Những suất cơm bán trú 'vượt đèo' đến các điểm trường

GD&TĐ - Những năm qua, các cô giáo trường Mầm non Xuân Lạc hàng ngày mang cả trăm suất cơm vượt qua những con đường đèo dốc lên các điểm trường vùng cao.

Trường mầm non Xuân Lạc nấu khoảng 200 suất ăn cho cho 5 điểm trường
Trường mầm non Xuân Lạc nấu khoảng 200 suất ăn cho cho 5 điểm trường

"Vượt đèo" chở cơm đến điểm trường

Một ngày làm việc của nhân viên nhà bếp trường Mầm non Xuân Lạc, huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn thường bắt đầu sớm hơn những cơ sở giáo dục khác bởi những suất cơm, thức ăn sau khi nấu xong lại phải vượt đèo đến những điểm trường lẻ.

10 giờ sáng, khi công việc chuẩn bị bữa trưa cho các cháu tại điểm trường chính đã xong cũng là lúc các cô giáo thay phiên nhau chở những suất cơm đến các điểm trường lẻ Bản Eng, Bản Tân, Khuổi Sáp, Cốc Slông, Pù Lùng 2.

"Gần chục năm gắn bó với những cung đường đèo của xã vùng cao Xuân Lạc nhưng mỗi lần đi lấy thức ăn cho các cháu, tim mình như chực nhảy ra khỏi lồng ngực. Đường xa lại đèo dốc nên những chiếc xe máy cứ chồm lên như con ngựa bất kham. Để có thể chở hết khẩu phần của các cháu, chiếc xe máy phải gắn thêm giá gỗ, bên trong có các thùng inox được chằng buộc cẩn thận" - cô giáo Lường Thị Chang, điểm trường Tà Han bộc bạch.

Cô giáo Lường Thị Chang chằng buộc cẩn thận trước khi vào điểm trường
Cô giáo Lường Thị Chang chằng buộc cẩn thận trước khi vào điểm trường

“Những ngày nắng thì đi lại cũng dễ thôi, nhưng nếu trời mưa rét đi lại cũng vất vả, nếu mưa lạnh đi lại thì người có khi cũng bị ướt. Lên điểm trường Khuổi Sáp còn đoạn ngắn là đường đất, nên mưa cũng khá khó khăn. Nhưng vì các em học sinh thân yêu nên các cô giáo tại các điểm trường như chúng tôi luôn động viên nhau cùng cố gắng hết khả năng của mình” - cô giáo Ma Thị Nguyệt, điểm trường Khuổi Sáp chia sẻ.

Để có được bữa ăn bán trú của các con là sự cố gắng nỗ lực của các cô giáo cắm bản
Để có được bữa ăn bán trú của các con là sự cố gắng nỗ lực của các cô giáo cắm bản

Cô Nông Thị Hảo, nhân viên nhà bếp trường Mầm non Xuân Lạc cho biết: “Mấy năm trước chưa đổ bê tông đi vất vả hơn nhiều, đường toàn đất đỏ ấy, trời mưa phải để xe ở ngoài lối ra rồi gánh bộ đi vào. Đường bây giờ đa số đổ bê tông rồi nhưng vẫn rất sợ, mưa trơn trượt sợ đổ hết thức ăn của các cháu thì bữa trưa các cháu không có gì ăn, nên đi trời mưa lo lắm. Mình ngã thì không sao đâu, chỉ lo các cháu không có gì ăn thôi”.

Cô giáo Hoàng Thị Hợp, điểm trường Mầm non Tà Han cho biết: "Nhìn các con ăn bữa trưa ngon lành với cơm nóng, đủ thịt, đủ rau... đó cũng là niềm vui của các cô giáo “cắm bản”.

Trăn trở trước thềm năm học mới

Xuân Lạc là xã khó khăn nhất của huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn. Đây là xã vùng sâu, đặc biệt khó khăn với đa số là người Mông thuộc diện hộ nghèo.

Trường Mầm non Xuân Lạc có gần 380 học sinh, gồm 1 điểm trường chính tại trung tâm xã và 8 điểm lẻ ở các bản, nơi xa nhất lên đến hơn 10 km trên những triền núi đá giáp ranh với tỉnh Tuyên Quang.

Hiện nhà trường chỉ bố trí được 3 bếp nấu ăn, riêng điểm trường chính ở Bản Ó sẽ nấu cho 4 điểm khác là Bản Eng, Bản Tưn, Tà Han và Khuổi Sáp. Trong khi bếp ở Pù Lùng 1 sẽ nấu cho cả Pù Lùng 2 và bản Khuổi Hỏ. Còn bếp ở điểm Nà Bản sẽ nấu cho thêm điểm trường Cốc Slông. Dù đã bố trí bếp về tận điểm trường, nhưng quãng đường để đưa thức ăn đến cho trẻ vẫn phải từ 3-7km.

Với nhiều đứa trẻ vùng cao Xuân Lạc, được ăn bữa cơm trắng với thịt là một niềm hạnh phúc.
Với nhiều đứa trẻ vùng cao Xuân Lạc, được ăn bữa cơm trắng với thịt là một niềm hạnh phúc.

Cô Trương Ngọc Huế, Phó hiệu trường Trường Mầm non Xuân Lạc, huyện Chợ Đồn cho biết: “Nhà trường cũng đã cố gắng tạo điều kiện để 100% các em được ăn bán trú. Tuy nhiên do kinh phí xây dựng, quỹ đất không có nên nhiều điểm trường không thể tổ chức bếp ăn bán trú tại chỗ. Phương án chở cơm, thức ăn đi các điểm trường chỉ là giải pháp tạm thời. Về lâu dài, nhà trường mong nhận được sự quan tâm của các cấp ngành, các nhà hảo tâm để có kinh phí xây dựng bếp ăn tại các điểm trường.

Hiện, điểm trường Tà Han được mạnh thường quân hỗ trợ để xây dựng bếp ăn. Dự kiến đưa vào sử dụng trong năm học tới đây. Có bếp ăn tại chỗ, các con có bữa ăn ngon hơn và các cô giáo cũng không còn vất vả nắng mưa hay giá rét trên những cung đường gập ghềnh đèo dốc”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Siết chặt nồi hầm ở Kurakhove

Siết chặt nồi hầm ở Kurakhove

GD&TĐ - Các nhóm quân Nga từ phía đông, phía nam và phía bắc đang thắt chặt vòng vây quanh nhóm quân của Lực lượng Vũ trang Ukraine ở thành phố Kurakhove.