Những thầy cô “gác cửa” cho Đà Nẵng

GD&TĐ - Dịch bùng phát ở Đà Nẵng, thành phố áp dụng lệnh cấm “Ai ở đâu thì ở đó”, cùng với lực lượng y tế, những thầy cô trong những ngày này phải tạm xa gia đình, mái trường để hỗ trợ tuyến đầu chống dịch.

Cô giáo Bùi Thị Diệu Hiền (ngoài cùng bên phải) đang trực chốt kiểm soát dịch đường Tạ Quang Bửu.
Cô giáo Bùi Thị Diệu Hiền (ngoài cùng bên phải) đang trực chốt kiểm soát dịch đường Tạ Quang Bửu.

Đêm ở cửa ngõ ra vào thành phố, khi người dân đã ngủ, họ vẫn miệt mài với công việc nhiệm vụ được phân công. Gác lại những nỗi niềm riêng, các giáo viên đang nỗ lực với mong muốn Đà Nẵng sớm trở lại cuộc sống bình thường. 

Cô giáo bám chốt hơn 100 ngày chống dịch

Khuya 21/8, chúng tôi có mặt tại đường Tạ Quang Bửu (phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu), TP Đà Nẵng, đây là ngày thứ 5 thành phố thực hiện lệnh cấm “Ai ở đâu thì ở đó”, và cũng là ngày thứ 3 Đà Nẵng thực hiện việc xét nghiệm nhanh kháng nguyên ở cửa ngõ ra vào thành phố. Nhằm sớm phát hiện ca mắc Covid-19 để tránh lây lan ra cộng đồng.

Trời về khuya, lượng xe vào thành phố mỗi lúc một đông hơn, tại chốt kiểm soát dịch này, lực lượng chức năng trắng đêm hướng dẫn các tài xế khai báo y tế, yêu cầu cánh tài xế luồng xanh xét nghiệm nhanh Covid-19, đây là điều kiện bắt buộc để các phương tiện được vào thành phố theo quy định của Đà Nẵng.

Vừa làm thủ tục kiểm tra giấy tờ cho các tài xế, cô giáo Bùi Thị Diệu Hiền – giáo viên dạy môn Lịch sử của Trường THCS Lê Anh Xuân (quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng) hướng dẫn tài xế di chuyển sang bàn y tế để thực hiện test nhanh kháng nguyên, trước khi vào thành phố.

Trao đổi với PV, cô giáo Hiền cho biết, khi dịch bắt đầu bùng phát ở Đà Nẵng, theo lời kêu gọi của thành phố, cô Hiền đã xung phong hơn 3 tháng nay đã theo chân lực lượng chống dịch của quận trong việc lấy mẫu, hỗ trợ xét nghiệm. Đây là lần thứ 4 trong 2 năm qua, cô Hiền đi tham gia vào lực lượng này.

Lực lượng y tế tại chốt kiểm soát dịch trên đường Tạ Quang Bửu (phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu).

Lực lượng y tế tại chốt kiểm soát dịch trên đường Tạ Quang Bửu (phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu). 

Hơn 100 ngày kể từ khi dịch bùng phát là khoảng thời gian cô Hiền tạm xa gia đình. Mỗi ngày trực 8 tiếng, sức khỏe của cô giáo trẻ hầu như cũng giảm sút do cường độ làm việc cao.

“Thật sự bây giờ sức khỏe cũng không còn được tốt như trước, do thiếu ngủ, có nhiều lúc mệt quá đành nằm ngủ bên giường nhỏ trong chốt kiểm soát. Nhưng so với lực lượng y tế thì họ vất vả hơn rất nhiều. Vì cái chung của thành phố, vì toàn thể người dân nên tôi cố gắng ra trận”, cô Hiền chia sẻ.

Cô Hiền tâm sự, khi quyết định tham gia vào lực lượng chống dịch, do chưa có chồng con nên bản thân cô giáo trẻ không có nhiều vướng bận. Điều đặc biệt, khi biết tin con gái tham gia tuyến đầu ba mẹ cô cũng ủng hộ việc làm ý nghĩa này. Chính vì thế, hầu như ngày nào cô Hiền cũng có mặt cùng với tổ y tế hỗ trợ làm giấy tờ để người dân thực hiện xét nghiệm.

“Xung phong lên tuyến đầu chống dịch, tôi càng thấy được sự nguy hiểm của dịch bệnh. Gia đình còn có ba mẹ già nên bản thân tôi cũng rất sợ việc không may lây nhiễm. Bởi vậy, mỗi lần khi đi về thì tôi chỉ ở trong phòng, hạn chế tiếp xúc gần với những người trong gia đình, dù việc này khiến sinh hoạt của tôi hoàn toàn bị đảo lộn. Nhưng tôi phải cố gắng vượt qua sự khó khăn đó, để cùng thành phố chống dịch”, cô Hiền chia sẻ.

Cô Hiền cho rằng, bản thân là một cô giáo nên đã tiếp xúc rất nhiều đến quý phụ huynh của học sinh. Thế nên khi qua làm nhiệm vụ hỗ trợ chống dịch, cô Hiền cũng xem những người dân là quý phụ huynh, để từ đó hỗ trợ tận tình chu đáo cho trong việc khai báo y tế, lấy mẫu xét nghiệm.

Cô Hiền đang hỗ trợ trong việc khai báo y tế cho tài xế.
Cô Hiền đang hỗ trợ trong việc khai báo y tế cho tài xế.

5 tháng nhìn vợ con qua điện thoại

Càng về khuya, đường phố Đà Nẵng càng vắng lặng. Những tiếng động cơ của một đoàn chiếc xe tải phá vỡ không gian yên tĩnh. Thượng úy Nguyễn Trương Phi Long (cán bộ CSGT Công an quận Liên Chiểu), đôi mắt thâm quầng vì thiếu ngủ lại tiếp tục công việc kiểm soát các phương tiện qua lại tại chốt.

Bên trong chốt kiểm dịch, nhiều lực lượng công an, y tế… luôn cần mẫn với công việc của mình. Không ai bảo ai, mỗi người một nhiệm vụ từ ra hiệu lệnh dừng xe, đo thân nhiệt, ghi chép thông tin của người, phương tiện đi vào thành phố. Lực lượng này được ví là lớp “lá chắn” đầu tiên trên tuyến đầu phòng chống dịch Covid-19 xâm nhập vào địa bàn.

Thượng úy Long tâm sự, nhiều tháng qua, anh cùng đồng đội bám chốt kiểm soát dịch, dịch bùng phát nên 5 tháng nay anh ở lại tại cơ quan. “Vợ cũng làm hỗ trợ chống dịch nên đứa con gái nhỏ của anh đành gửi cho ông bà nội, ngoại chăm sóc đỡ. Mấy tháng qua không về nhà, nhớ vợ con, nhưng vì nhiệm vụ nên phải cố gắng”, Thượng úy Long chia sẻ.

0 giờ ngày 22/8, trong lúc chờ có kết quả xét nghiệm, anh Nguyễn Văn Công (38 tuổi, quê tỉnh Bình Định) ngồi nép bên vỉa hè khu vực chốt kiểm soát dịch trên đường Tạ Quang Bửu nhằm hạn chế tiếp xúc với các tài xế khác theo hướng dẫn của lực lượng y tế.

Anh Công chia sẻ, gần 5 tháng qua, từ lúc dịch bệnh bùng phát, anh Công lấy cabin xe đầu kéo làm nhà, ăn ngủ trên xe. Cuộc sống những ngày dịch giã khiến anh càng nhớ quê nhà và vợ con.

“Làm tài xế đi xa 1 tháng về là bình thường, nhưng dịch bùng phát mạnh, nên 5 tháng qua tôi chưa về được. Không những tôi mà còn nhiều anh em khác cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự. Dịch bệnh ăn ngủ trên xe, về đến cảng bốc hàng thì xin đi tắm nhờ, ăn uống thì ăn tạm để qua bữa. Nhớ vợ con ở quê, có lần xin về để cách ly tập trung nhưng công ty đang thiếu tài xế nên không về được”, anh Công tâm sự.

Rạng sáng 22/8, chúng tôi tạm biệt lực lượng chống dịch ở cửa ngõ phía Bắc đề trở về. Thời điểm này, nhiều người dân đang say giấc, đường phố vắng lặng. Nhưng vẫn còn đó, những chốt chặn với nhiều lực lượng gồm y tế, quân đội, công an, thanh niên tình nguyện, cùng các giáo viên vẫn lặng lẽ tạo nên tuyến “phòng thủ” vững chắc cho thành phố.

Những câu chuyện của lực lượng chống dịch cùng người lao động cũng đều có chung một mong ước, ước một ngày Đà Nẵng “sạch bóng Cô vy” để họ quay về với gia đình.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Thầy Nguyễn Văn Phúc - giáo viên Trường THPT Lương Thế Vinh (Bến Tre) trong giờ dạy môn Tiếng Anh lớp 12. Ảnh: NTCC

Dồn sức ôn thi tốt nghiệp THPT

GD&TĐ - Sau khi hoàn thành chương trình lớp 12, các trường THPT tập trung tối đa công tác tổ chức ôn tập Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024.