Nhân viên an ninh tham gia trực tiếp ở vòng trong hội đồng thi |
Cũng chính vì thế mà gian lận thi cử trở thành một vấn nạn sống kí sinh vào các kì thi, kể cả thi tuyển sinh đại học lẫn thi công chức – những kì thi được giám sát chặt chẽ nhất bởi cơ quan an ninh. Năm nay, gian lận thi có tổ chức được phát hiện trong kì thi tuyển sinh tỉnh phía đông bắc Jilin, tỉnh phía tây Guizhou, tỉnh phía bắc Shanxi và tỉnh miền trung Hunan.
Nhà chức trách đã triển khai nhiều biện pháp ngăn chặn gian lận. Các hội đồng thi được lắp hệ thống camera chuyển tới cảnh sát hình ảnh trực tiếp trong phòng thi, các thí sinh dự thi tuyển sinh đại học cũng được yêu cầu kí cam kết trung thực. Tuy nhiên như người Trung Quốc thường nói: “Cái tốt mạnh nhưng cái xấu mạnh hơn gấp 10 lần” và những kẻ gian lận tìm tới những kĩ thuật gian lận phức tạp hơn. Nếu bắt những thí sinh gian lận ở các kì thi cấp quốc gia đã khó thì để bắt được kẻ “đạo văn” trong các kì thi cấp địa phương là khó khăn hơn nhiều bởi nhà chức trách địa phương thường thiếu nguồn lực để có thể giám sát kì thi nghiêm ngặt.
Trung tâm giám sát thi qua camera tại một hội đồng thi tuyển sinh đại học |
Các nhà tổ chức thi ở một tỉnh phía tây bắc, tuy nhiên, đã nghĩ ra một “tuyệt chiêu” chống gian lận thi cử. Họ thuê học sinh giúp giám sát một kì thi dành cho nhân viên cảnh sát. Kết quả là gần 10% thí sinh bị bắt vì gian lận. Chính quyền một quận tại Wuwei, tỉnh phía tây bắc Gansu, đã thuê 18 học sinh làm giám thị một kì thi nâng bậc cho 265 cảnh sát, thẩm phán và kiểm sát viên. Học sinh được phân vào 9 phòng thi và làm việc cùng với một giám thị chính thức. Những học sinh này, tuổi trung bình 12, đã phát hiện 18 thí sinh gian lận trong khi giám thị chính thức chỉ bắt được 7 trường hợp. Mỗi học sinh được nhận phần thưởng trị giá 50 tệ (7,32 USD). Theo Huang Ni, phụ trách cục nguồn lực con người tại quận Liangzhou, thành phố Wuwei thì giám thị chính thức thường dễ “thông cảm” với thí sinh gian lận nhưng học sinh thì vô tư và chẳng e ngại điều gì. Huang khẳng định sẽ tiếp tục thuê giám thị trẻ cho các kì thi sau này.
Trong khi chính quyền quận Liangzhou ca ngợi thành công vai trò của giám thị học sinh thì vụ việc này gây ra thảo luận rộng rãi trên toàn quốc về sự xuống cấp đạo đức của thế giới người lớn. Các diễn đàn Internet và báo chí đăng đầy chỉ trích nhằm vào những người gian lận – cảnh sát, thẩm phán và công tố - những người nắm quyền thực thi luật pháp và công bằng. Ngay cả chính quyền quận Liangzhou cũng bị chỉ trích vì ném trách nhiệm lên vai các em nhỏ. Báo Beijing News chỉ trích giám thị người lớn – những công chức nhà nước - đã nhắm mắt làm ngơ với hành vi gian lận thi cử và đẩy trách nhiệm sang những em bé giám thị.
Để đối phó với nạn gian lận lan tràn, các nhà lập pháp và học giả TQ đang kêu gọi có những án phạt nặng hơn với vi phạm gian lận thi cử. Trong hầu hết các trường hợp, người vi phạm chỉ đơn giản bị hủy kết quả thi hoặc thu hồi bằng cấp. Nhà lập pháp Zhang Zhaoan đã đệ trình dự luật thi cử lên Quốc hội trong năm nay. Trong thực tế thì các nhà lập pháp TQ đã và đang nghiền ngẫm một đạo luật thi cử từ năm 2002 và đã hoàn thành dự thảo năm 2005 nhưng chưa được thông qua. Nền kinh tế thị trường với những giá trị thực dụng đang khiến những kẻ gian lận tại TQ nở rộ và mất đi sự hổ thẹn. Gần đây, một số hiệu trưởng đại học đã bị cáo buộc đạo văn. Nhưng rất ít trong số đó bị phạt hoặc phải xin lỗi. Huang Qing, phó hiệu trưởng Đại học Jiaotong là học giả bị phạt nặng nhất. Ông này bị thu hồi bằng tiến sĩ hồi tháng 7 sau khi bị phát hiện đạo văn một số nội dung vào luận án tiến sĩ được bảo vệ 9 năm trước. Gần đây, Zhou Zude, hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ Wuhan, bị cáo buộc đạo văn trong một công trình nghiên cứu với sinh viên Xie Ming. Tuy nhiên sau khi làm rõ cho thấy Xie đã tự ý điền tên của HT Zude vào và Xie không được cấp bằng tiến sĩ năm đó.
Đối phó với nạn đạo văn, nhiều trường đại học đã triển khai sử dụng phần mềm phát hiện văn đạo. Gần 400 trường ĐH, CĐ sử dụng phần mềm được viết bởi Đại học Tsinghua để phát hiện SV gian lận. Tuy nhiên SV đã nhanh chóng tìm ra biện pháp đối phó với dịch vụ “tàng hình” cho những kẻ gian lận, phần mềm “hỗ trợ gian lận” được rao bán trên mạng Taobao.com (một mạng mua bán trực tuyến) và đã hỗ trợ cho một nửa số SV đạo văn lọt lưới phần mềm truy tìm gian lận.
Bảo Chi
(Tổng hợp)