Những thực phẩm cần tránh để phòng cúm A (H5N1)

GD&TĐ - Nhiều món khoái khẩu của người Việt được xếp vào nhóm nguy cơ cao lây nhiễm bệnh cúm A (H5N1).

Virus A (H5N1) là chủng cúm độc lực cao. Ảnh minh họa
Virus A (H5N1) là chủng cúm độc lực cao. Ảnh minh họa

Nhiều món khoái khẩu của người Việt được xếp vào nhóm nguy cơ cao lây nhiễm bệnh cúm A (H5N1). Trong đó, tiết canh là một điển hình. Tuy nhiên, việc ăn tiết canh từ con vật mang H5N1 cũng có nghĩa là đưa trực tiếp loại virus này vào người.

Nguy cơ từ những món ăn quen thuộc

Thời điểm này đang là giai đoạn chuyển mùa, thời tiết thay đổi bất thường là điều kiện thuận lợi cho các loại mầm bệnh phát triển. Bộ Y tế nhận định, trong thời gian tới vẫn tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm cúm gia cầm sang người.

Con người có thể bị lây bệnh do tiếp xúc trực tiếp với gia cầm bị bệnh qua chăn nuôi, vận chuyển, giết mổ, chế biến, ăn gia cầm và sản phẩm của gia cầm bệnh chưa được nấu chín hoặc chế biến không hợp vệ sinh.

TS.BS Phan Chí Thành, Chánh văn phòng Trung tâm Đào tạo (Bệnh viện Phụ sản Trung ương) cảnh báo, nhiều món khoái khẩu của người Việt được xếp vào nhóm nguy cơ cao lây nhiễm căn bệnh này. Trong đó, tiết canh là một điển hình.

Các loại tiết canh gia cầm như tiết canh vịt được nhiều người ưa chuộng vì nghĩ rằng không có vi khuẩn liên cầu lợn. Tuy nhiên, món ăn này vẫn tồn tại hàng loạt mầm bệnh vì không được chế biến nhiệt. Nếu ăn tiết canh từ con vật mang virus H5N1, cũng có nghĩa đang đưa trực tiếp loại virus này vào người.

Đặc biệt, bác sĩ Thành khuyến cáo các phụ nữ nuôi con nhỏ không nên ăn những loại thịt gia cầm chưa chế biến chín, vẫn còn sống, tái cũng tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm H5N1 vì mầm bệnh (nếu có) chưa bị tiêu diệt. Hơn thế, mọi người lưu ý nguy cơ khi ăn các loại chim trời đặc sản, vì người dân chuộng cách chế biến tái cho “ngọt, bổ”.

Virus cúm gia cầm cũng có thể lây nhiễm sang người khi ăn trứng chưa được nấu chín. Khi ăn trứng sống, trứng chần hoặc trứng lòng đào, nếu trứng có virus H5N1, chúng ta cũng có thể đối mặt với nguy cơ nhiễm loại virus này. Người dân chỉ ăn trứng mua từ những cơ sở uy tín. Đặc biệt, không sử dụng các loại trứng có vỏ bị nứt, có lỗ và vết bẩn trên vỏ để làm trứng chần, trứng lòng đào.

Khi các triệu chứng đầu tiên xuất hiện, những biểu hiện của bệnh sẽ dần tiến triển và bộc lộ rõ hơn. Do đó, người dân cần lưu ý những dấu hiệu như: Ho nhiều hơn, ho khan và cả ho có đờm; liên tục sốt cao; tác động lên hệ thần kinh trung ương: Rối loạn ý thức, giảm tỉnh táo, trí nhớ giảm, mệt mỏi, đau rát họng, đỏ và nóng da, hôn mê... Một số dấu hiệu khác bao gồm: Đau đầu, đau thái dương, đau hốc mắt, đau xương khớp, toàn thân đều đau nhức.

Khi những dấu hiệu trên xuất hiện, bệnh nhân cần đi khám và kiểm tra ngay để chẩn đoán, điều trị bệnh kịp thời. Tránh nguy cơ biến chứng có thể đe dọa đến tính mạng.

Bác sĩ Thành khuyến cáo, mọi người nên chủ động phòng, chống dịch cúm A (H5N1) lây từ gia cầm sang người. Người dân cần thực hiện tốt các biện pháp: Không ăn gia cầm, các sản phẩm gia cầm ốm, chết và không rõ nguồn gốc. Đảm bảo ăn chín, uống sôi. Rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn. Không giết mổ, vận chuyển, mua bán gia cầm và sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc.

Khi phát hiện gia cầm ốm, chết, tuyệt đối không được giết mổ và sử dụng mà phải thông báo ngay cho chính quyền địa phương và đơn vị thú y trên địa bàn. Hạn chế tiếp xúc, giết mổ, ăn các loại động vật hoang dã, đặc biệt là chim. Khi có biểu hiện cúm như sốt, ho, đau ngực, khó thở có liên quan đến gia cầm phải đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn, khám và điều trị kịp thời.

Lưu ý khi mắc bệnh

Theo bác sĩ Đinh Văn Chỉnh, Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC, hiện nay thuốc kháng virus Oseltamivir (Tamiflu) thường được chỉ định trong điều trị bệnh cúm gia cầm H5N1. Với điều kiện là ngay từ khi xuất hiện các dấu hiệu của cúm trong vòng 48 giờ đầu tiên, người bệnh phải dùng thuốc càng sớm càng tốt.

Nếu Tamiflu không đem lại hiệu quả khả quan, bệnh nhân có thể chuyển sang dùng Zanamivir (Relenza) để kiểm soát triệu chứng và phòng ngừa nguy cơ biến chứng.

Trong trường hợp bệnh nhân bị sốt cao trên 38 độ C kèm theo ho nhiều thì có thể dùng Paracetamol. Còn những bệnh nhân bị ho khan mức độ nhiều thì chỉ nên sử dụng Codein để điều trị. Ngoài ra, ở những ca bị cúm A/H5N1 diễn tiến nặng, có nguy cơ bị sốc nhiễm khuẩn thì sử dụng corticosteroid.

“Cần lưu ý, tuyệt đối không được sử dụng các loại thuốc thuộc nhóm salicylate (điển hình là aspirin) để hạ sốt do mắc cúm. Bởi, loại thuốc này có tác dụng phụ là gây ra hội chứng Reye với diễn tiến nguy hiểm, nhất là đối với trẻ nhỏ. Khi dùng các loại thuốc nêu trên, người bệnh cần tuân thủ chặt chẽ hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa”, chuyên gia khuyến cáo.

Theo bác sĩ Chỉnh, bệnh cúm gia cầm H5N1 có thể điều trị tại nhà, nhưng chỉ đối với trường hợp bệnh nhẹ. Những người bị nặng thì cần phải nhập viện để được can thiệp y tế, chăm sóc, theo dõi để phòng ngừa những biến chứng nghiêm trọng có thể xảy ra mà không thể xử lý được tại nhà.

Đối với những bệnh nhân điều trị tại nhà, cần lưu ý nghỉ ngơi hợp lý, tránh căng thẳng hay vận động mạnh. Đảm bảo phòng ốc thoáng mát, sạch sẽ. Nhiệt độ phòng không nên để quá nóng hay quá lạnh. Đồng thời, cần có chế độ dinh dưỡng khoa học. Nên ăn những món mềm, dễ tiêu, uống nhiều nước, không ăn đồ lạnh vì sẽ làm viêm họng và khiến bệnh lâu khỏi.

Lưu ý, sử dụng thuốc xịt mũi hằng ngày để vệ sinh mũi, ngăn ngừa viêm nhiễm. Sát khuẩn họng miệng bằng dung dịch nước muối pha loãng. Duy trì thói quen vệ sinh họng 2 - 3 lần/ngày. Điều này sẽ giúp giảm bớt triệu chứng viêm và đau rát họng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

MIT miễn học phí cho sinh viên đến từ gia đình thu nhập thấp.

MIT miễn học phí cho sinh viên

GD&TĐ - Từ học kỳ mùa Thu năm 2025, Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), sẽ miễn học phí cho sinh viên thuộc gia đình có thu nhập dưới 200 nghìn USD.

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.