Cụ Nguyễn Văn Thuyết. Ảnh: N.N |
Người mà tôi đặc biệt ấn tượng là cụ Nguyễn Văn Thuyết 79 tuổi. Hành trang mà cụ Thuyết mang từ Bình Phước ra Hà Nội là một tấm chân tình đầy xúc động đối với sự nghiệp giáo dục quê hương. Cụ tâm sự “Cả cuộc đời tôi thăng trầm từ Bắc vào Nam, cuộc sống mưu sinh cực nhọc, vất vả. Đối với gia đình, con cái, tôi đã lo toan cho các cháu được ổn định cuộc sống bằng chính cái chữ, cái nghề mà các cháu chọn. Còn bản thân tôi vẫn ấp ủ phải thực hiện bằng được hoài bão là đóng góp chút công sức của mình cho quê huơng Chơn Thành. Hưởng ứng cuộc vận động đóng góp cho công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập, bằng số tiền tích cóp của gia đình, tôi đã đóng góp số tiền hơn 2 tỷ đồng để xây 1 trường mẫu giáo Sao Mai với 8 phòng học tại huyện Chơn Thành tỉnh Bình Phước. Với sự đóng góp còn rất khiêm tốn này, gia đình chúng tôi muốn góp một phần nhỏ bé của mình vào sự nghiệp chấn hưng giáo dục nước nhà, trả nghĩa tình mảnh đất quê hương và những con người đã cưu mang giúp đỡ gia đình chúng tôi được như ngày hôm nay”.
Tháng 12/2009, sự đóng góp mà cụ Thuyết cho là còn “nhỏ bé” của mình đã hiện hữu bằng công trình trị giá 2,4 tỷ đồng trên tổng diện tích 5000 m vuông gồm 8 phòng học trệt kiên cố, có diện tích sử dụng chính là 49,6m vuông đạt chuẩn quy định cùng với các công trình phụ khác như: chạy đường day điện, đèn, quạt cho các lớp, giếng đóng, 2 bồn nước inox, hàng rào trước và cổng trường cùng với nhiều cây xanh.
Thầy Nguyễn Văn Phương. Ảnh: N.N |
Sinh ra trong một gia đình nghèo khổ, mẹ phải chật vật mưu sinh bằng nghề bán xôi để nuôi hơn 10 anh chị em, may mắn hơn các anh em của mình, nhà sư Nguyễn Văn Phương, nay là trụ trì chùa Vĩnh Quang (xã Châu Phong, thị xã Tân Châu, An Giang) được học hết THPT. Nương nhờ cửa phật nhưng nhà sư vẫn đau đáu một tâm nguyện, làm sao các em gia đình nghèo khó không phải vì miếng cơm manh áo mà không được cắp sách tới trường.
Đã từ nhiều năm nay, các gia đình quá khốn khó, thậm chí cả những nhà không phải vì vật chất khó khăn mà con khó dạy bảo cũng đem đến nhờ thầy Phương nuôi dạy mà không cần một chi phí nào. Điều kỳ lạ là, rất nhiều em được thầy Phương dạy bảo đã trở thành những đứa con ngoan, trò giỏi. 14 đứa “con” mà hiện thầy đang nuôi dạy, trong đó có 4 em đang học đại học là niềm tự hào, hãnh diện của thầy.
Hỏi về những khó khăn tài chính, thầy Phương tâm sự, đó cũng là một nỗi lo vì hiện tại ngoài nuôi các em đang học lớp 1, 2, 3 tại các trường ở địa phương thì hàng tháng thầy phải lo đủ 4 triệu đồng cho 4 em đang học đại học ở TP.HCM, Cần Thơ và An Giang. Những số tiền này thầy có được bằng cách vận động các nhà hảo tâm, gia đình phật tử nhưng chuyện đến tháng chưa có tiền gửi cho các em ăn học cũng không phải ít. Nhiều khi thầy phải đi vay nợ rồi đi vận động trả dần. Thế nhưng, nhiều em do thầy nuôi dạy, đã tốt nghiệp đại học, có công ăn việc làm ổn định muốn quay lại giúp thầy nuôi các em thầy lại từ chối. “Quan trọng nhất là các con thành đạt. Mong mỏi lớn nhất của thầy là các con phải đem hết sức mình phục vụ cho xã hội, giúp ích cho gia đình bớt nghèo khổ, khi nào rộng rãi hơn nữa, chừng ấy hãy ủng hộ thầy lo cho các em”, thầy Phương đã nói với những đứa “con” của mình như vậy. Câu cuối cùng thầy Phương gửi gắm là “Xã hội muôn màu muôn vẻ, nhưng nếu mình làm bất cứ điều gì có ích thì đó cũng là hình thức cúng dường cho Phật”
Bác Võ Văn Lộc. Ảnh: N.N |
Bác Võ Văn Lộc, xã Tân Hòa, huyện Lai Vung, Đồng Tháp nay đã 75 tuổi vẫn lăn lộn nhiều năm để vận động xây những cây cầu chắc chắn cho học sinh đi học qua sông an toàn. Nuôi dạy 10 người con đều đã thành đạt, hiện 14 con của bác cả dâu, rể đều là giáo viên, bác càng dồn hết tâm sức của mình vào công việc này. Chỉ riêng trong năm 2009, bác đã vận động xây được 9 cây cầu bê tong và hiện một cây cầu trị giá 300 triệu ở xã Tân Hòa, quê hương bác đang được thi công. Bác trả lời cho động cơ việc làm của mình: Quê bác trước đây toàn những cây cầu ván tạm bợ, học sinh đi qua đó lo lắm, chỉ cần sảy chân là ngã xuống song rất nguy hiểm. Vùng quê bác khó khăn, nếu trình độ dân trí thấp thì con em sau này sẽ không làm được gì giúp ích cho bản thân, gia đình, xã hội. Bác tâm sự, hiện quê bác chỉ còn dăm ba cây cầu tạm, nếu xóa được cầu tạm ở xã mình bác sẽ tiếp tục đến những xã khác mà không chỉ làm cầu, bác sẽ vận động làm đường đi lại.
Kinh nghiệm cho những thành công của mình, bác Lộc trả lời: Mọi việc đều do có sự đoàn kết nội bộ, khi công việc xong xuôi thì phải công khai tài chính cho rõ ràng, bà con nhìn thấy việc mình làm là chính đáng thì sẽ tin tưởng và hưởng ứng làm theo.
Hiện nay, nhiều học sinh, sinh viên Việt Nam đã được hưởng lợi từ Quỹ học bổng Lawrence S.Ting. Ông Phan Chánh Dưỡng, Giám đốc Quỹ hỗ trợ Cộng đồng Lawrence S.Ting cho biết, đến nay, sau hơn 4 năm thành lập, Quỹ Lawrence S.Ting đã 7 lần tổ chức Lễ trao học bổng, trực tiếp trao 1.997 suất học bổng cho các học sinh, sinh viên tài năng có thành tích học tập xuất sắc với tổng trị giá hơn 10 tỷ đồng. Bên cạnh đó, Lawrence S.Ting còn thông qua các Quỹ, Hội trung ương và Hội khuyến học thuộc 63 tỉnh thành cả nước cung cấp hơn 27 ngàn suất học bổng trị giá gần 19 tỷ đồng để trao cho các học sinh, sinh viên nghèo hiếu học và con em các dân tộc ở vùng sâu, vùng xa.
Ông Phan Chánh Dưỡng – Giám đốc Quỹ Hỗ trợ Cộng đồng Lawrence S.ting trao học bổng cho học sinh |
Chương trình tài trợ cho ngành Tin học với tên gọi “Tiến bước cùng CNTT” của Lawrence S.Ting cũng mang lại hiệu quả đáng kể. Quỹ đã hỗ trợ hơn 2.682 máy vi tính cho 112 phòng máy của 89 trường học trên toàn quốc cùng nhiều trang thiết bị tin học khác với trị giá 33 tỷ đồng. Giai đoạn 3 của chương trình Tiến bước cùng CNTT đã được bắt đầu thực hiện với cuộc thi: “Thiết kế hồ sơ bài giảng điện tử E-learning” với sự phối hợp của Bộ GD&ĐT nhằm góp phần đẩy mạnh việc giảng dạy ứng dụng CNTT, sử dụng có hiệu quả hơn nữa các phòng máy vi tính đã được trang bị phục vụ cho công tác giảng dạy…
Hiếu Nguyễn
TIN LIÊN QUAN |
---|