Những thay đổi lương hưu nhà giáo từ năm 2021

GD&TĐ - Chế độ hưu trí luôn nhận được nhiều quan tâm bởi đây là chế độ bảo đảm khi hết tuổi lao động. Từ năm 2021 sẽ có ba thay đổi quan trọng về lương hưu và tuổi nghỉ hưu với người lao động khi Bộ luật Lao động 2019 có hiệu lực.

Ảnh minh họa. Nguồn: IT
Ảnh minh họa. Nguồn: IT

Ba thay đổi về lương hưu từ năm 2021

Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV đã thông qua Bộ luật Lao động 2019 có hiệu lực từ ngày 1/1/2021. Sẽ có ba thay đổi quan trọng về lương hưu và nghỉ hưu khi Bộ luật Lao động 2019 có hiệu lực.

Theo đó, điều kiện hưởng lương hưu của nhà giáo từ năm 2021 cũng có sự thay đổi. Trước đây, giáo viên trong điều kiện bình thường sẽ được nghỉ hưu vào năm 60 tuổi với nam và 55 tuổi với nữ. Từ năm 2021, tuổi nghỉ hưu được điều chỉnh tăng theo Khoản 2 Điều 162 của Bộ luật Lao động 2019.

Cụ thể, năm 2021, lao động nam được nghỉ hưu khi đủ 60 tuổi 3 tháng, lao động nữ được nghỉ khi đủ 55 tuổi 4 tháng trong điều kiện lao động bình thường. Khi đủ tuổi như trên và có đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội (BHXH), người lao động sẽ được nghỉ hưu và hưởng lương hưu.

Từ năm 2021, điều kiện hưởng lương hưu khi suy giảm lao động cũng được thay đổi theo quy định mới tại Điểm b Khoản 1 Điều 219 Bộ luật Lao động 2019. Cụ thể, người lao động có đủ 20 năm đóng BHXH trở lên được hưởng lương hưu với mức thấp hơn nếu thuộc một trong các trường hợp theo quy định.

Bị suy giảm khả năng lao động từ 61% đến dưới 81% và có tuổi thấp hơn tối đa 5 tuổi so với tuổi nghỉ hưu. Tức là nam phải đủ 55 tuổi 3 tháng và nữ phải đủ 50 tuổi 4 tháng. Trước đây, nam đủ 55 tuổi, nữ đủ 50 tuổi.

Bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên, có tuổi thấp hơn 10 tuổi so với tuổi nghỉ hưu. Tức là nam phải đủ 50 tuổi 3 tháng và nữ phải đủ 45 tuổi 4 tháng. Trước đây nam đủ 50 tuổi, nữ đủ 45 tuổi.

Số năm đóng BHXH với lao động nam để tính lương hưu có thay đổi. Theo Luật BHXH 2014, mức lương hưu hàng tháng của người lao động được tính bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng và tương ứng với số năm đóng BHXH. Trong đó, nếu nghỉ hưu vào năm 2021, số năm đóng BHXH của lao động nam được tính là 19 năm, (tăng 1 năm so với năm 2020). Sự thay đổi này không tác động tới lao động nữ.

Sự thay đổi phù hợp với xu thế

“Khi được học tập và trao đổi về chính sách lương hưu với nhiều chuyên gia nước ngoài, tôi thấy, ở Việt Nam tạm ổn và tốt hơn so với các nước tương đương Việt Nam. Từ trước tới nay, nhiều người hiểu sai về lương hưu, nghĩ rằng phải sống thoải mái từ lương hưu. Trên thế giới không nước nào hiểu như thế, trung bình mức lương hưu họ được hưởng từ 30% - 50%, Mỹ là 25% trong khi đó ở Việt Nam lên tới 75%” - TS Phạm Hải Hưng nhấn mạnh.

Theo TS Phạm Hải Hưng, giảng viên chuyên ngành BHXH, Trường Đại học Lao động Xã hội, thực ra thay đổi này không phải là mới bởi Luật được ban hành từ năm 2014 nhưng bây giờ mới có hiệu lực thực hiện.

Về tăng tuổi nghỉ hưu, trước đây năm 2014 đã có dự thảo trình Quốc hội nhưng không thay đổi. Đến lần dự thảo sửa đổi Bộ luật Lao động năm 2019 thì nhận được nhiều sự đồng tình của đại biểu Quốc hội. Đa số đại biểu Quốc hội cho rằng, đây là xu thế tất yếu và cũng là nhu cầu thật sự cần thiết của Việt Nam hiện nay.

Đối với lĩnh vực giáo dục, khi lao động còn thặng dư lao động thì việc quyết định tăng tuổi nghỉ hưu là hợp lý. Trong những nghiên cứu gần đây, mấy chục năm qua, tuổi thọ trung bình của người Việt Nam đã tăng. Trong khi đó, tuổi nghỉ hưu của Mỹ là 67 tuổi, các nước khác là 65 tuổi.

Theo TS Phạm Hải Hưng, khi tăng tuổi nghỉ hưu đương nhiên người lao động phải tăng thêm thời gian đóng BHXH, với nữ là 5 năm và nam là 2 năm. Cùng với đó, thời gian hưởng BHXH sẽ bị giảm tương ứng. Tuy nhiên, điều này cũng là hợp lý với xã hội hiện nay vì khi ngày càng nhiều người hưởng BHXH thì cần tăng quỹ lương hưu.

Về thay đổi năm đóng bảo hiểm, những giáo viên nam bắt đầu hưởng lương hưu trong khoảng thời gian từ 1/1/2021 đến 31/12/2021 nếu đóng đủ 19 năm BHXH thì được hưởng 45% mà hiện nay là 18 năm. Những giáo viên nam bắt đầu hưởng lương hưu từ 1/1/2022 trở đi nếu đóng đủ 20 năm BHXH thì được hưởng 45%. Sau đó mỗi năm đóng BHXH được tính thêm 2% và tỷ lệ hưởng lương hưu hàng tháng tối đa là 75%. Giáo viên nữ nếu đóng đủ 15 năm thì được hưởng 45%, sau đó mỗi năm đóng BHXH được tính thêm 2%.

“Thực chất việc tăng tuổi khi nghỉ hưu là tăng số năm đóng BHXH. Còn đối với những giáo viên hưởng lương hưu trước tuổi quy định do suy giảm khả năng lao động theo quy định thì tỷ lệ hưởng lương hưu hàng tháng giảm 2% cứ mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi quy định”, bà Phạm Thị Mai - một cán bộ BHXH tại Hà Đông nhấn mạnh.

Nhiều giáo viên cho rằng, những thay đổi về lương hưu là bất lợi cho người lao động khi phải tăng thời gian đóng bảo hiểm và mức hưởng lương hưu vẫn vậy. Về vấn đề này, bà Phạm Thị Mai cho biết, xét về mặt xã hội nó tốt cho cộng đồng vì cùng san sẻ để bảo toàn quỹ. Theo thống kê hiện nay chỉ có 3 triệu người có lương hưu nhưng số này ngày càng tăng.

Trong khi đó, phần đóng góp chỉ chiếm 1/3 số người hưởng còn lại phải dùng nguồn khác bù vào. Như vậy, trước đây giáo viên nữ là 25 năm, nam là 30 năm đóng để được hưởng 75% thì tới đây là tăng dần tới giáo viên nữ là 30 năm và nam là 35 năm.

TS Phạm Hải Hưng giải thích, lương hưu của cán bộ, công chức, viên chức và giáo viên nói riêng được hưởng đang tính trung bình 5 năm cuối với hệ số lương cao. Theo quy định mới sẽ tăng dần lên ở mức trung bình 6 năm cho đến 15 năm và cả quá trình đóng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ