Trong màn đêm, người ta thấy rất nhiều quả cầu phát sáng từ dưới sông bay vọt lên không trung rồi biến mất. Nhiều giả thuyết được đưa ra về nguồn gốc của chúng, nhưng bí ẩn vẫn bao trùm.
Màn chào mừng của thần rắn?
Các mô tả về những quả cầu này rất khác nhau, từ kích thước nhỏ chỉ như quả bong bóng, đến to bằng quả bóng rổ, thường màu đỏ, đôi khi hơi xanh hoặc hơi vàng, cũng có lúc là màu trắng.
Chúng phóng lên cao vài trăm mét, không phát ra âm thanh, cũng không phun khói hoặc chùm tia. Hiện tượng này diễn ra liên tục trong một khoảng thời gian rồi chấm dứt đột ngột như khi chúng xuất hiện.
Có đến hàng chục, đôi khi hàng nghìn vật phát sáng được nhìn thấy trong đêm, bất kể trời mưa hay tạnh ráo, nhưng nhiều nhất vào đêm Wan Ok Phansa, cuối Mùa chay của Phật giáo, khoảng hạ tuần tháng 10.
Những vật sáng trên được nhìn thấy nhiều nhất ở vùng phụ cận ngôi làng nhỏ tên là Phon Phisai. Trước đây, dân làng gọi là “đèn ma”, còn giờ đây chúng có tên chính thức là bung fai phaya nak, với người bên ngoài, chúng là “quả cầu lửa Naga”.
Theo truyền thuyết ở địa phương, các quả cầu lửa Naga có nguồn gốc từ một loài rắn khổng lồ sống ở sông, được gọi là Naga. Đây được cho là những rắn thần khổng lồ, có sức mạnh siêu nhiên, ẩn náu ở dòng sông Mekong. Thần rắn không chỉ tạo ra những đợt sóng kỳ lạ và các hiện tượng huyền bí, mà đôi khi còn phun những quả cầu lửa lên không.
Nhiều người dân ở các vùng nông thôn của Thái Lan tin “vua của Naga” là Phaya Nak, thực sự tồn tại. Họ cho biết, những bộ xương, răng và trứng của thần Naga còn được lưu giữ tại một ngôi đền ở Phon Phisai. Do đó, đối với người dân địa phương, những quả cầu lửa được xem là màn chào mừng của thần rắn, đánh dấu sự kết thúc Mùa chay của Phật giáo.
Trò vui của con người?
Tuy nhiên, không phải ai cũng có niềm tin như vậy, nhất là các nhà khoa học. Họ nêu giả thuyết, những quả cầu sáng thực ra là tác phẩm của những người bắn đạn lửa, pháo sáng, hoặc thậm chí là pháo hoa.
Âm thanh của những vụ bắn này không được nghe do khoảng cách xa, hơn nữa chúng bị chìm trong tiếng ồn ào của đám đông hàng ngàn người đổ về khu vực tham gia lễ hội Phayanak, kéo dài trong 4 ngày vào cuối tháng 10 hằng năm.
Những vật sáng được phóng lên trời có thể thuộc về một chương trình biểu diễn nào đó nhằm thu hút du khách, những người mang lại nguồn thu lớn cho nền kinh tế còn nghèo nàn của địa phương.
Tuy nhiên, giả thuyết này không giải thích được vì sao những quả cầu lửa lại phóng lên từ mặt nước vắng lặng ở nhiều khu vực khác nhau, dọc theo sông Mekong, chứ không xuất phát gần nơi diễn ra lễ hội.
Hơn nữa, nhằm ngăn chặn những người bắn súng lên không gây nguy hiểm, chính phủ Thái thường xuyên tổ chức các cuộc tuần tra bằng thuyền nhưng không phát hiện những kẻ vi phạm.
Có một thực tế nữa là những quả cầu lửa được nhìn thấy vào các thời điểm khác trong năm, nhưng người ta chỉ thực sự chú ý đến chúng vào cuối Mùa chay mà thôi.
Andrew Biggs, một nhà báo, đã nói về hiện tượng này trong một bài báo trên tờ Bangkok Post ra ngày 4/11/2012:
- Trước hết, những nguồn ánh sáng này đã có từ rất lâu đời. Theo các ngư dân, họ đã nhìn thấy hiện tượng mà người dân địa phương vẫn gọi là “đèn ma” ở sông Mekong trước khi lan truyền câu chuyện thần thoại về Phaya Nak.
Điều khó hiểu là chúng ta đang sống trong kỷ nguyên kỹ thuật số. Mọi thứ đều được quay phim, chụp ảnh và tải lên mạng xã hội, nhưng chưa ai có bằng chứng về sự dàn dựng của hiện tượng này.
Đêm Chủ nhật tuần trước, bắt đầu từ lúc 18 giờ 28 phút, những quả cầu lửa đầu tiên đã được phát hiện bởi 300.000 du khách cắm trại dọc theo bờ sông tại Ban Tha Muang, quận Rattanawapee.
Sau đó, một quả khác được phát hiện tại quận khác. Và nhiều quả khác nữa. Tổng cộng đến 70 quả cầu lửa phóng lên suốt đêm chỉ ở Rattanawapee. Ở các huyện Sang khom và Pone-pisai còn nhiều hơn nữa. Khó ai làm trò bịp qui mô và tốn kém như vậy!
Như vậy, thực ra hiện tượng này là gì?
Hiện tượng thiên nhiên?
Theo một giả thuyết khác, các quả cầu lửa được tạo ra bởi các quả cầu plasma hoặc là khí đầm lầy, theo quan điểm của những người săn UFO. Về cơ bản, đây là khí methane được tạo ra bởi sự phân hủy các chất hữu cơ bốc cháy khi tiếp xúc với oxygen. Tuy nhiên, điều này không giải thích được vì sao nó lại xảy ra đều đặn vào các thời điểm đặc biệt trong năm.
Ngoài ra, còn có hai lỗ hổng trong giả thuyết này. Thứ nhất, methane chỉ có thể cháy trong môi trường oxygen, và trong một phạm vi hẹp hơn, cần có sự hiện diện của phosphine kết hợp với phosphorous tetrahydride. Tỷ lệ cần thiết của các loại khí này khó có thể tìm thấy trong tự nhiên.
Thứ hai, trong các thí nghiệm được thiết kế để tái tạo các điều kiện cho sự bốc cháy tự phát, hợp chất oxygen, methane và phosphorus đốt cháy có màu xanh lục sáng, với một tiếng nổ đột ngột, tạo ra khói đen. Kết quả này không giống như các quả cầu lửa Naga.
Những người hoài nghi khác cho biết, bất cứ thứ gì bay lên không trung phải có một khối lượng rắn nào đó. Đó không phải là vấn đề đối với pháo hoa hay tên lửa nhỏ, những thứ được thiết kế cho mục đích chính xác, nhưng lại là khúc mắc lớn đối với một quả cầu đang cháy.
Để các quả cầu lửa Naga di chuyển, chúng phải bao bọc một vật thể nặng hơn nhiều so với không khí mà chúng đang di chuyển và phải có lực đẩy vật lý.
Đối với người dân ở khu vực này, những quả cầu lửa do một con rồng ở sông phun lên trời có vẻ hợp lý hơn là chúng được tạo ra một cách tự nhiên từ các chất khí. Lễ hội Phayanak vẫn diễn ra hằng năm và những quả cầu lửa Naga vẫn còn đó với những bí ẩn đang chờ giải đáp.