Những tác phẩm báo chí về thầy cô và ngôi trường truyền cảm hứng

GD&TĐ - Những hy sinh thầm lặng, những chăm chút tỉ mỉ cho học trò của giáo viên ở vùng sâu luôn là những câu chuyện có tính kết nối cộng đồng mạnh mẽ.

Thầy Lê Huy Phương, Hiệu trưởng Trường phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Trà Tập đánh trống trong lễ bàn giao công trình điểm trường Tắk Pổ. (Ảnh: Trà Thu)
Thầy Lê Huy Phương, Hiệu trưởng Trường phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Trà Tập đánh trống trong lễ bàn giao công trình điểm trường Tắk Pổ. (Ảnh: Trà Thu)

Những ngôi trường truyền cảm hứng

Thầy Lê Huy Phương, Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Trà Tập (Nam Trà My, Quảng Nam) nhận xét rằng, những hy sinh thầm lặng, những chăm chút tỉ mỉ, ân cần và đầy trách nhiệm của các thầy cô giáo dạy học ở vùng sâu, vùng xa luôn là những câu chuyện có tính kết nối cộng đồng mạnh mẽ. Họ cũng chính là người kết nối với các CLB đội nhóm, các tổ chức cá nhân làm thiện nguyện, để ngành giáo dục có thêm nguồn lực đóng góp từ xã hội nhằm cải thiện điều kiện dạy - học ở vùng khó.

Như câu chuyện gắn liền với điểm trường Tắk Pổ thuộc Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Trà Tập, nơi có bộ ảnh khai giảng đầy giản dị, đơn sơ đã được phản ảnh trong tác phẩm Lễ khai giảng xúc động trên đỉnh Ngọc Linh. Đây là tác phẩm của nhà báo Thái Bá Dũng (báo Tuổi Trẻ). Tác phẩm đạt cùng một lúc hai giải trong Giải báo chí toàn quốc Vì sự nghiệp giáo dục năm 2020 gồm Giải Nhất và Giải Đặc biệt.

Một bức ảnh trong bộ ảnh Lễ khai giảng năm học 2019 - 2020 của cô giáo Trà Thị Thu (Ảnh: Trà Thu)

Một bức ảnh trong bộ ảnh Lễ khai giảng năm học 2019 - 2020 của cô giáo Trà Thị Thu (Ảnh: Trà Thu)

Không chỉ lễ khai giảng năm học 2019 – 2020 mà năm nào, cô Trà Thị Thu cũng có một bộ ảnh mở đầu cho năm học mới tại điểm trường mình dạy. “Khai giảng ở bất kỳ điểm trường nào kể từ khi đi dạy học, tôi cũng chuẩn bị chu đáo như thế. Ảnh cũng chỉ chụp bằng điện thoại. Để cả cô và trò có một tâm thế thật vui tươi, háo hức cho một năm học mới” – cô Thu chia sẻ.

Sau lễ khai giảng năm học 2019 – 2020, câu chuyện về điểm trường Tắk Pổ qua lời kể của cô giáo trẻ Trà Thị Thu xuất hiện khắp nơi: từ mặt báo đến truyền hình rồi mạng xã hội. Một làn sóng những sự hỗ trợ đã nhanh chóng đến với điểm trường.

Cuối năm 2022, công trình xây dựng kiên cố cho điểm trường Tắk Pổ với tổng kinh phí đầu tư 1,7 tỉ đồng từ sự hỗ trợ của Cộng đồng cựu sinh viên Viện Công nghệ Châu Á tại Việt Nam (AITAA-VN), ngân sách của huyện Nam Trà My và các nguồn hỗ trợ khác đã khánh thành.

Thế nhưng, Nam Trà My không chỉ có Tắk Pổ mà còn có nhiều điểm trường lẻ khác, lặng lẽ khuất mình cùng bản làng heo hút cũng đã được xây dựng kiên cố từ nguồn kết nối cộng đồng.

“Như điểm trường Tắk Rối, được hội đồng sư phạm nhà trường gọi là ngôi trường cổ tích. Đây là điểm trường được xây dựng kiên cố hóa 2 lần từ sự vận động của các CLB thiện nguyện, góp phần cải thiện điều kiện dạy - học vùng khó” – thầy Lê Huy Phương cho biết.

Những cánh én làm nên mùa xuân

Thầy Lê Huy Phương nhận xét rằng, tập thể hội đồng sư phạm nhà trường, dù dạy học ở điểm trường chính hay các điểm lẻ, đều hết sức chăm chút cho hình ảnh của nhà trường. “Đây là một điều rất đáng quý. Như người cha người mẹ thứ hai của các em, các giáo viên nhà trường chăm chút, lo lắng cho học trò bằng cả tấm lòng. Mỗi người có một cách kết nối riêng để vận động các nguồn lực hỗ trợ cho điểm trường và học sinh của mình” – thầy Phương kể.

Thầy Nguyễn Văn Hối (giữa) chăm sóc vườn rau tại điểm trường Tắk Rối (Ảnh: NVCC)

Thầy Nguyễn Văn Hối (giữa) chăm sóc vườn rau tại điểm trường Tắk Rối (Ảnh: NVCC)

Như thầy Nguyễn Văn Hối, tuy không thông thạo trong sử dụng mạng xã hội, nhưng chính sự chân thành, mộc mạc khi đón tiếp các đoàn thiện nguyện đến trao quà cho học sinh khiến nhiều đoàn quay trở lại sau đó.

Thầy Hối chia sẻ, tuy điểm trường Tắk Rối phải qua sông nhưng thông tin về trường thì nhiều người biết nên nhiều tổ chức, cá nhân tìm đến tham quan. “Chẳng lẽ lại để khách đến trường thấy một vườn cỏ um tùm, một vài đống giấy vụn, rác vương vãi khắp nơi trong khi trường thì được xây dựng khang trang. Thế nên thời gian rỗi, tôi tranh thủ trồng thêm rau, hoa… ở quanh vườn trường. Rồi vận động thêm phụ huynh cùng hỗ trợ để giữ cho ngôi trường luôn được xanh – sạch – đẹp” – thầy Hối kể.

Ông Nguyễn Minh Anh, Trưởng phòng GD&ĐT Sơn Tây (Quảng Ngãi) chia sẻ rằng: “Đều làm giáo dục ở địa bàn vùng khó, chúng tôi học được rất nhiều trong câu chuyện được chia sẻ từ các đồng nghiệp thông qua các tác phẩm báo chí. Đó là cách vận động các nguồn lực hỗ trợ trước hết là để cải thiện điều kiện sinh hoạt, học tập của học sinh. Tùy theo nguồn lực của từng nhóm thiện nguyện, các trường có thể chia nhỏ thành nhiều gói hỗ trợ, như nhu yếu phẩm, áo quần ấm, tu sửa hoặc xây dựng cơ sở vật chất. Những nội dung này, đơn vị cần phải chủ động và luôn có sẵn để cung cấp thông tin nhanh nhất đến các cá nhân, tổ chức thiện nguyện”.

Như ở huyện Sơn Tây, một số trường học vùng khó, bản thân các thầy cô đã chủ động trích từ đồng lương ít ỏi của mình để trang bị cho khu nội trú thêm máy giặt để áo quần các em nhanh khô vào mùa đông. Thầy cô vào tận bản giao bài, dạy kèm cho học sinh trong thời gian diễn ra dịch Covid-19, học sinh phải tạm dừng đến trường. Sự hỗ trợ tại chỗ của các thầy cô là những câu chuyện có tính chất kết nối cộng đồng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhu cầu tuyển dụng lao động vào dịp cuối năm luôn “nóng” tại các doanh nghiệp. Ảnh minh họa: INT

Doanh nghiệp 'khát' lao động

GD&TĐ - Những tháng cuối năm luôn là thời điểm sôi động nhất của thị trường lao động, bởi hầu hết các doanh nghiệp phải chạy đua với thời gian

Minh họa/INT

Thưởng Tết - động lực để cống hiến

GD&TĐ - Ý nghĩa của thưởng Tết dù ít hay nhiều nhằm ghi nhận công lao, đóng góp của người lao động, đồng thời chính là thành quả mà người lao động tạo ra...