Những phát minh khoa học đáng ngưỡng mộ của "Hai lúa" Việt

Đã có rất nhiều sáng chế độc đáo được "ra lò" từ những nông dân không bằng cấp khiến nhiều người phải kinh ngạc, ngưỡng mộ và tôn vinh.

Những phát minh khoa học đáng ngưỡng mộ của "Hai lúa" Việt
Xe bọc thép cho quân đội 

Chuyện hai cha con ông Hải chế tạo thành công xe bọc thép cho Quân đội Hoàng gia Campuchia và được thiết đãi như tướng lĩnh quân đội là một trong những phát minh đang khiến dư luận xôn xao thời gian gần đây.

Hai cha con ông Hải có niềm đam mê nhiệt huyết với khoa học, từng được báo chí phản ánh nhiều lần về các sáng chế như máy bay trực thăng và nhiều máy móc công nông nghiệp khác... 

Trong một lần qua Campuchia thấy có nhiều xe bọc thép bị hư hỏng nặng, ông Trần Quốc Hải tự nguyện đứng ra xin sửa toàn bộ số xe trên. Nhiều người nghĩ, với trình độ của một nông dân, chắc ông sẽ không bao giờ làm được điều đó. 

Bởi lẽ, người ta vốn chỉ biết đến ông Hải với những phát minh sáng chế như rơ moóc tự hành (có cả láp, thắng hơi, ben), giàn cày cải tiến (tăng công suất cao, gần gấp đôi so với giàn cày cũ nhưng tiết kiệm được 1/3 nhiên liệu); máy bơm xác mì từ hầm chứa lên xe tải, máy thổi lá cao su, máy bón phân tự động, máy thu hoạch mủ cao su và gần đây nhất là máy trồng mì (sắn) tự động... nhưng việc chế tạo ra một chiếc xe bọc thép thì quả thật không hề đơn giản chút nào.

Tuy nhiên, chỉ trong thời gian ngắn, chiếc xe bọc thép đã có thể vận hành với 25 lít dầu diesel/100km (so với trước đây là 45 lít), tác xạ nhanh hơn, hỏa lực mạnh hơn so với trước, vòng xoay súng có thể bắn ở cự ly gần hơn so với 150m của xe cũ, tháp pháo tự động. 

Nhiều người Campuchia ngạc nhiên khi chiếc xe bọc thép bị vứt bỏ, ngay cả chuyên gia nước ngoài cũng bó tay. Vậy mà chỉ qua bàn tay của hai cha con nông dân Việt Nam, chiếc xe bỗng dưng vận hành rất tốt như thường.

Sau thành công của chiếc xe bọc thép đầu tiên, ông Hải tiếp tục được Lữ đoàn 70 Campuchia giao sửa chữa thêm chục chiếc xe khác tương tự như vậy. Chỉ trong thời gian ngắn với những cải tiến của mình, cha con ông Hải đã khiến những chiếc xe tưởng như đã thành sắt vụn bỗng hồi sinh trở lại trong niềm vui hân hoan chào đón của hàng nghìn người dân nước bạn.
Với những đóng góp cho đất nước Campuchia trong việc phục chế, chế tạo xe bọc thép, cả gia đình ông Hải được đón nhận niềm vui khi đích thân Quốc vương và Thủ tướng Campuchia trao tặng bằng khen và huân chương Đại tướng quân cho ông cùng con trai Trần Quốc Thắng. 
Thiết bị chống trộm 
Học vấn mới lớp 8, nông dân Nguyễn Văn Thanh ở xã Lộc Châu, thành phố Bảo Lộc, Lâm Đồng, đã sáng chế thành công thiết bị chống trộm được kết nối với điện thoại cá nhân. Thanh mất 2 năm tự mày mò nghiên cứu, phá hỏng 30 chiếc điện thoại di động và rất nhiều thiết bị dùng để chế tạo.
"Ý tưởng để làm ra thiết bị chống trộm này xuất phát từ bức xúc gia đình mình đã ba lần bị bọn trộm đột nhập. Với một ít hiểu biết từ việc học nghề điện tử hồi còn độc thân, mình đã tự mày mò sáng chế", Thanh thổ lộ.

Nếu mục tiêu cần bảo vệ là ngôi nhà, Thanh sẽ cung cấp một phần mềm do anh tự sáng chế, có thể gắn bất cứ nơi đâu trong nhà. Khi trộm cạy cửa hay phá khóa nhà, lập tức hệ thống phát ra cảnh báo bằng cách tự động gọi tới điện thoại di động của chủ nhà dù chủ nhà đang ở xa hàng nghìn cây số. 

Vì thiết bị này thông qua sóng điện thoại nên chỉ cần chủ nhà đang ở nơi có sóng điện thoại thì hệ thống sẽ phát huy tác dụng. Đặc biệt tại địa điểm bọn trộm đang đột nhập không hề phát ra bất cứ âm thanh hay tín hiệu nào.

Thiết bị này dùng hai chiếc sim điện thoại và được mã hóa với nhau. Một chiếc là số máy của gia chủ, chiếc còn lại cài đặt trong phần mềm thiết bị được gắn tại địa điểm cần bảo vệ. 

Chia sẻ về quá trình thực hiện, Thanh cho biết phức tạp nhất trong lúc nghiên cứu, sáng chế là sử dụng sim công cộng (sim rác) nhưng khi điều khiển lại mang tính cá nhân tuyệt đối. Một khi có kẻ trộm đột nhập, lập tức chiếc sim được cài đặt trong phần mềm sẽ điện báo vào sim điện thoại của chủ tài sản.

Ngoài khóa chống trộm tại nhà, Thanh cũng thành công khi chế ra hệ thống chống trộm cho xe máy. Một phần mềm có cài sim điện thoại được lắp đặt bí mật trong chiếc xe máy và sim điện thoại này được mã hóa với sim điện thoại của chủ tài sản, Một khi trộm phá khóa xe hay đụng vào xe thì hệ thống này cũng lập tức báo cho chủ tài sản. 
Xe cày đa năng 
Không bằng cấp, chưa được đào tạo qua trường lớp nào nhưng nông dân Lương Văn Đồng (thôn Ngọc Thạch, xã Đại Hồng, tỉnh Quảng Nam) đã có sáng chế xe cày đa năng khiến nhiều người kinh ngạc.

Vốn vừa là thợ rèn, vừa làm nông nên ban đầu ông Đồng tự thiết kế ra chiếc cày để làm luống ruộng cho nhanh. Ông lấy mâm xe, ghiđông, phuộc... rồi làm như mô hình chiếc xe rùa nhưng có lắp thêm lưỡi cày phía dưới. 

Khi áp dụng tui thấy công lao động giảm hơn một nửa nên từ đó ông sáng chế thêm nhiều công dụng khác. Từ những công dụng ban đầu như cày rắc hàng, xớt cỏ bệ và cào rác, ông Đồng đã “trình làng” công dụng thứ năm của chiếc cày này là hộp bỏ giống tự động.

Ý tưởng về chức năng này được ông ấp ủ nhiều năm liền, tiến hành thử nghiệm rồi nâng cấp, cải tiến loại cày này. “Chiếc hộp bỏ giống này được thiết kế theo nguyên lý trong lúc cày hàng thì hạt giống tự động rơi phía sau, khoảng cách giữa các hạt giống thì có thể tự điều chỉnh. Từ đó người nông dân không phải khòm lưng bỏ từng hạt giống như trước đây” - ông Đồng giải thích.

Ông Lương Ba (nông dân thôn Dục Tịnh, Đại Hồng) cho biết nhà ông có 6 sào đất màu, trước đây mỗi lần cày đất, gieo giống tốn cả chục công làm. Từ khi dùng chiếc cày của ông Đồng thì hai vợ chồng ông chỉ cần làm trong vòng hai ngày là vừa cày vừa gieo xong. 

“Cái cày này nhìn thấy đơn giản nhưng lại giúp tụi tui làm đất khỏe re. Giờ trong thôn nhà nào cũng có 1-2 chiếc cày đẩy do chú Đồng sáng chế”- ông Ba nói.

Hiện nay, trung bình mỗi tháng ông Đồng làm gần 20 chiếc cày với giá thành 300.000 đồng/chiếc để bán cho người có nhu cầu. Ông Đồng tâm sự: “Tui làm cái cày này trước là để phục vụ công việc làm nông cho mình nhưng thấy nông dân ưa chuộng nên rất mừng. Mười năm qua tui bán hơn 1.000 chiếc khắp Bắc, Trung, Nam”.
Chế tạo tàu ngầm 
Tàu ngầm tưởng chửng là những sáng chế không tưởng nhất, nhưng ông Nguyễn Quốc Hòa, Giám đốc Công ty cơ khí Quốc hòa, TP Thái Bình đã chế tạo thành công từ những vật dụng đơn giản.
6 kỹ sư của ông Hòa đang gấp rút hoàn thiện chiếc tàu ngầm mini mang tên Trường Sa thiết bị lắp trong con tàu như bảng điều khiển, hệ thống điện, các loại trục, hệ thống tuần hoàn khí…
Theo thiết kế, tàu ngầm mini Trường sa có lượng choán nước 12 tấn khi lặn và 9,2 tấn khi nổi. Bán kính hoạt động 800km. Tàu lặn sâu 50m có khả năng di chuyển sát hay nằm im dưới đáy biển. Tàu có 2 động cơ 90Hp.
Khi lặn, tàu sử dụng công nghệ AIP, thời gian lặn 15h. Thời gian hoạt động trên biển là 15 ngày. Tốc độ trung bình khoảng 20 hải lý (tương đương 40 km/h). Toàn bộ thân tàu đã hoàn thành với chiều dài 8,8m, cao 3m, chiều rộng nơi phình to nhất là 2,8m. Vỏ tàu là loại thép đặc biệt nhập khẩu nước ngoài có độ dày 15mm.
Trong tàu cũng có hệ thống tái tạo ô-xy, khử các-bon để người trong tàu hô hấp, có hệ thống khử hơi nước để đảm bảo an toàn cho trang thiết bị máy móc trong tàu khi tàu lặn…
Theo dự tính, sau khi thí nghiệm thành công, con tàu được đưa ra cảng biển Diêm Điền, huyện Thái Thụy (Thái Bình) để thử nghiệm.
Ông Hòa nói mục đích chế tạo tàu là hướng đến bảo vệ chủ quyền biển đảo, thăm dò đáy biển, đánh bắt hải sản. Khu vực tàu hoạt động ông mong muốn là quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Chế tạo máy bay 
Tên tuổi ông Trần Quốc Hải (ngụ Suối Dây, Tân Châu, Tây Ninh) nổi như cồn với những chiếc máy bay trực thăng mang thương hiệu “Hai lúa”. Bắt đầu từ ước mơ chế tạo máy bay trực thăng để bay trên vùng rẫy bón phân như ngành nông nghiệp Mỹ đã thực hiện, ông Hải dành nhiều thời gian tìm tòi, học hỏi quy trình vận hành, nguyên tắc hoạt động của máy bay.
Sau một thời gian dài nghiên cứu, năm 2003 ông chế tạo chiếc máy bay trực thăng đầu tiên. Năm 2005 chiếc máy bay thứ hai ra đời, cải tiến, hiện đại hơn chiếc trước mà giá thành chỉ bằng... một chiếc ôtô. Ông đã cùng cộng sự đưa máy bay ra đồng bay thử. Tuy nhiên, các cơ quan chức năng kết luận máy bay “không thể bay được”.
Việc một nông dân chế tạo máy bay bằng phương pháp thủ công đã được một số tổ chức khoa học kỹ thuật trên thế giới ghi nhận. Họ đã liên hệ để đưa chiếc “trực thăng ông Hải” đi chu du, triển lãm ở nhiều nước, từ Mỹ, Đức, Nhật đến Hàn Quốc, Singapore, Úc... và công nhận ông là “kỹ sư - nhà nông”.
2 chiếc máy bay trực thăng "made in Việt Nam" do ông chế tạo đã được "xuất khẩu" ra nước ngoài. Chiếc đầu tiên bán cho Viện Bảo tàng New York (Mỹ), chiếc thứ hai bán cho Viện bảo tàng Nghệ thuật Đương đại Busan (Hàn Quốc). Số tiền bán máy bay trực thăng được ông sử dụng vào việc chế tạo ra các thiết bị máy móc phục vụ nông nghiệp.
Theo vtc

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tổng thống Ukraine Vladimir Zelensky

Ông Zelensky tiếp tục giục Mỹ

GD&TĐ - Tổng thống Ukraine tiếp tục giục Mỹ nhanh chóng chuyển gói viện trợ quân sự mới cho nước này trong bối cảnh Nga ngày càng tăng cường các cuộc tấn công.