Những sản phẩm nguy hiểm trong "thời đại nguyên tử"

Những sản phẩm nguy hiểm trong "thời đại nguyên tử"

(GD&TĐ) - Trước đây, phóng xạ là khái niệm chưa được biết đến rộng rãi. Vì thế, vào đầu thế kỷ XX trên thế giới có những doanh nghiệp sản xuất ra những sản phẩm chứa  các nguyên tố phóng xạ như radium hoặc thorium với lời quảng cáo là có khả năng kháng khuẩn, nâng cao thể lực...Trong thực tế các sản phẩm đó đều rất nguy hiểm đối với sức khỏe con người. Dưới đây là một số “sản phẩm điên rồ” đó.

Bộ đồ chơi “Phòng thí nghiệm năng lượng nguyên tử”

Bộ đồ chơi này được bán ra thị trường Mỹ từ năm 1951 với lời quảng cáo: “Thú vị - dễ dàng - lôi cuốn”. Bộ đồ chơi có chứa những mảnh nhỏ chất phóng xạ để trẻ em làm thí nghiệm. Mãi đến năm 1970 người ta mới cấm bán “Phòng thí nghiệm năng lượng nguyên tử”.

Đồng hồ với kim làm bằng radium

Ra đời vào đầu thế kỷ XX, những chiếc đồng hồ này có kim và chữ số được phủ radium, nhờ vậy mà chúng phát sáng trong đêm tối. Đồng hồ không gây nguy hiểm đối với người sử dụng, bởi có chứa một lượng nhỏ chất phóng xạ. Tuy nhiên đối với các nữ công nhân làm công việc dùng chổi vẽ để phủ bột radium ướt lên kim và chữ số trên mặt đồng hồ thì lại khác. Họ thường nhấp nước bọt chổi vẽ để làm mềm chúng. Hậu quả là sau một vài năm, phần lớn trong số họ bị rụng răng hoặc mất cả hàm răng.

Những sản phẩm nguy hiểm trong "thời đại nguyên tử" ảnh 1
Bộ đồ chơi "Phòng thí nghiệm nguyên tử"

Bánh mì radium

Một lò sản xuất bánh mì trên địa phận Cộng hòa Séc ngày nay đã sử dụng nước nhiễm radium để nhào bột. Thật may là hàm lượng radium trong nước không nhiều nên không gây hại lớn.

Mỹ phẩm Tho-radium

Công ty Tho-radia (Pháp) từng có cả một dây chuyền sản xuất mỹ phẩm - từ nước hoa cho đến son bôi môi - chứa các nguyên tố phóng xạ như thorium và radium. Sản phẩm được tung ra thị trường vào tháng Ba năm 1933 và được quảng cáo là “Làm đẹp bản thân bằng phương pháp khoa học”.

Kem đánh răng Doramad

Doramad là loại kem đánh răng có chứa chất phóng xạ thorium. Nó được sản xuất tại nhà máy Auergesellschaft ở Berlin (Đức) trong thời gian Chiến tranh thế giới lần 2. Chủ nhà máy là ông Carl Auer von Welsbach - một  nhà hóa học nổi tiếng ở Áo.

Nước phóng xạ và những sản phẩm khác

Vào giai đoạn 1920-1930, những bình gốm với thành phần là chất phóng xạ, được cho là có khả năng biến nước thường thành nước nhiễm xạ có tác dụng bồi bổ cơ thể.

Ngoài ra trong “thời đại nguyên tử” còn xuất hiện nhưng sản phẩm nguy hiểm khác như kẹo sô cô la chứa radium, quần áo phóng xạ, nước tăng lực chứa đồng vị của radium...

Tuấn Sơn

 (Theo báo nước ngoài)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ