Những sai lầm khi chọn nghề

GD&TĐ - Cẩm nang chọn nghề của Trường ĐH Hoa Sen chỉ rõ những nguyên nhân dẫn đến những sai lầm khi chọn nghề.

Những sai lầm khi chọn nghề

Cho rằng nghề thợ thấp kém hơn kỹ sư; giáo viên THCS thua kém giáo viên THPT…

Thực ra mỗi nghề (hay đúng hơn là mỗi chuyên môn) đều có những bậc thang tay nghề.

Ví dụ, công nhân cơ khí có 7 bậc tay nghề. Người công nhân được đào tạo theo chương trình riêng, họ có vai trò quan trọng riêng trong các nhà máy, xí nghiệp.

Một số sĩ tử đã coi nhẹ công việc của người thợ, của thầy giáo cấp I, của cô y tá; chỉ coi trọng công việc kỹ thuật, của thầy giáo dạy ở bậc trung học hoặc đại học, của bác sĩ… Chính vì thế, chỉ định hướng vào những nghề có sự đào tạo bậc Đại học.

Thành kiến với một số nghề trong xã hội

Chẳng hạn, coi lao động chân tay là nghề thấp hèn, chê nhiều công việc dịch vụ là không “thanh lịch”…

Thường thường, những người này không thấy hết ý nghĩa của yếu tố lao động nghề nghiệp, đóng góp của nghề với xã hội.

Đã là nghề được xã hội thừa nhận thì không thể nói đến sự cao sang hay thấp hèn được.

Không độc lập việc quyết định chọn nghề

Vì thế đã có nhiều học sinh chọn nghề theo ý muốn của cha mẹ, theo ý thích của người lớn, theo lời rủ rê của bạn bè.

Cách chọn nghề này đã dẫn đến nhiều trường hợp chán nghề vì không phù hợp.

Bị hấp dẫn bởi vẻ ngoài của nghề

Nhiều bạn trẻ chọn sai nghề do bị hấp dẫn bởi vẻ bề ngoài của nghề đó mà thiếu sự hiểu biết cần thiết nội dung lao động của nghề.

Ví dụ, với các nghề diễn viên điện ảnh, dẫn chương trình, người mẫu thời trang… rất hấp dẫn với các bạn trẻ, nhưng để thạo nghề này phải rèn luyện gian khổ. Vì vậy, nhiều bạn sau một thời gian vào học đã bỏ cuộc vì không thể chịu nổi áp lực của nghề.

Hoặc nhiều bạn thích đi đó đây nên chọn nghề thăm dò địa chất. Khi vào nghề, thấy công việc của mình gắn với rừng núi, quanh năm phải tiến hành công việc khảo sát, ít có dịp tiếp xúc với cuộc sống thành thị, thiếu điều kiện để giao lưu văn hóa và khoa học, do đó dẫn đến chán nghề.

Có người chỉ tin vào quảng cáo của các cơ sở đào tạo mà chọn nghề vào học cũng sẽ dễ chán trường, chán nghề.

Cho rằng đạt điểm cao một môn học là làm được nghề cần đến tri thức môn đó

Ví dụ, có người học giỏi môn Văn đã chọn nghề làm phóng viên báo chí.

Đúng là nghề này cần đến người viết văn hay, diễn đạt tư tưởng rành mạch. Song, nếu không nhanh nhẹn, tháo vát, năng động, dám xông xáo… thì không thể theo đuổi nghề này được.

Sai lầm ở đây là do không thấy rằng năng lực đối với môn học chỉ là điều kiện cần, chứ chưa là điều kiện đủ để theo đuổi nghề mình thích.

Quên tác động mạnh mẽ của cách mạng khoa học công nghệ

Nhiều bạn trẻ ngày nay có quan niệm “tĩnh” về tính chất, nội dung lao động nghề nghiệp trong các lĩnh vực sản xuất mà quên mất những tác động mạnh mẽ của cách mạng khoa học công nghệ ngày nay

Vì vậy, có bạn cho rằng học xong cấp I là đủ kiến thức để xin vào học nghề tại các trường dạy nghề.

Có bạn lại nghĩ, với vốn liếng lớp 12, mình học ở trường nghề nào cũng được.

Thực ra, nghề nghiệp luôn thay đổi nội dung, phương pháp, tính chất lao động của nó. Người lao động không luôn luôn học hỏi, trau dồi năng lực thì khó có thể đáp ứng với yêu cầu về năng suất và hiệu quả lao động.

Không đánh giá đúng năng lực lao động của bản thân

Một tình trạng cũng hay gặp là người học không đánh giá đúng năng lực của bản thân nên lúng túng trong khi chọn nghề

Do đó, có hai tình trạng thường gặp: hoặc đánh giá quá cao năng lực của mình, hoặc đánh giá không đúng mức và không tin vào bản thân.

Cả hai trường hợp đều dẫn đến hậu quả không hay: Nếu đánh giá quá cao khi vào nghề sẽ vấp phải tình trạng chủ quan ban đầu, thất vọng lúc cuối.

Nếu đánh giá quá thấp, sẽ không dám chọn những nghề mà đáng ra là nên chọn.

Có trường hợp ngộ nhận mình có năng khiếu về nghề hấp dẫn, thời thượng mà chọn nghề, khi vào nghề gặp thất bại sẽ chán nản.

Thiếu sự hiểu biết về thể lực và sức khỏe của bản thân

Có những trường hợp thiếu sự hiểu biết về thể lực và sức khỏe của bản thân, lại không có đầy đủ thông tin về những chống chỉ định y học trong các nghề. Điều này dễ gây nên những tác hại lớn:

Đơn cử, ngườiyếu tim lại chọn nghề nuôi dạy trẻ, người hay viêm họng và phổi lại định hướng vào nghề dạy học, người có bệnh ngoài da lại đi vào nghề “dầu mỡ”…

Thiếu hiểu biết về yêu cầu nghề

Nghề trong xã hội hết sức đa dạng và những yêu cầu của nghề đặt ra cho người lao động cũng hết sức khác nhau.

Ngoài những yêu cầu chung nhất là lòng yêu nghề, ý thức trách nhiệm, lương tâm nghềnghiệp… còn cần quan tâm tránh những khuyết tật của cơ thể.

Hầu như các “thiếu sót” đó không hại gì đến sức khỏe, nhưng chúng lại không cho phép ta làm nghề này hay nghề khác.

Ví dụ, với nghề thêu thủ công, chỉ cần hay ra mồ hôi ở lòng bàn tay là không thể làm tốt công việc kỹ thuật của nghề đó, mặc dù mồ hôi tay không làm cho bạn suy giảm thể lực.

Nghề đòi hỏi đứng bên máy không cho phép tuyển người mắc tật bàn chân bẹt (sự tiếp xúc của bàn chân đối với mặt đất quá lớn).

Có những nghề nhìn hình thức bề ngoài thì giống nhau, nhưng những yêu cầu để lao động thuận tiện với người lao động lại khác nhau.

Ví dụ như công việc của người lái xe vận tải và người lái xe cần trục, cả hai đều cùng ngồi sau tay lái, điều khiển tốc độ xe luôn thay đổi và đòi hỏi người lao động không được mắc chứng mù màu, chứng ngủ gật, lại phải có phản ứng nhanh.

Nhưng đối với lái xe cần trục, do xe cần trục khi nâng chuyển một khối lượng hàng lớn nên không được đỗ ở nơi có mặt phẳng nghiêng quá ba độ vì nó rất dễ bị lật xe.

Người lái xe cần trục phải có năng lực bằng mắt để đánh giá độ nghiêng của mặt đất nơi đỗ xe thật chính xác và phải cảm nhận được tốc độ và hướng gió bằng da của mình, vì khi quay cần trục đang móc hàng phải tính đến tốc độ và hướng của gió.

Chỉ với người có năng lực như vậy mới hạn chế được tai nạn khi cẩu một vật nặng

Nghề nào cũng yêu cầu người lao động phải chú ý vào công việc. Có nghề đòi hỏi người lao động phải tập trung sự chú ý vào một đối tượng (quan sát màn hình của máy vi tính…), nhưng có nghề cần ở người lao động sự phân phối chú ý đến nhiều đối tượng trong cùng một lúc (dạy học, huấn luyện phi công, điều động ở ga…).

Lại có nghề cần đến sự di chuyển chú ý, tức là nhanh chóng chuyển chú ý từ đối tượng này sang đối tượng khác (lái xe, lái tàu, phiên dịch…).

Nghề nào cũng yêu cầu con người có thể lực tốt, dẻo dai trong công việc. Song có nghề cần đến sự dẻo dai về cơ bắp, có nghề lại đòi hỏi sự dẻo dai của hệ thần kinh.

Người công nhân bốc vác ở bến cảng phải liên tục bê vác nặng hay lái xe chuyển hàng nhiều giờ liên tục.

Còn người nghiên cứu khoa học có khi phải đọc liền 10 giờ một ngày ở thư viện, hơn nữa việc đó thường kéo dài hàng tháng.

Cả hai đều cần sức khỏe tốt, dẻo dai, nhưng một bên dùng cơ bắp, bên kia dùng trí óc.

Vậy, khi chọn nghề phải biết nghề có yêu cầu như thế nào đối với người lao động. Không có đủ những phẩm chất tâm lý và sinh lý để đáp ứngyêu cầu của một nghề cụ thể thì đừng chọn nghề đó.

Ví dụ: Người phản ứng chậm chạp không nên vào nghề lái xe, người tính quá hiếu động, không nên chọn nghề điều động thông tin giao thông, điện lực, qua hệ thống mạng màn hình…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ