Những tấm gương truyền cảm hứng cho tinh thần học tập suốt đời

GD&TĐ - Học tập suốt đời không chỉ mở ra cơ hội phát triển bản thân, mà còn giúp con người thích ứng với sự biến đổi không ngừng của xã hội.

Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Trần Thế Cương tặng hoa chúc mừng các nhân vật "truyền cảm hứng học tập suốt đời".
Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Trần Thế Cương tặng hoa chúc mừng các nhân vật "truyền cảm hứng học tập suốt đời".

Tại diễn đàn học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập năm 2025 với chủ đề “Học tập suốt đời để trở thành người hữu dụng” do Sở GD&ĐT Hà Nội tổ chức ngày 26/4, khách mời là những tấm gương truyền cảm hứng đã có những chia sẻ xúc động về tinh thần học tập suốt đời.

Giúp số phận kém may mắn được học tập suốt đời

Giữa lòng Thủ đô Hà Nội có một lớp học đặc biệt. Ở đó, mỗi học sinh là một hoàn cảnh "đặc biệt". Các em không cùng độ tuổi, không chung trình độ, nhưng cùng nhau học chung dưới một lớp học tình thương. Đó là lớp học của cô Phạm Thị Huyền tại phường Thanh Xuân Nam (quận Thanh Xuân).

Năm nay đã hơn 70 tuổi, nhưng cô Huyền miệt mài lên lớp, dạy các em từng con chữ, từng phép tính. Nhiều em học hết chương trình tiểu học tại lớp cô Huyền thì tiếp tục vào học lớp 6 Trung tâm GDNN-GDTX quận Thanh Xuân và học lên cao.

Mỗi ngày, tinh thần học tập được cô Huyền gieo đến mỗi học viên của lớp học, để các em không chỉ biết đọc, biết viết mà còn biết cách ứng xử và không ngừng nỗ lực vươn lên. Từ tình yêu thương ấy, cuộc sống của nhiều em khuyết tật đã thay đổi hoàn toàn. Các em không chỉ được cô dạy chữ, mà còn dạy cả kỹ năng để tự phục vụ bản thân mình.

Cô Huyền chia sẻ: "Nhìn các con bị bệnh tật, khiếm khuyết như vậy tôi thương lắm. Biết là sẽ vất vả hơn, nhưng tôi vẫn quyết nhận dạy các cháu, dạy một lần không được thì dạy hai, ba lần, thậm chí dạy đi dạy lại hàng chục lần cũng không sao. Chỉ cần các cháu đến với tôi là tôi sẵn sàng dạy".

Nhìn lại hành trình dạy học, cô Huyền cho biết, gần 30 năm qua, nhiều lứa học sinh của cô đã trưởng thành; không ít em hoàn thành chương trình đại học, cao đẳng, trung cấp hoặc trở về địa phương làm việc tại khu công nghiệp với các vị trí khác nhau.

img-0260.jpg
Những tấm gương truyền cảm hứng đã có những chia sẻ xúc động về tinh thần học tập suốt đời.

Đáp ứng yêu cầu của công việc

Tiêu biểu cho tinh thần học tập suốt đời có anh Phạm Quang Giang, hiện là Chủ tịch Hội Người mù tỉnh Ninh Bình. Dù đã lớn tuổi, có công việc ổn định nhưng anh Giang vẫn đăng ký theo học chương trình lớp 10 tại Trung tâm GDNN-GDTX Nguyễn Văn Tố (quận Hoàn Kiếm).

Chia sẻ lý do chính để quay lại học tập sau gần 20 năm gián đoạn, anh Giang cho biết đi học lại vì muốn nâng cao trình độ văn hoá đáp ứng sự phát triển và yêu cầu ngày càng cao của công việc. Với vai trò người đứng đầu của một tổ chức, anh muốn là người tiên phong trong mọi hoạt động, từ đó vận động nhiều bạn trẻ khiếm thị khác tiếp bước và học lên cao hơn.

Theo anh Giang, duy trì việc học văn hóa và học nghề với người khiếm thị là vô cùng khó khăn. Đa phần người khiếm thị đều mặc cảm, tự ti với số phận; gia đình họ cũng không muốn cho con đi học với tư tưởng “đã mắt kém thì không làm được gì”.

“Vận động người khiếm thị đi học đã khó; việc bố trí lớp học, giáo viên dạy cũng vất vả không kém. Mặt khác, chế độ với người khiếm thị hạn hẹp cũng là rào cản để người khiếm thị đi học", anh Giang kể.

Trước đây, mỗi học viên đi học đều cần người nhà - lao động chủ lực của gia đình bố trí thời gian đưa đi, đón về. Điều này khiến nhiều học viên bỏ dở; có học viên đòi về vì nhớ nhà.

Với trách nhiệm là Chủ tịch Hội Người mù, anh Giang vừa động viên, chia sẻ với học viên, vừa vận động các cơ quan, tổ chức hỗ trợ kinh phí để có thêm điều kiện hỗ trợ học viên. Nhờ đó, những năm gần đây, 100% học viên đi học đã được bố trí chỗ ăn, ngủ hoàn toàn miễn phí nên rất phấn khởi và đi học đều.

Noi theo tấm gương học tập của anh Giang, không ít học viên trẻ đã hỏi anh quy trình, thủ tục xin đi học để đăng ký chương trình giáo dục thường xuyên vào năm tới. Với anh Giang, đó là thành công bước đầu, là cụ thể hoá của việc lan toả tinh thần học tập đến cộng đồng và toàn xã hội.

z6543217270300-b2cae7edba6f4364e0ea6f417e7e45d0.jpg
Anh Phạm Quang Giang, 40 tuổi, học viên khiếm thị, đang học lớp 10 Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên Nguyễn Văn Tố (quận Hoàn Kiếm) chia sẻ tại chương trình.

Hướng tới những mục tiêu xa hơn

Anh Phạm Quốc Việt, người sáng lập đội hỗ trợ sơ cứu FAS Angel đã tham gia cứu hộ ở những vụ cháy lớn như vụ cháy chung cư mini Khương Hạ, cháy dãy nhà trọ ở Trung Kính và hàng chục nghìn nạn nhân của những vụ tai nạn giao thông khác. Số người được giúp đỡ lên đến hơn 20 nghìn người.

Dù rất bận rộn nhưng anh Việt vẫn quyết tâm tiếp tục theo đuổi con đường học hành còn đang dang dở. Hiện anh là học viên lớp 10 Trung tâm GDNN-GDTX quận Thanh Xuân. Anh muốn hoàn thành chương trình văn hóa, có thể thi đại học để hướng tới những mục tiêu xa hơn trong cuộc đời.

Động lực giúp anh đến lớp xuất phát từ thực tế. Theo anh Việt, đa số các thành viên trong đội cứu hộ do anh sáng lập có lòng nhân ái, nhiệt tình nhưng thiếu kinh nghiệm sơ cấp cứu đối với người gặp nạn. Do đó, anh muốn hoàn thành học văn hóa để nếu có thể sẽ theo học ngành y, có kiến thức để tập huấn, chia sẻ đến các thành viên trong đội cũng như tăng cơ hội giúp đỡ cộng đồng.

Kể lại kỷ niệm sau hơn một năm đi học, anh Phạm Quốc Việt cho biết, anh từng rất bất ngờ khi tại Trung tâm GDNN-GDTX Thanh Xuân, nơi anh theo học có một cô giáo là người anh cứu giúp tại vụ cháy chung cư mini ở Khương Hạ. Cô giáo vẫn nhớ và coi anh là ân nhân; đồng thời giúp anh bắt đầu học lại kiến thức cơ bản nhất; động viên anh cố gắng và quyết tâm duy trì nhịp học thực hiện ước mơ trở thành bác sĩ.

Gửi thông điệp đến các học sinh thế hệ hôm nay, cô Huyền, anh Giang và anh Việt đều nhấn mạnh vai trò của tri thức và học tập; từ đó nhắn các em học sinh hãy cố gắng, rèn luyện kiến thức để góp phần vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong kỷ nguyên mới.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ