Những phương pháp dạy học độc đáo

GD&TĐ - Chèo thuyền vào làng của trò nghèo, mở lớp học trên đường phố… là cách làm độc đáo của giáo viên trên thế giới để giúp những học sinh khó khăn nhất tiếp cận giáo dục khi trường học đóng cửa năm thứ 2 liên tiếp.

 Học sinh Tây Ban Nha học bên bờ biển.
Học sinh Tây Ban Nha học bên bờ biển.

Lớp học trên đường phố

Năm 2021, Ấn Độ phải hứng chịu đợt bùng phát dịch Covid-19 thứ 2 với sự xuất hiện của biến chủng mới, nguy hiểm Delta. Đợt dịch lần này đã gây khủng hoảng nặng nề lên mọi mặt đời sống, kinh tế của Ấn Độ, trong đó có giáo dục. Các trường phổ thông, đại học tại nước này đã phải đóng cửa trong hầu hết năm 2021 và mới lần lượt tái mở cửa từ tháng 8.

Việc đóng cửa kéo dài đã dẫn đến tác động tiêu cực đối với trẻ em, đặc biệt ở khu vực nông thôn nghèo do không có cơ hội tiếp cận Internet, thiết bị công nghệ kỹ thuật số. Khảo sát gần 1.400 trẻ em ở vùng nông thôn Ấn Độ cho thấy, chỉ 8% thường xuyên học trực tuyến. 37% hoàn toàn không được học, quên mất cách đọc, viết.

Đứng trước nguy cơ này, các thầy cô giáo ở những khu vực khó khăn nhất đã sáng tạo ra cách thức dạy học trên đường phố, thu hút trẻ em ở mọi độ tuổi theo học. Đơn cử, tại làng Joba Attpara, bang Tây Bengal, thầy giáo Deep Narayan Nayak, 34 tuổi, đã sơn đen các bức tường để sử dụng thay bảng viết. Học sinh đeo khẩu trang, ngồi giãn cách trên vỉa hè.

Thầy giáo dạy mọi thứ từ những bài đồng dao đến kiến thức khoa học, quy tắc phòng, chống dịch. Lớp học đặc biệt này có khoảng 60 học sinh tham dự. Dân làng đã đặt cho thầy Nayak biệt danh gần gũi là “giáo viên của đường phố”.

Vượt sông dạy học

Cô giáo Bouche (ngồi phía trước) vượt dòng nước chảy xiết đến dạy học cho trẻ em nghèo.
Cô giáo Bouche (ngồi phía trước) vượt dòng nước chảy xiết đến dạy học cho trẻ em nghèo.

Tại Panama, một quốc gia nghèo ở châu Phi, trẻ em làng Ella Puru đã nghỉ học từ khi trường đóng cửa do làng nằm cách biệt, không có điện hay Internet. Ngày thường, học sinh trong làng được bố mẹ chèo thuyền đưa qua dòng sông nước chảy xiết, rồi đi xe buýt đến trường cách đó 15 km. Với tình hình khó khăn hiện nay, các em có thể phải bỏ học vì không theo kịp bạn bè.

Thương học sinh còn nhiều khó khăn, cô giáo Graciela Bouche tự nguyện đến làng dạy học. Hàng sáng, cô nhờ một người dân địa phương chèo thuyền đưa đến làng. Đến chiều, cô ngược trở lại đất liền để chuẩn bị cho ca dạy trực tuyến.

Không chỉ mang theo máy tính xách tay, đồ dùng dạy học, cô Bouche thường mang thêm thực phẩm, quần áo do mọi người quyên tặng cho học sinh vùng hẻo lánh.

Lớp học tại làng Ella Puru có khoảng 30 em. Các em được chia theo nhóm tương đương với độ tuổi để học chương trình khác nhau. Cô giáo dạy môn Toán học, Tiếng Anh và thường quay lại video học sinh nói tiếng Anh để nhờ giáo viên bộ môn đánh giá.

Không chỉ vượt sông, nhiều giáo viên tổ chức dạy học ngay trên thuyền. Tại Ấn Độ, vùng Mahnihari chìm trong nước lũ do đợt thiên tai vào tháng 9/2021. Một số giáo viên đã mở lớp dạy học ngay trên những chiếc thuyền nhỏ vì không còn lựa chọn nào khác.

Thầy giáo Pankaj Kumar cho biết: “Nước lũ thường xuyên xuất hiện tại khu vực này trong 6 tháng nhưng học sinh không thể nghỉ học lâu như vậy. Chúng tôi sẽ tiếp tục dạy học ngay trên thuyền khi nước rút đi”.

Dạy học trên bãi biển

Trong khi tại New Delhi, trên vỉa hè lát gạch đỏ, nhóm trẻ, từ 4 đến 14 tuổi, tập trung học bài do hai vợ chồng đã về hưu giảng dạy. Hình ảnh những đứa trẻ ngồi bệt trên vỉa hè, trên đường phố và theo dõi thầy cô giảng bài đã phổ biến ở các làng quê nghèo Ấn Độ trong thời gian qua. 

Covid-19 khiến việc tập trung đông người trong không gian kín bị hạn chế nên các nhà trường đã tăng cường giảng dạy ngoài trời. Tại Đan Mạch, học sinh tiểu học được khuyến khích học ngoài trời, tăng các tiết học thể dục thể thao ngoài trời. Điều này vừa giúp hạn chế lây nhiễm Covid-19, vừa để trẻ em kết nối với thiên nhiên và các hoạt động tập thể ngoài trời.

Tại Anh, mô hình trường học trong rừng dành cho trẻ em mẫu giáo, học sinh tiểu học trở nên phổ biến. Theo mô hình này, trường đặt trong công viên hoặc các khu rừng. Học sinh sẽ không học theo chương trình phổ thông mà được trải nghiệm nhiều hoạt động ngoài trời như dựng trại, đánh lửa, phân biệt các loại động thực vật… Đây cũng là cơ hội để các em nâng cao khả năng sinh tồn, kỹ năng giải quyết vấn đề, làm việc nhóm.

Còn tại thành phố Murcia, Tây Ban Nha, học sinh Trường Trung học Felix Rodriguez de la Fuente ngồi học bên bờ biển. Các em đeo khẩu trang, ngồi bàn đơn cách nhau một mét.

Học sinh từ 3 đến 12 tuổi tại trường sẽ chia thành 8 lớp. Mỗi lớp luân phiên học tại bờ biển trong 20 phút trong khi các nhóm còn lại học tại trường. Để chuẩn bị lớp học, giáo viên có mặt ngoài bãi biển từ 8 giờ sáng. Giữa tiếng sóng vỗ và không khí mang hơi biển mằn mặn, học sinh háo hức theo dõi bài giảng, phát biểu ý kiến xây dựng bài.

Mô hình giáo dục này nằm trong dự án “Không khí trong lành” (Fresh Air) do các trường phổ thông tại Tây Ban Nha triển khai từ năm học 2021 - 2022. Theo chương trình, các lớp học thông thường sẽ được thay đổi sang không gian ngoài trời để khơi gợi nguồn cảm hứng học tập cho trẻ em trong giai đoạn Covid-19.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa: Vietpink

Truyện ngắn: Mở trái tim yêu

GD&TĐ - Hạnh phúc của người đàn bà chính là có người đàn ông để nương tựa, nhưng Hiền thấy, đàn ông chỉ đem đến sự khổ đau...