Chọn ngành, chọn nghề: Ba điều tối cần thiết

Chọn ngành, chọn nghề: Ba điều tối cần thiết

(GD&TĐ) - Việc quyết định chọn học một ngành nghề cho bản thân là một quyết định không phải dễ dàng. Nhiều kỳ tuyển sinh đã trôi qua cho thấy không ít thí sinh vẫn chọn nghề theo cảm hứng, phong trào mà bỏ qua 3 điều kiện tối cần thiết khi chọn nghề. Đó là: Đam mê, phù hợp với năng lực và khả năng có cơ hội việc làm sau khi ra trường.

Cần cân bằng cơ cấu ngành nghề, nguồn nhân lực

Thực tế trên cho thấy rõ khi thống kê của các trường đưa ra là: ba năm trở lại đây, số sinh viên theo học khối ngành kinh tế, tài chính, ngân hàng chiếm khoảng 40% tổng số sinh viên. Cả nước cũng có tới 60% các trường đại học có đào tạo các khối ngành kinh tế này. Dù công tác tư vấn, định hướng và hướng nghiệp được các trường THPT, các trường ĐH, CĐ phối hợp thực hiện rất tốt từ nhiều năm nay, nhưng cán cân chênh lệch trong chọn trường, chọn ngành của thí sinh vẫn phần nhiều bị tác động thực tế và nhu cầu xã hội. Khối ngành kinh tế, công nghiệp  dịch vụ vẫn là điểm đến đầy thích thú của thí sinh so với khối ngành kinh tế, dù nhu cầu nhân lực khối ngành này gần như đã bão hòa. Điển hình như mùa tuyển sinh năm 2012 vừa qua, thí sinh tiếp tục đổ dồn vào khối ngành kinh tế. 

Một nghịch lý là các ngành xã hội và kỹ thuật được thí sinh đăng ký rất ít so với ngành kinh tế, trong khi đây là những ngành đang “khát” nguồn nhân lực. Nguyên nhân theo nhiều thầy cô chủ yếu do công tác hướng nghiệp, định hướng năng lực cho học sinh chưa phát huy hiệu quả nên việc chọn nghề, chọn trường theo cảm tính. Vì vậy chỉ có 30% sinh viên ra trường có việc làm; 80% không có việc làm trong 3 tháng; 50% thất nghiệp trong 6 tháng hoặc làm trái nghề; 30% thất nghiệp trong một năm.

Chọn ngành, chọn nghề: Ba điều tối cần thiết ảnh 1

Nhiều học sinh vẫn lúng túng khi xác định ngành nghề mà mình theo đuổi. Ảnh: Tuấn Hải

Theo ông Trần Anh Tuấn - Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Nhu cầu Nhân lực và Thông tin Thị trường Lao động TP HCM, sẽ không có ngành, nghề nào được xem là “hot” trong những năm tới. Vì khi nền kinh tế phục hồi và phát triển, các doanh nghiệp sẽ phải chuyển sang giai đoạn hoạt động mới và buộc phải tái cấu trúc, trong đó có tái cấu trúc nhân sự, kéo theo tăng nhu cầu tuyển dụng lao động ở mọi cấp độ, vị trí, lĩnh vực, đặc biệt từ nay đến năm 2020 sẽ ưu tiên 9 ngành dịch vụ và 4 ngành công nghiệp chủ lực: "4 ngành công nghiệp chủ lực là cơ khí chế tạo chính xác và tự động hóa; điện tử và CNTT; chế biến thực phẩm theo hướng tinh chế; hóa chất - hóa dược và mỹ phẩm. Những nhóm ngành nghề có nhu cầu lao động nhiều, chiếm tỷ lệ rất cao như Quản lý kinh tế - kinh doanh - quản lý chất lượng; du lịch - nhà hàng - khách sạn, marketing - nhân viên kinh doanh; tài chính - ngân hàng (nhân lực chuyên môn cao, ở cấp độ quản lý) - kế toán - kiểm toán; tư vấn - bảo hiểm; pháp lý - luật; nghiên cứu - khoa học; quản lý nhân sự… Nhu cầu tuyển dụng tập trung nhiều vào những ngành nghề kinh doanh, dịch vụ như: Nhân viên kinh doanh, Bán hàng, Dịch vụ - Phục vụ, Y tế - Chăm sóc sức khỏe, Du lịch, Tư vấn - Bảo hiểm,… và nhu cầu nhân lực chất lượng cao trong các ngành nghề như: Cơ khí, Xây dựng, Công nghệ thông tin, Điện tử, Điện - Điện công nghiệp - Điện lạnh...

"Việc lựa chọn ngành nghề của học sinh các tỉnh đã được các thầy cô giáo, địa phương có những định hướng nhất định. Xu hướng chọn ngành của các em năm nay theo tôi là các em đã nhận thức nhiều hơn về các ngành nghề có cơ hội việc làm, có nhu cầu nhân lực trong tương lai của địa phương mình. Ví dụ ở Cà Mau, câu hỏi của các em tập trung vào các ngành nuôi trồng thủy sản, chế biến xuất khẩu thủy sản. Các nhóm ngành về cơ khí, tàu thuyền, đóng tàu….”-ông Nguyễn Quốc Cường-chuyên viên tuyển sinh cơ quan đại điện Bộ GD&ĐT tại TP HCM nói.

Thí sinh đã thực tế hơn

Có thể thấy, thí sinh chọn ngành học ngày nay càng mang tính thực tế. Đã học thì phải có việc làm ngay, công việc cụ thể. Gắn bó nhiều năm với công tác tư vấn tuyển sinh, ông Nguyễn Quốc Cường - chia sẻ: Qua nhiều năm tư vấn hướng nghiệp cho học sinh ở khắp các tỉnh - thành, chuyển biến đáng mừng nhất trong năm nay là việc các em quan tâm, tìm hiểu kỹ hơn các ngành nghề đào tạo cung cấp nguồn nhân lực cho địa phương mình.

Tại TP HCM, công tác tư vấn, định hướng nghề nghiệp đã chuyển biến rõ rệt nhờ sự chung sức từ các trường ĐH-CĐ. Do đó, sự lựa chọn của các em cũng đã có sự chuyển dịch, việc xác định ngành nghề đã được tìm hiểu kỹ càng bằng việc lựa chọn những ngành học mới, nhu cầu nhân lực cao. Hai em Phạm Hồng Ân, (Trường THPT Gia Định) và Ngọc Nga, (THPT Nguyễn Trãi): "Tới giờ thì em vẫn còn đang phân vân giữa khối A và B. Em định tới cuối năm khi hoàn thành chương trình, ôn xong và khi thi thử đại học cuối cùng, em sẽ dựa vào thành tích đó rồi sẽ quyết định. Khối A em định thi Vật lý, ĐH Khoa học tự nhiên, khối B em định thi Dược"; "Em nghĩ là em nên đi A1 sẽ dễ hơn vì là khối thi mới. Em muốn thi vào ngành mới là Vật lý hạt nhân. Ba không có ý kiến nhưng mẹ thì phản đối, bởi vì ngành đó chưa phổ biến nhiều và khá là nguy hiểm”.

Để giúp các em lựa chọn ngành, trường học phù hợp với sở thích và năng lực của bản thân, nhiều trường THPT đã có những đổi mới trong công tác tư vấn hướng nghiệp chọn nghề cho học sinh. Hiểu được sự quan tâm hàng đầu của học sinh là đầu ra khi tốt nghiệp, Trường THPT Gia Định đã nhờ đến sự hỗ trợ từ các cựu học sinh của trường về nói chuyện, tư vấn ngành mà mình đang theo học, một lần nữa giúp các em khẳng định lại sự lựa chọn của mình, đó cũng là cách mà trường áp dụng hiệu quả nhiều năm qua. 

Cô Hoàng Thị Diễm Trang - Phó hiệu trưởng - chia sẻ: "Động tác đó có nhiều mục đích khác nhau. Thứ nhất vì anh em trong nhà với nhau nên các em không ngại ngần khi đặt câu hỏi. Các cựu học sinh cũng trong tư thế đón tiếp các em nên có gì đó thân tình hơn. Điều thứ hai quan trọng hơn theo chúng tôi là, vì mỗi trường có xuất phát điểm khác nhau, khi các em đến gặp các anh chị có cùng xuất phát điểm như mình đang học tại trường đó và thành công thì các em càng có thêm động lực để chuẩn bị cho tương lai của mình".

Lựa chọn nghề nghiệp là một quá trình mà học sinh THPT cần sớm chuẩn bị, bởi sự lựa chọn này phải liên quan đến học tập, sở trường, sở thích của bản thân đối với nghề nghiệp mà các em sẽ làm sau này. Các em cần bình tĩnh chọn cho mình một vài ngành nghề theo sở thích, xem xét năng lực của mình có phù hợp với những ngành nghề đã chọn hay không; tiếp đến là học lực như thế nào, nhu cầu xã hội của ngành này ra sao. Xác định được như vậy, việc chọn ngành và sau đó chọn trường sẽ dễ dàng hơn với người học.

Anh Nguyễn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ