Những tấm gương tiêu biểu

Những tấm gương tiêu biểu
Chăm sóc, dạy dỗ đàn em thơ bằng tình yêu thương của người mẹ
Chăm sóc, dạy dỗ đàn em thơ bằng tình yêu thương của người mẹ

(GD&TĐ) - Đó là những người thầy, người cô luôn cống hiến hết mình cho sự nghiệp trồng người. Công việc của họ thầm lặng mà ý nghĩa biết bao, họ giống như những con ong chăm chỉ giữa ngàn hoa để chắt chiu cho đời những giọt mất tinh túy và thơm ngọt nhất.

Cô giáo mầm non hết lòng vì học sinh dân tộc

Điểm trường Sẻ Mản Thẩn (Trường MN Mản Thẩn, Si Ma Cai, Lào Cai) nằm cách xa trung tâm xã, cư dân thưa thớt và trình độ dân cư không cao, đời sống người dân còn khó khăn với 100% là hộ nghèo nên việc huy động trẻ đến trường là thách thức với giáo viên mới ra trường như Vàng Thị Gếnh.

Tuy nhiên, cũng là người dân tộc, thấu hiểu được nỗi khổ của việc không biết chữ, cô giáo Gếnh đã lặn lội đến từng nhà vận động phụ huynh cho con đến lớp bằng nhiều hình thức, từ vận động cha mẹ đưa con ra lớp đến đi gọi trẻ, trực tiếp đón trẻ...

Sau nhiều năm nỗ lực vận động cộng với việc khẳng định chất lượng GD thông qua việc chăm sóc, dạy dỗ, năm học 2012 - 2013, lớp học do cô giáo Gếnh phụ trách đã thu hút được 17 trẻ 5 tuổi ra lớp và số trẻ trên được duy trì trong suốt năm học.

Ở trên lớp luôn hết lòng vì học sinh, khi về nhà cô Vàng Thị Gếnh lại vất vả chăm sóc 2 đứa con bệnh tật của mình (cháu lớn 7 tuổi bị hở hàm ếch, cháu nhỏ 4 tuổi bị bại não bẩm sinh) rồi lại cùng chồng tăng gia sản xuất. Vất vả, mệt mỏi là điều không tránh khỏi nhưng “giờ nào việc ấy”, cô giáo Gếnh chưa bao giờ lơ là bổn phận của người mẹ hay trách nhiệm của một giáo viên.

Nhờ sự tận tâm dạy dỗ, chăm sóc, học trò của cô Gếnh luôn đạt loại giỏi, khá. Sau 8 năm gắn bó với nghề, cô Gếnh đã đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp trường, huyện, tỉnh, được ngành GD tuyên dương là nữ nhà giáo tiêu biểu, được nêu gương người tốt việc tốt.

Dẫn dắt học sinh đến với khoa học công nghệ
Dẫn dắt học sinh đến với khoa học công nghệ
 

Đổi mới phương pháp dạy để khơi dậy sự sáng tạo cho học sinh

Là một trong những giáo viên “cứng” của Trường Tiểu học Kiểng Phước 1 (Gò Công Đông, Tiền Giang), cô giáo Huỳnh Thị Diễm Lan luôn được lãnh đạo, đồng nghiệp và phụ huynh học sinh tin tưởng trong việc dạy cũng như phát hiện tài năng nhí của trường. 

Cô Lan chia sẻ: “Trong công tác dạy học, tôi luôn tích cực bồi dưỡng học sinh giỏi bằng cách luôn đổi mới phương pháp dạy học bằng nhiều hình thức như: Trò chơi, đố vui... phù hợp với trình độ của học sinh. Xây dựng môi trường thân thiện, tạo hứng thú cho học sinh bằng cách: Tổ chức học tập theo nhóm, các trò chơi học tập, thi giải toán nhanh... Bồi dưỡng cho các em phương pháp và cách tổ chức tự học ở nhà”. 

Cô thường xuyên đổi mới phương pháp, trò được tự do sáng tạo nên trong các phong trào Kể chuyện văn học, Vở sạch chữ đẹp, Giải toán trên mạng, học sinh của cô Lan đều đạt giải cao, đặc biệt trong phong trào Vở sạch chữ đẹp giành 9 giải cấp tỉnh (trong đó có 01 giải nhất và 1 giải Khuyến khích) và được dự triển lãm vở sạch, chữ đẹp tỉnh…

Với những thành tích trên, cô Huỳnh Thị Diễm Lan đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở từ  năm học 2004 - 2005 đến năm học 2012 - 2013, đặc biệt trong năm học 2007- 2008 đã đạt được danh hiệu chiến sĩ thi đua cấp tỉnh; Năm học 2009 - 2010 được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen và năm học 2011 -2012 được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Ba.

Cán bộ công đoàn tiêu biểu

Là Chủ tịch Công đoàn Trường THPT Kim Sơn A (Ninh Bình), thầy giáo Vũ Đắc Toàn đã cùng BCH Công đoàn nhà trường đã triển khai và thực hiện tốt các chương trình hành động mà công đoàn cấp trên đề ra.

Nhờ đó, Công đoàn trường liên tục được công nhận là Công đoàn cơ sở vững mạnh xuất sắc, được Công đoàn Giáo dục Việt Nam, Liên đoàn Lao động tỉnh Ninh Bình và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tặng bằng khen; Công đoàn Giáo dục Việt Nam tặng Cờ thi đua đơn vị Công đoàn trường học xuất sắc.

Bản thân thầy Toàn đã được Công đoàn Giáo dục Việt Nam và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tặng bằng khen và LĐLĐ tỉnh Ninh Bình khen thưởng là “Cán bộ Công đoàn tiêu biểu giai đoạn 2008 – 2013”.

Năng nổ trong hoạt động công đoàn, thầy Toàn còn là giáo viên có nhiều sáng kiến kinh nghiệm và tận tâm với học sinh của mình. Năm học 2005 -2006; 2007 – 2008;  2010 – 2011, thầy Toàn đều có sáng kiến kinh nghiệm xếp loại giỏi cấp Ngành.

Đặc biệt năm 2011, sáng kiến “Thiết kế, chế tạo và hướng dẫn học sinh chế tạo dụng cụ, thiết kế phương án, tiến hành các thí nghiệm vật lý phần nhiệt học ở lớp 10 THPT” được công nhận là sáng kiến cấp tỉnh. 

Năm học 2012 – 2013, thầy Toàn tiếp tục được giải Ba Hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh Ninh Bình lần thứ VI với đề tài chế tạo Bộ thiết bị thí nghiệm vật lý tự làm phần Nhiệt học lớp 10 THPT và đang được gửi tham dự Hội thi sáng tạo kỹ thuật Toàn quốc lần thứ 12.  

Thầy luôn sáng tạo, không ngừng học tập trau dồi kiến thức nên đội tuyển học sinh giỏi văn hóa và Casio môn Vật lý lớp 12 do thầy Toàn bồi dưỡng trong 4 năm gần đây cũng không phụ công thầy,  liên tục xếp thứ Nhất, Nhì tỉnh Ninh Bình. 

“Bách khoa toàn thư”

Đây là biệt danh mà đồng nghiệp, học trò đặt cho GS. TS Lê Quang Trí, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Biến đổi khí hậu (Trường ĐH Cần Thơ). Để có được sự tin yêu trên, theo thầy Trí, bản thân mỗi giáo viên phải luôn luôn cập nhật các tài liệu về chuyên môn cho bài giảng nên chất lượng giảng dạy ngày một cao.

Bên cạnh đó cần áp dụng các phương pháp giảng dạy mới, kèm theo các phần thí dụ thực tế từ các chương trình nghiên cứu địa phương làm cho chất lượng học tập của sinh viên các môn học ngày càng cao hơn.

Không chỉ tham gia đào tạo sinh viên, thầy Trí còn bồi dưỡng đội ngũ giáo viên giỏi, giúp đỡ đồng nghiệp về chuyên môn và nghiên cứu khoa học, nhất là các thế hệ trẻ, đặc biệt là giúp cho các cán bộ này có những định hướng và tham gia nghiên cứu khoa học tốt, nâng cao kiến thức dần để thành những giảng viên giỏi có chất lượng cao. 

Gần gũi, có kiến thức chuyên sâu, thầy Trí luôn được đánh giá là tấm gương nhà giáo cho sinh viên noi theo, từ lĩnh vực chuyên môn đến tư cách cuộc sống. Được sinh viên yêu quí, tôn trọng, và thường gặp để xin góp ý kiến hay khuyên giải khi gặp những khó khăn trong học tập, sinh hoạt, cũng như khi ra trường.

Được đồng nghiệp quí trọng và luôn thảo luận với nhau về chuyên môn cũng như trong các hoạt động trong giảng dạy và cuộc sống. Được các địa phương và huyện cũng như các tỉnh của đồng bằng sông Cửu Long yêu mến và xem trọng nhất là các lĩnh vực về chuyên môn và đóng góp trong quá trình phát triển của địa phương…

Hoài Thu

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ