Mới đây, truyền thông đưa tin một cô giáo khóc khi nhận lương hưu chỉ 1,3 triệu đồng sau 37 năm dạy học. Đó là trường hợp của cô Trương Thị Lan, giáo viên Trường mầm non Lê Duẩn, xã Cẩm Duệ, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh. Cô có quyết định nghỉ hưu vào tháng 9-2017.
Cầm quyết định vừa được nhận trên tay mà cô khóc không thành tiếng. Trả lời dư luận, Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh Hà Tĩnh cho biết mức lương hưu của cô Hà là đúng theo quy định chung của cả nước. Giám đốc cơ quan này nói thêm, “trường hợp về hưu, lương như cô Lan trên địa bàn Hà Tĩnh cũng có nhiều người, nhiều nhất là giáo viên mầm non”.
Không thể trách cơ quan bảo hiểm xã hội vì họ làm đúng quy định nhà nước. Nhưng với kiểu trả lương hưu như thế chẳng khác nào là gáo nước lạnh tạt vào lòng nhiệt huyết của giáo viên; là cái tát vào niềm kiêu hãnh nghề nghiệp mà họ lựa chọn.
Cũng mới đây, tại một số trường tiểu học ở huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, vụ việc nhiều giáo viên dạy hợp đồng từ đầu năm học 2016-2017 đến nay không được trả lương mới được phơi bày.
Vâng, đây là chuyện khó tin nhưng có thật. Các hiệu trưởng giải thích họ là những giáo viên được nhà trường hợp đồng theo chỉ tiêu quy định. Tuy nhiên sau khi vào dạy một học kỳ, họ không còn được trả lương. Do trường thiếu giáo viên nên họ phải dạy tăng tiết. Thù lao dạy tăng tiết này cũng không được trả.
Liên hệ các phòng ban liên quan của huyện Tân Thành, nhà trường được trả lời đây là số giáo viên dôi dư so với biên chế và ngân sách không trả lương cho những trường hợp này.
Thế nhưng các giáo viên vẫn bám trường, bám lớp. Có giáo viên nhà cách xa trường đến 30km. Dư luận tỏ ra rất bức xúc, không biết trong từng ấy ngày họ đã sống bằng gì mà không nghỉ lên lớp ngày nào?
Còn tại Thanh Hóa, mới đây tỉnh này vừa cho phép hợp đồng trở lại với cả ngàn giáo viên bị cắt hợp đồng năm trước.
Truyền thông nói đây là “tin vui”. Tuy nhiên, dư luận nhà giáo tỏ ra chạnh lòng. Năm 2016, tỉnh Thanh Hóa yêu cầu các địa phương đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động với các giáo viên này cũng với lý do tuyển dụng ngoài biên chế.
Chẳng hạn huyện Yên Định đơn phương chấm dứt hợp đồng với 647 giáo viên, huyện Vĩnh Lộc chấm dứt hợp đồng với 376 giáo viên… Tuy nhiên, thực tế tại các trường rất thiếu giáo viên. Chỉ có điều họ không có quyền quyết định tuyển, mà quyền này nằm ở một cơ quan khác.
Bị bất ngờ chấm dứt hợp đồng, nay được hợp đồng lại, các giáo viên không hiểu vì sao, vì lỗi đâu phải từ phía họ. Nhưng họ hiểu bản thân họ không nhận được sự tôn trọng cần thiết và nghề giáo cũng chưa được coi trọng.
Cũng vậy, hiện trên cả nước có hàng vạn giáo viên tốt nghiệp đại học dạy bậc tiểu học, mầm non chỉ được hưởng lương trung cấp. Rõ ràng giữa chủ trương đại học hóa đội ngũ giáo viên mầm non, tiểu học và chế độ đãi ngộ đang “choảng” nhau.
Có thể kể ra thêm những nghịch lý, bất công khác đối với nghề giáo. Trong đó, có những vấn đề thuộc thẩm quyền của ngành thì việc tháo gỡ sẽ thuận lợi. Nhưng có những vấn đề còn thuộc thẩm quyền ngành khác, cấp khác.
Dư luận đặt vấn đề đã đến lúc phải rà soát, tháo gỡ những nghịch lý của nghề giáo và có một cơ chế quản lý phù hợp để ngành giáo dục hoạt động hiệu quả hơn.
Giáo viên là lực lượng quyết định sự thành công của công cuộc đổi mới giáo dục và đào tạo. Trong khi chúng ta đang động viên đội ngũ giáo viên tiến lên mà vẫn còn những “tảng đá” ngáng đường thì cần phải dọn sạch chúng!