Những sai sót cần tránh khi đăng ký nguyện vọng xét tuyển trên Hệ thống

GD&TĐ - Thí sinh được đăng ký, điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển đến 17h ngày 30/7. Chuyên gia lưu ý, thí sinh cần tránh sai sót khi đăng ký trên Hệ thống.

Ngày tư vấn xét tuyển đại học, cao đẳng năm 2024 tại ĐH Bách khoa Hà Nội.
Ngày tư vấn xét tuyển đại học, cao đẳng năm 2024 tại ĐH Bách khoa Hà Nội.

Tránh nhầm lẫn không đáng có

Có thí sinh nghĩ trúng tuyển sớm nghĩa là “chắc suất” vào đại học nên không cần đăng ký trên Hệ thống hỗ trợ tuyển sinh sinh của Bộ GD&ĐT (Hệ thống). Đây sai sót mà GS.TS Lê Thanh Sơn – Phó hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội) lưu ý thí sinh cần tránh.

GS.TS Lê Thanh Sơn nhấn mạnh, dù được thông báo trúng tuyển sớm, thí sinh vẫn phải đăng ký nguyện vọng này lên Hệ thống để bảo đảm chắc chắn trúng tuyển. Nếu nguyện vọng trúng tuyển sớm là nguyện vọng yêu thích, mong muốn được học thì hãy đặt ở vị trí số 1 trên Hệ thống. Khi đó, các em chắc chắn sẽ trúng tuyển.

Ngoài ra, thí sinh không được bỏ qua tiêu chí phụ (nếu có). Thực tế, một số trường đại học có đưa ra tiêu chí phụ khi xét tuyển. Nhiều thí sinh không chú ý nên dẫn đến “trượt oan”.

Năm nào, Bộ GD&ĐT và các cơ sở giáo dục đại học cũng phải xử lý một số trường hợp nhầm lẫn, sai sót liên quan đến việc thí sinh đăng ký nguyện vọng xét tuyển nhưng không thông công. Do đó, ThS Nguyễn Quang Trung - Phó Trưởng phòng Truyền thông và Tuyển sinh, Trường ĐH Thương mại khuyến cáo, dù làm ở bất kỳ thao tác nào, thí sinh cũng nên quay video hoặc chụp lại màn hình.

Khi các em đăng ký thành công cũng nên quay, chụp lại làm cơ sở để sau này làm minh chứng khi cần hỗ trợ, hậu kiểm. Cũng có thí sinh không chú ý đến điều kiện xét tuyển của ngành/trường học hoặc quên, nhầm lẫn về đối tượng ưu tiên khu vực. Việc các em nhập sai dữ liệu có thể làm ảnh hưởng đến điểm xét tuyển sau này.

“Vì thế, thí sinh cần lưu tâm những chi tiết trên” - ThS Nguyễn Quang Trung nhấn mạnh và cho hay, năm trước vẫn có thí sinh quên không xác nhận nhập học và đăng ký không thành công….

Từ thực tiễn trên, ThS Nguyễn Quang Trung khuyến nghị, thí sinh cần đọc kỹ hướng dẫn khi đăng ký nguyện vọng xét tuyển trên Hệ thống. Ở bất kỳ thao tác nào, các em cũng cần thực hiện đúng, đủ quy trình và bảo đảm thành công, không thoát giữa chừng.

Sau khi hoàn tất quy trình, thí sinh có thể đăng xuất khỏi Hệ thống, sau đó đăng nhập lại để kiểm tra những ngành/trường học và thứ tự nguyện vọng đã đúng chưa? Các thông tin cá nhân đã chuẩn chưa để sau này các trường sẽ liên hệ khi trúng tuyển.

Thí sinh cần bám sát các mốc thời gian. Đến lịch công bố kết quả, các em cần theo dõi để biết trúng tuyển vào ngành/trường học nào. Thí sinh nhớ nộp lệ phí xét tuyển và cần xác nhận nhập học trên Hệ thống và tại các trường theo quy định.

Không được dừng lại và thoát ra giữa chừng

Thực tế, nhiều thí sinh vẫn mắc sai lầm khi đăng ký nguyện vọng xét tuyển trên Hệ thống. PGS.TS Nguyễn Thu Thủy – Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD&ĐT) viện dẫn, đầu tiên là lỗi sai kỹ thuật. Thí sinh quên kết thúc quy trình điều chỉnh, dẫn tới Hệ thống không ghi nhận nguyện vọng đăng ký.

saisot.jpg
Cán bộ, giảng viên Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội) tư vấn xét tuyển cho phụ huynh, thí sinh.

Lỗi thứ hai là, thí sinh bị nhầm lẫn, khi đã trúng tuyển vào một nguyện vọng xét tuyển sớm của một trường nào đó, thì bắt buộc phải đặt nguyện vọng 1 trên Hệ thống. PGS.TS Nguyễn Thu Thủy nhấn mạnh, không có trường nào được yêu cầu thí sinh phải đặt nguyện vọng trúng tuyển xét tuyển sớm thành nguyện vọng 1. Nguyện vọng nào các em thực sự yêu thích, mong muốn được trúng tuyển nhất dù là bằng phương thức nào thì hãy đặt lên đầu tiên.

Khi nhập nguyện vọng lên Hệ thống, thí sinh cần sắp xếp theo thứ tự ưu tiên từ nguyện vọng 1 (là nguyện vọng cao nhất) đến các nguyện vọng tiếp theo. Hệ thống cho phép thí sinh được đăng ký không giới hạn số nguyện vọng.

Thí sinh nên đặt các nguyện vọng yêu thích nhất, thấy bản thân có năng lực, sở trường và đam mê ở vị trí phía trên. Điều này đảm bảo quyền lợi của thí sinh. Các em sẽ trúng tuyển vào nguyện vọng cao nhất, tốt nhất có thể trong tất cả nguyện vọng mà các em đủ điều kiện trúng tuyển.

Theo quy định, thí sinh được đăng ký số lượng nguyện vọng không giới hạn. Do đó, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học khuyên thí sinh không nên chỉ đăng ký một vài nguyện vọng ít ỏi, sẽ làm giảm cơ hội trúng tuyển của mình.

Tất nhiên, nếu đã trúng tuyển ở nguyện vọng xét tuyển sớm, đương nhiên các em sẽ đỗ. Nhưng khi chúng ta vẫn còn mong mỏi ở những ngành, trường học khác yêu thích hơn, thì các em nên có chiến lược, chiến thuật đăng ký nguyện vọng một cách phù hợp.

Các em không nên đặt tất cả nguyện vọng của mình chỉ vào một top những ngành, trường có mức độ cạnh tranh quá cao. Bởi khi đó, nếu chúng ta đã không trúng tuyển nguyện vọng này thì hầu hết những nguyện vọng còn lại ở nhóm trường cùng mức cạnh tranh cũng khó trúng tuyển.

Bên cạnh đó, thí sinh cũng không nên đăng ký quá nhiều nguyện vọng. “Chúng tôi từng gặp những trường hợp đăng ký tới hơn 100 nguyện vọng, rất lãng phí, không cần thiết” - PGS.TS Nguyễn Thu Thủy tư vấn.

Thay vào đó, các em nên chia nguyện vọng thành các nhóm: trường top đầu, top trung - phù hợp với năng lực của mình hơn thì cơ hội trúng tuyển của chúng ta sẽ cao hơn rất nhiều.

Khi đăng ký nguyện vọng xét tuyển, thí sinh phải làm quen với thao tác trực tuyến, bởi chúng ta hoàn toàn triển khai quy trình xét tuyển trực tuyến. PGS.TS Nguyễn Thu Thủy lưu ý, thí sinh phải thực hiện hết quy trình từ đầu đến cuối, không được dừng lại và thoát ra giữa chừng, như vậy các thao tác sẽ chưa được ghi nhận. Phải thực hiện cho đến hết quy trình cho khi Hệ thống báo rằng những nguyện vọng này đã được xác nhận.

Khi thí sinh thực hiện đổi nguyện vọng cũng tương tự, phải chú ý thao tác tới các bước cuối cùng. “Ở các mùa tuyển sinh trước, có những thí sinh đã điều chỉnh, thay đổi nguyện vọng nhưng lại không thực hiện đến bước cuối cùng, do đó Hệ thống không ghi nhận được thay đổi mà quay trở lại nguyện vọng đăng ký trước” - PGS.TS Nguyễn Thu Thủy viện dẫn.

Cũng có một số trường hợp dù điểm thi tốt nghiệp THPT rất cao nhưng chỉ đăng ký duy nhất một nguyện vọng vào một trường top đầu và tự tin rằng mình sẽ trúng tuyển. Tuy nhiên, các em lại vô tình không đọc kỹ Đề án tuyển sinh của trường - yêu cầu những tiêu chí phụ hoặc thí sinh phải trải qua sơ tuyển.

Sau này, vì chưa đáp ứng được những điều kiện sơ tuyển hay tiêu chí phụ nên thí sinh không những không trúng tuyển được trường yêu thích, mà còn mất luôn cơ hội vào các trường đại học khác.

“Do đó, chúng ta không nên “bỏ trứng vào một giỏ” mà nên dàn trải “danh mục đầu tư nguyện vọng” của mình để giảm thiểu rủi ro” - PGS.TS Nguyễn Thu Thủy nhấn mạnh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ