Những thách thức trong ánh hào quang

GD&TĐ - Bộ trưởng Tài chính Olaf Scholz ngày 9/12 đã chính thức tiếp quản chiếc ghế Thủ tướng Đức trong một buổi lễ tối giản.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Nhưng lễ nhậm chức không hề có chút phô trương này lại đánh dấu một kỷ nguyên mới của nước Đức sau 16 năm nằm dưới sự chèo lái của bà Angela Merkel.

Các tờ báo châu Âu như Guardian thậm chí còn đánh giá việc ông Olaf Scholz trở thành tân Thủ tướng Đức cũng đã mở ra một thời kỳ mới cho cả châu Âu vốn chịu ảnh hưởng nhiều từ bà Merkel trong thời gian dài vừa qua. Nữ cựu Thủ tướng Đức đã dẫn dắt châu Âu đi qua nhiều biến động như cuộc khủng hoảng khu vực đồng Euro, vấn đề tị nạn và tiến trình Brexit của Anh.

Chính vì vậy, dấu ấn của Thủ tướng Đức đối với chính trường châu Âu trong 16 năm qua là đặc biệt quan trọng, tạo ra một nền tảng không thể tốt hơn cho người kế nhiệm. Tân Thủ tướng Olaf Scholz đương nhiên cũng sẽ tìm mọi cách để duy trì tầm ảnh hưởng mà nước Đức đã tạo ra dưới thời người tiền nhiệm.

Trong tuyên bố đầu tiên, ông cho biết, chuyến đi đầu tiên bên ngoài nước Đức sẽ là Paris hoặc Brussels nhằm khẳng định rằng “châu Âu an toàn và có chủ quyền”.

Mặc dù đã để lại một nền tảng ảnh hưởng vững chắc lên khu vực, nhưng di sản của bà Merkel không phải không có thách thức cho người kế nhiệm. Trong đó nổi bật nhất là việc liệu ông Olaf Scholz có thể tiếp tục duy trì vị thế của Đức như một cường quốc kinh tế đầu tàu của châu Âu, có tỷ lệ thất nghiệp rất thấp bất chấp các khó khăn dịch bệnh hay không.

Giới chuyên gia cho rằng, duy trì thành tựu này của bà Merkel dưới triều đại Thủ tướng mới của Đức là không hề đơn giản, trong bối cảnh những tác động sâu rộng của Covid-19 khiến kinh tế Đức càng ngày càng dễ bị tổn thương. Hơn nữa, nước Đức cũng bị cho là chưa có sự chuẩn bị kỹ lưỡng để sẵn sàng cho một tương lai sẽ được định hình bởi công nghệ và sự cạnh tranh khốc liệt giữa Mỹ và Trung Quốc.

Quan điểm trên được đưa ra khi các chuyên gia đánh giá Đức đã bỏ lỡ cơ hội trở thành cường quốc về cơ sở hạ tầng số dưới thời bà Merkel. Trong khi đó lại từ bỏ phát triển năng lượng hạt nhân quá sớm và ngày càng phụ thuộc vào Trung Quốc như thị trường lớn nhất về tiêu thụ ô tô và các mặt hàng xuất khẩu chủ lực khác.

Các chỉ số cũng cho thấy động lực tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ của Đức thời bà Merkel phần lớn nhờ kết quả từ hoạt động thương mại với Trung Quốc.

Người Đức đang phải trả chi phí cho sử dụng năng lượng cao vào hàng nhất thế giới vì đã đóng cửa các nhà máy điện hạt nhân, trong khi mạng lưới năng lượng tái tạo lại chưa được phát triển đủ để bù đắp thâm hụt từ điện năng hạt nhân. Thực tế này được cho là sẽ “ám ảnh” nước Đức trong vòng 10 năm tới và đây thực sự là một thách thức không nhỏ mà tân Thủ tướng Olaf Scholz phải đối mặt giải quyết.

Một bài toán phức tạp khác cũng đang chờ ông Scholz có lời giải là việc nước Đức đang trong làn sóng Covid-19 thứ 4, có mức độ nghiêm trọng hơn tất cả các đợt bùng phát trước đó dưới thời bà Merkel. Riêng trong ngày 8/12, nước này ghi nhận 527 ca tử vong vì dịch, cao nhất kể từ đầu năm đến nay.

Trong khi đó, ngay cả việc kế thừa di sản tốt đẹp của bà Merkel cũng đã là một nhiệm vụ không hề đơn giản. Thế giới đang quan tâm cách tân Thủ tướng Olaf Scholz xử lý những thách thức này, bởi đây không chỉ ảnh hưởng tới nước Đức, mà có thể tác động đến cả khu vực châu Âu mà nước này đang nắm vai trò dẫn dắt.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ