Làng chài tỷ phú trên vùng đất võ

GD&TĐ - Mấy mươi năm qua người đời chỉ biết đến cái tên Hoài Hương – huyện Hoài Nhơn – Bình Định là một làng chài nghèo với nghề đánh bắt ven bờ và vá lưới, cuộc sống quá đỗi bấp bênh. Nay Hoài Hương đã “đổi đời” trở thành một trong những vùng giàu nhất tỉnh Bình Định với một đội tàu đánh bắt xa bờ hùng mạnh và có lắm tỷ phú ngư dân...

Làng chài tỷ phú trên vùng đất võ

Học nghề của người xứ Phù Tang

Trong trí nhớ của ngư dân nơi đây thì thuở ấy làng chài Hoài Hương chỉ có vài chục mái nhà lụp xụp. Cả làng dùng chung cái giếng nước của bà Năm Giao. Khi nào trời yên biển lặng thì ngư dân của làng chài dùng thuyền nan chèo ra biển, cách bờ chừng vài ba hải lý đánh bắt thủy hải sản bằng mành cơm, chà giắt, kiếm ít cá tôm đổi gạo. Còn mùa biển động, thì thôi đành chịu, chẳng ai dám dại dột giương buồm ra biển.

Ngư nghiệp của làng chài Hoài Hương bắt đầu khởi sắc từ sau ngày đất nước được giải phóng hoàn toàn, bắt nguồn từ cơ duyên của một ngư dân được sinh ra ở Hoài Hương nhưng lại làm nghề trên biển tại Nha Trang – Khánh Hòa từ trước ngày hòa bình. Ngư dân ấy tên Trần Bảng, chú họ của lão ngư Trần Đình Vọng. Lão ngư Trần Đình Vọng nay đã gần 80 tuổi nhưng vẫn còn đan lưới cung ứng cho các cửa hàng mua bán ngư lưới cụ. Kể lại chuyện xưa mà lòng ông không tránh được sự bồi hồi.

Chuyện là trước năm 1975, chú Trần Bảng của ông theo tàu đi đánh bắt xa bờ, tình cờ kết bạn được với những ngư dân xứ sở Phù Tang. Đương lúc hành nghề, ông chợt nhìn thấy kỹ thuật đánh bắt cá của các bạn Nhật sao lại quá gọn gàng mà lại cho hiệu quả đánh bắt rất cao. Thán phục bạn, thế là ông ngỏ ý muốn học nghề đánh bắt cá.

Mấy bạn ngư dân Nhật tốt bụng đồng ý ngay. Họ quyết định nhanh là đưa ông Trần Bảng sang đất nước “hoa anh đào” của họ cho ông toại nguyện học nghề đánh cá bằng lưới vây rút chì. Quan sát, ông Bảng nắm bắt được yếu tố quan trọng trong nghề này là sợi dây rút. Do đó, khi về nước, ông Bảng gấp rút mua ngay cả giàn lưới lẫn bộ dây mang về nghiên cứu. “Sau khi về Việt Nam, chú tôi tháo dây rút của Nhật ra xem kỹ lưỡng và học được cách đan dây. Dây rút chú Bảng đan từ 8 con dây gộp lại, to bằng cổ tay người lớn, khi rút, những vòng chì chìm dưới biển để kéo lưới lên, dây không bị xoắn” – ông Trần Đình Vọng nói.

Hòa bình, ông Trần Bảng hồi hương. Ông nghĩ, ngư dân quê mình muốn thoát nghèo thì chỉ còn cách phải đánh bắt xa bờ với nghề lưới vây rút chì mà thôi. Nghĩ vậy, ông liền tập trung một số ngư dân có khát vọng đổi đời nghề, đổi đời để dạy nghề đánh cá bằng lưới vây rút chì. “Lúc đầu chỉ có khoảng 5 – 6 ngư dân trong làng theo học nghề của chú Bảng. Cho tới khi nghề đầu tư tàu lớn ra khơi đánh bắt xa bờ, hiệu quả kinh tế mang lại ngoài sự mong đợi. Tiếng lành đồn xa, thế là ngư dân trong làng chài Hoài Hương đổ xô tìm đến chú Bảng học nghề cá mới. Rồi tin cứ thế lan truyền, ngư dân các miệt biển trong tỉnh và ngoài tỉnh cũng đều tìm đến chú Bảng học nghề” – lão ngư Trần Đình Vọng nhớ lại.

Nước lên thuyền lên

Kể từ khi có nghề mới, ngư nghiệp ở làng chài Hoài Hương đã không ngừng phát triển. Ông Trần Tấn Thuận, Chủ tịch UBND xã Hoài Hương cho hay: “Trước đây, làng chài Hoài Hương chỉ gói gọn có 2 thôn Ka Công và Thạnh Xuân thôi. Sau khi được chia tách thành 2 xã Hoài Hương và Hoài Hải, làng chài Hoài Hương được mở rộng ra thành 5 thôn: Ka Công, Ka Công Nam, Thạnh Xuân, Thạnh Xuân Bắc và Thạnh Xuân Nam. Hoài Hương có 18.179 nhân khẩu thì đã có đến 75% dân số hành nghề đánh bắt thủy hải sản trên biển”.

Nếu như trước đây nghề đánh bắt của ngư dân Hoài Hương chủ yếu làm ven bờ thì nay làng chài này đã hình thành đội tàu đánh bắt xa bờ lớn nhất nhì tỉnh Bình Định với hơn 130 tổ đội đoàn kết khai thác trên biển. Hoài Hương hiện đang có khoảng hơn 600 tàu đánh bắt xa bờ chủ yếu với nghề lưới vây rút chì và câu mực. Từ năm 2014 đến nay, làng chài còn phát triển thêm nghề câu cá ngừ đại dương bằng đèn cao áp. Cả làng chài hiện chỉ còn 32 tàu đánh bắt gần bờ với các nghề lưới ghẹ, lưới lồng...

Xưa, Hoài Hương là làng chài nghèo xác xơ. Nay, Hoài Hương đã “thay da đổi thịt” với hàng chục ngư dân tỷ phú, mỗi người sở hữu 3 – 4 chiếc tàu cá đánh bắt xa bờ. Có thể đơn cử: Ngư dân Đỗ Ngọc Điểm ở thôn Ka Công Nam có 3 tàu kiêm nghề mua bán ngư lưới cụ đánh bắt xa bờ. Ngư dân Trần Ngọc Khoan ở thôn Ka Công có 3 tàu, ngư dân Huỳnh Chánh Thi ở Ka Công có 4 tàu đánh bắt xa bờ, rồi ngư dân Nguyễn Thanh Long cũng là tỷ phú...

Có tiền, người dân làng chài thoát khỏi cảnh nhà cửa ọp ẹp, thay vào đó là những ngôi nhà mới khang trang mọc lên, lắm nhà cao tầng bề thế. Ngư nghiệp làm ra tiền thì các dịch vụ cung ứng phương tiện sinh hoạt, hoạt động cho ngư dân cũng ăn nên làm ra. Hàng quán, cửa tiệm mọc lên san sát nhau rất xôm tụ. Chỉ đếm sơ sơ trên vài tuyến đường chúng tôi đi qua mà đã có đến 10 cơ sở may công nghiệp, 2 cơ sở đan mây tre, 5 cơ sở sản xuất chuyên lưỡi câu cá ngừ đại dương, 6 cơ sở mua bán ngư lưới cụ và nhiều cơ sở hành nghề vá lưới.

Bà Trần Thị Thiết (59 tuổi), một người dân ở Hoài Hương, không khỏi tự hào khi nói về quê hương mình: “Đời sống con em của ngư dân bây giờ đã khác xưa, đầy đủ hơn cả về vật chất lẫn tinh thần. Nhất là chuyện học hành, nhiều gia đình ngư dân cho con đi du học nước ngoài”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Hiện trường vụ tổ hợp Litening rơi tại East Yorkshire, miền đông nước Anh.

Tiêm kích Typhoon bị 'mù' sau sự cố

GD&TĐ - Theo The Aviationist, chiến đấu cơ Typhoon của Không quân Anh đã gặp sự cố bất ngờ trong diễn tập khi để rơi tổ hợp chỉ thị mục tiêu Litening.