Tại Hội thảo “Triển vọng nghiên cứu phát triển vắc xin phòng bệnh cho người ở Việt Nam”, GS.TS. Nguyễn Thanh Long – Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, thời gian qua, vắc xin đã phát huy hiệu quả giúp làm thay đổi cơ bản cơ cấu bệnh tật; thanh toán được nhiều bệnh.
Hiện Việt Nam đã sản xuất được 10 loại vắc xin và có 8 vắc xin được sử dụng trong Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia.
Về vắc xin phòng Covid-19, Việt Nam có 2 vắc xin đang trong giai đoạn thử nghiệm lâm sàng là vắc xin Nano Covax và vắc xin COVIVAX (của IVAC chuẩn bị thử nghiệm giai đoạn 2).
Ngày 22/6, Học viện Quân y cho biết, các đơn vị nghiên cứu đã hoàn thành 1.000 mũi tiêm đầu tiên thử nghiệm giai đoạn 3 vắc xin phòng Covid-19 Nano Covax.
Trong thời gian tới, Học viện Quân y sẽ tiêm thử nghiệm cho 12.000 người còn lại theo tỷ lệ 2 người tiêm vắc xin, 1 người tiêm giả dược.
Vắc xin Covid-19 “made in Vietnam” đầu tiên dự kiến sẽ có vào cuối tháng 9/2021.
Bên cạnh những thành công bước đầu về nghiên cứu vắc xin phòng Covid-19, ngành Y tế Việt Nam đã tiến bộ vượt bậc trong nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ, không những đảm bảo được tính mạng, sức khỏe của nhân dân, mà còn khiến thế giới khâm phục bởi những thành công trong kiểm soát, khống chế, điều trị nhiều bệnh nguy hiểm.
Ứng dụng tế bào gốc
Công nghệ tế bào gốc là một trong những phương pháp mới được sử dụng để khắc phục những hạn chế của các bệnh mãn tính hiện nay.
Trong thời gian qua, công nghệ tế bào gốc của ngành Y Việt Nam đã đạt được những thành tựu quan trọng và ảnh hưởng không nhỏ đến phát triển kinh tế xã hội, khoa học và công nghệ (KH&CN) trên toàn cầu.
Ba sứ mệnh cao cả của công nghệ tế bào gốc là thay thế, tái tạo và sửa chữa khắc phục các tế bào bị tổn thương, giúp làm lành lại mô tạng phục hồi sức khỏe.
Ở nước ta sự phát triển của nghiên cứu và ứng dụng tế bào gốc đã bắt đầu từ năm 1995, tăng dần trong những năm gần đây và đã đạt được một số thành tựu nhất định. Bệnh viện Đa khoa quốc tế Vinmec là một trong những bệnh viện ghép tế bào gốc ở nhiều trường hợp trẻ bị bại não, tự kỷ.
Bại não là tình trạng một hoặc nhiều vùng của não bị tổn thương gây ảnh hưởng đến chức năng vận động và phát triển của cơ thể. Bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ và thai nhi khi có trong bụng mẹ. Tùy từng vùng não bị tổn thương mà các cơ quan tương ứng trong cơ thể sẽ bị ảnh hưởng. Biểu hiện của mỗi trường hợp bệnh vì thế lại khác nhau.
Chủ trì đề tài cấp Nhà nước “Nghiên cứu sử dụng tế bào gốc tự thân điều trị bại não ở trẻ em” được Bộ Khoa học và Công nghệ phê duyệt, GS.TS Nguyễn Thanh Liêm, Viện trưởng Viện nghiên cứu tế bào gốc và công nghệ gen Vinmec cho biết, ghép tế bào gốc là phương pháp điều trị có thể nói là tốt nhất hiện nay đối với những bệnh nhi bị bệnh về bại não.
Tế bào gốc được tách chiết từ máu ngoại vi trong môi trường vô trùng tuyệt đối sau đó được chuyển vào cơ thể bệnh nhân qua tủy sống. Tế bào gốc sẽ theo tuần hoàn của dịch não tủy đi lên não bộ.
Tại đây tế bào gốc giúp tăng sinh mạch máu hình thành các chất có chức năng kháng viêm, đồng thời kích thích tế bào gốc thần kinh tại khu vực biệt hóa tăng sinh.
Tế bào gốc được cấy hết vào cơ thể còn có tác dụng dẫn chuyển thần kinh tốt hơn, từ đó phục hồi vùng não bị tổn thương. Sau khi điều trị các bệnh nhân sẽ được luyện tập và chăm sóc hàng ngày để nhanh chóng phục hồi.
Ghép tạng giành lại sự sống cho nhiều người
Chia sẻ tại Hội nghị khoa học ghép tạng Việt Nam lần thứ VI năm 2019, Chủ tịch Hội Ghép tạng Việt Nam GS.TS Phạm Gia Khánh cho biết, ghép tạng là một thành tựu y học của nhân loại trong thế kỷ 20.
Việt Nam đang dần làm chủ được kỹ thuật lấy, ghép mô, tạng và đây là “thời điểm vàng” cho lĩnh vực ghép tạng. Đặc biệt, số ca được ghép tạng tại Việt Nam đã tăng rất nhanh trong 4 năm gần đây, số ghép năm sau nhiều hơn năm trước khoảng 100 ca.
Lịch sử ngành Ghép tạng Việt Nam được đánh dấu bằng sự kiện ca ghép thận cho bệnh nhân Vũ Mạnh Đoan (40 tuổi) bị suy thận giai đoạn cuối vào ngày 4/6/1992 ở Bệnh viện Quân y 103 từ người hiến là em trai ruột 28 tuổi. Sự kiện này đánh dấu bước phát triển mới của nền y học nước nhà, đồng thời mở cánh cửa hồi sinh cho những bệnh nhân suy thận đang khắc khoải giành sự sống.
Liên tiếp các năm sau đó, Bệnh viện Quân y 103, Bệnh viện Việt Đức, Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 thực hiện thành công các ca ghép tạng, mang đến niềm tự hào lớn cho ngành Y Việt Nam.
5 tháng sau ca ghép thận đầu tiên, Bệnh viện Chợ Rẫy (TP Hồ Chí Minh) cũng tiến hành ca ghép thận, hiện bệnh nhân sống khỏe mạnh. Năm 2004, bé gái Nguyễn Thị Diệp (10 tuổi, ở Nam Định) trở thành bệnh nhi đầu tiên được ghép gan tại Bệnh viện Quân y 103, người cho một phần gan là bố đẻ em (31 tuổi).
Năm 2007, Bệnh viện Việt Đức thực hiện ca ghép gan người lớn đầu tiên ở Việt Nam sau khi Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác có hiệu lực (từ ngày 1/7/2007).
Một bước ngoặt quan trọng khác trong lịch sử ghép tạng Việt Nam là ca ghép tim đầu tiên cũng được tiến hành thành công tại Bệnh viện Quân y 103 vào ngày 17/6/2010.
Ngày 11/1/2017, y - bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy lần đầu tiên thực hiện thành công ca ghép thận trao đổi chéo, cứu sống 2 cô gái được cha mẹ cho thận.
Một trong những thành tựu được coi là “đặc biệt” của ngành Ghép tạng Việt Nam là thực hiện điều phối ghép tạng quốc gia bằng vận chuyển hàng không dân dụng, khi thực hiện 7 ca ghép tạng xuyên Việt thành công, trong khi hầu như không có nước nào sử dụng hàng không dân dụng để vận chuyển tạng.
Tuy nhiên, Việt Nam vẫn còn rất nhiều kỹ thuật ghép tạng khác chưa được triển khai như ghép tụy, ghép tử cung hay ghép gan từ người sống cho người suy gan cấp.
Năm 2018, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 đã ghi thêm một “mốc son” trong ngành Ghép tạng Việt Nam khi lần đầu tiên thực hiện thành công ca ghép phổi từ người cho chết não, cùng với sự hỗ trợ của các chuyên gia nước ngoài.
Không riêng gì Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, năm 2019, Bệnh viện Trung ương Huế cũng đã thực hiện thành công đồng thời 2 ca ghép tạng xuyên Việt (1 ghép tim và 1 ghép gan) từ một người cho chết não tại Hà Nội. Tại Bệnh viện Việt Đức, lần đầu tiên cũng đã thực hiện chia gan từ người cho chết não để ghép cho hai người bệnh suy gan và ung thư gan.
Tháng 8/2019, một kỷ lục mới được xác lập tại Bệnh viện Việt Đức khi chưa đầy một tuần (từ 12/8 tới 18/8), có 15 ca ghép tạng được thực hiện thành công tại đây.
Các bác sĩ Bệnh viện Việt Đức đã lập kỳ tích khi thực hiện tới 10 ca mổ ghép tạng từ người cho chết não, gồm ghép một phổi, hai tim, ba gan, bốn thận với nguồn hiến đa tạng từ hai ca người chết não hiến tạng tại Bệnh viện Việt Đức và một ca tại Bệnh viện Chợ Rẫy.
Bên cạnh đó, bệnh viện cũng thực hiện năm ca ghép tạng theo chương trình từ người cho sống, gồm ghép một gan, bốn thận.
Những thành công trong ghép tạng là thành tích nổi bật của hệ thống khám, chữa bệnh của Việt Nam. Phẫu thuật ghép tạng đã trở thành thường quy tại một số trung tâm ngoại khoa đầu ngành của Việt Nam với đầy đủ trang thiết bị hiện đại mà giá thành chỉ bằng 1/3 chi phí trên thế giới.
Phẫu thuật Nội soi
Tại Đại hội Hội Phẫu thuật Nội soi – Nội soi Việt Nam lần III và Hội nghị Khoa học phẫu thuật Nội soi – Nội soi và Ngoại khoa năm 2015 tại TP Huế, GS. Bùi Đức Phú - Giám đốc BV Trung ương Huế cho biết, có thể nói rằng, Phẫu thuật Nội soi và Nội soi là một tiến bộ của y học, là thành tựu của khoa học kỹ thuật hiện đại; lĩnh vực này mang lại nhiều lợi ích cho bệnh nhân và xã hội, đó là ít đau, sớm ra viện, sớm trở lại cuộc sống bình thường,…
Đặc biệt, trong đó phải kể đến thành tựu Phẫu thuật Nội soi một lỗ, Phẫu thuật Nội soi qua lỗ tự nhiên; Phẫu thuật Nội soi các bệnh lý phức tạp, như cắt gan, cắt khối tá tuy, cắt thực quản, Phẫu thuật Nội soi lồng ngực, Chấn thương chỉnh hình, Sản phụ khoa, Nhi khoa… và Nội soi can thiệp của các chuyên ngành Tim mạch, Nội khoa, Tai Mũi Họng… được đánh giá ngang tầm các bệnh viện, trung tâm y học khu vực và thế giới.
Ghép tế bào gốc tạo máu điều trị các bệnh máu tại Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương là phương pháp điều trị triệt để nhất giúp cho bệnh nhân bệnh máu ác tính cũng như lành tính, di truyền có thể khỏi bệnh và có cuộc sống bình thường. Ảnh: TTXVN.
Thụ tinh trong ống nghiệm
Sự ra đời của trẻ bằng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm tại Việt Nam từ năm 1998 đến nay đã mở ra cơ hội mới cho hàng nghìn gia đình hiếm muộn, là một trong những thành tựu xuất sắc của nền y học Việt Nam.
Ngày 30/4/1998, cách đây hơn 20 năm, ba đứa trẻ thụ tinh trong ống nghiệm (TTTON) đầu tiên của Việt Nam ra đời. Đây là một trong những thành tựu xuất sắc của nền y học Việt Nam. Ba em bé được đặt tên là Phạm Tường Lan Thy, Lưu Tuyết Trân và Mai Quốc Bảo.
3 em bé thụ tinh trong ống nghiệm chào đời đầu tiên tại Việt Nam. Ảnh: YAN.
Gia đình anh Tài may mắn là một trong những cặp vợ chồng đầu tiên được áp dụng phương pháp này. Ngày 30/4/1998, sau hơn 9 tháng thai kỳ thấp thỏm lo âu, niềm vui vỡ òa trong anh Tài và gia đình khi chào đón cô con gái ra đời.
Theo bố mẹ Lan Thy, sinh ra bằng cách thụ tinh trong ống nghiệm nhưng con gái họ vẫn phát triển thể chất và tinh thần bình thường như những đứa trẻ khác. Tuy nhiên, khi lớn lên, nữ sinh đôi lúc bị bạn bè trêu chọc vì sự "đặc biệt" này của mình.
Phạm Tường Lan Thy sở hữu thành tích học tập tốt, hiện đang du học tại Nhật Bản. Ảnh: YAN.
Kỹ thuật vi phẫu trong điều trị tổn thương bỏng sâu và tạo hình sẹo bỏng
Năm 2011, ứng dụng kỹ thuật vi phẫu trong điều trị tổn thương bỏng sâu và tạo hình sẹo bỏng, khuyết hổng mất da của Viện Bỏng quốc gia đã được Bộ Y tế xếp là một trong 10 thành tựu y - dược học Việt Nam trong năm.
Mỗi năm, Viện Bỏng Quốc gia đã tiếp nhận, điều trị cho hàng vạn bệnh nhân, thành công nổi bật là điều trị hiệu quả cho những trường hợp bị bỏng hơn 90% diện tích cơ thể, bỏng sâu đến 55%, giảm tỷ lệ tử vong xuống còn 1,5%.
Tại Hội nghị Bỏng Châu Á - Thái Bình Dương lần thứ chín (APBC) với chủ đề "Những thách thức trong điều trị bỏng toàn diện" tại Hà Nội, GS. TS Andrew Burd, Sáng lập viên Hội Bỏng Châu Á - Thái Bình Dương đánh giá cho rằng kỹ thuật vi phẫu ghép vạt da tự thân là một kỹ thuật khó, tuy nhiên Việt Nam đã áp dụng kỹ thuật này thành công trong thời gian ngắn. Hội Bỏng Châu Á – Thái Bình Dương đánh giá cao điều này.
Ảnh: TTXVN.
Tuy nhiên, GS. TS Andrew Burd nhận xét, công tác dự phòng tai nạn bỏng còn chưa được chú trọng, đặc biệt nhiều trẻ em bị bỏng do công tác dự phòng chưa tốt.
GS. Andrew Burd cũng cho biết hiện nay một số nước tiên tiến trên thế giới đang áp dụng kỹ thuật tế bào gốc để điều trị bỏng nặng. Nhiều bác sĩ chuyên ngành bỏng ở Việt Nam đang học tập kỹ thuật này để áp dụng ở Việt Nam.
Đặt máy tạo nhịp tim vĩnh viễn
Ngày 31/10/2019, Bệnh viện Nguyễn Đình Chiểu tiến hành thực hiện thủ thuật đặt máy tạo nhịp vĩnh viễn trong điều trị bệnh lý tim mạch. Đây là lần đầu tiên Bệnh viện Nguyễn Đình Chiểu thực hiện thủ thuật này dưới sự hỗ trợ trực tiếp của các bác sĩ đến từ Bệnh viện Chợ Rẫy.
Bác sĩ phẫu thuật đặt máy tạo nhịp tim vĩnh viễn-Bệnh viện Nguyễn Đình Chiểu. Ảnh: SKHCNBT.
Kỹ thuật đặt máy tạo nhịp tim vĩnh viễn là một kỹ thuật trong Đề án Bệnh viện vệ tinh chuyên ngành tim mạch can thiệp, được Bệnh viện Nguyễn Đình Chiểu triển khai thực hiện trong giai đoạn 2016-2020 do Bệnh viện Chợ Rẫy chuyển giao.
Bác sĩ Nguyễn Minh Trí, Khoa lão học - tim mạch, Bệnh viện Nguyễn Đình Chiểu cho biết: Bến Tre có nhiều thuận lợi khi nằm trong Đề án Bệnh viện vệ tinh về tim mạch với Bệnh viện Chợ Rẫy.
Ảnh: SKHCNBT.
Từ năm 2016 đến nay, các bác sĩ của Bến Tre đã được các bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy hướng dẫn tận tình. Trong thời gian kiến tập, thực hành hơn 1 năm tại bệnh viện Chợ Rẫy, bác sĩ Bệnh viện Nguyễn Đình Chiểu được trực tiếp tham gia hỗ trợ và thực hiện thủ thuật đặt máy tạo nhịp vĩnh viễn cho từ 4 đến 7 ca bệnh mỗi ngày. Đây là môi trường rất tốt để bác sĩ Bệnh viện Nguyễn Đình Chiểu học tập, nâng cao tay nghề và thành thục.
Cùng với việc Bệnh viện Chợ Rẫy cử bác sĩ xuống hỗ trợ bác sĩ của Bệnh viện Nguyễn Đình Chiểu trong 100 ca phẫu thuật đầu tiên sẽ là nền tảng để bác sĩ tại Bệnh viện Nguyễn Đình Chiểu tự tin thực hiện thủ thuật này trong thời gian tới.
Ngoài ra, bệnh viện Nguyễn Đình Chiểu cũng đã trang bị máy C- Arm, và dự kiến năm 2020 sẽ tiếp tục trang bị các máy móc hỗ trợ trong điều trị bệnh tim mạch, đảm bảo lộ trình Bệnh viện vệ tinh tim mạch trong năm 2020.