhóm, bày tỏ quan điểm cá nhân…
Giáo viên phải không sợ cháy giáo án, đưa ra những tình huống ngoài lề bài học. Như bài “Tình yêu, hôn nhân và gia đình” không yêu cầu về tình yêu học trò, nhưng mình phải đưa vào vì các em quan tâm và cần thiết để giáo dục HS.
HS thích những tiết học giáo dục công dân của cô Thảo vì thường được đề cập đến những vấn đề nóng của giới trẻ: giới tính, tình dục, tình yêu… HS “mê” một phần vì những tiết dạy của cô… khác người.
Thay vì bảng chi chít chữ thì ở đây chỉ có hình ảnh, sơ đồ tư duy dễ hiểu; kiểm tra không cần thuộc lòng mà chỉ cần hiểu và biết vận dụng; HS không cần “vuốt đuôi”, thậm chí trái ý giáo viên cũng được, chỉ cần có ý tưởng, sáng tạo vẫn được điểm và thường xuyên được chơi trò chơi ô chữ liên quan đến bài học.
Chính cách cô Thảo chấp nhận để HS được nghĩ khác mình nên thu hút được HS học đến quên cả giờ ra chơi.