Những “ông vua” đồ cổ xứ vườn

GD&TĐ - Đam mê sưu tầm, phục chế những vật dụng thời xa lắc xa lơ, sau nhiều năm, anh Võ Thành Tuấn (36 tuổi, ngụ ấp Tân Thành, xã Tân Quy Tây, TP Sa Đéc, Đồng Tháp) đã có bộ sưu tập hơn 500 món đồ cổ. Còn ông Đặng Văn An (Hai An, 64 tuổi, ngụ khóm Bình Khánh 1, P.Bình Khánh, TP Long Xuyên, An Giang) là chuyên gia trong việc sưu tầm và sửa chữa đèn măng-xông.

Anh Tuấn giới thiệu với khách chiếc đèn trong bộ sưu tập của mình
Anh Tuấn giới thiệu với khách chiếc đèn trong bộ sưu tập của mình

Bộ sưu tập "khủng"

Với niềm đam mê các món đồ xưa, từ nhiều năm nay, anh Tuấn đã đi khắp các nơi để sưu tầm. Đến nay bộ sưu tập của anh đã có trên 500 món khác nhau. Không chỉ sở hữu những vật dụng sinh hoạt như: đèn dầu, nón cối, gàmên, máy cassette, đĩa nhạc, đồng hồ…, anh Tuấn còn lưu giữ nhiều kỷ vật chiến tranh ở các thời kỳ. Tất cả đều được trưng bày, sắp xếp ngăn nắp trong một không gian rộng khoảng 700m2 để phục vụ khách tham quan.

Để có được một số lượng lớn những đồ vật ở nhiều thời kỳ khác nhau, từ xa xưa đến hiện đại quả là một điều không dễ làm, nhưng với anh Tuấn, tất cả đều nằm trong một chữ duyên. Không phải muốn có là có. Nhiều món đồ người khác không mua được nhưng khi mình tới, người ta thích nên bán lại”.

Không chỉ sưu tầm, anh Tuấn còn tìm hiểu kỹ về nguồn gốc, xuất xứ, ý nghĩa của từng món đồ để chia sẻ với nhiều người ghé thăm, chiêm ngưỡng. Vì theo anh, tất cả những món đồ đang lưu giữ đều thể hiện cái hồn của dân tộc, là kỷ vật nhắc nhớ nhiều người. Anh Tuấn lý giải: “Giới trẻ bây giờ thường chạy theo những cái mới, nên những cái xưa, cái cũ dần mất đi. Do vậy tôi muốn giữ lại để thế hệ sau khi họ tới nhìn các món đồ sẽ hình dung về một giai đoạn nào đó của đất nước”.

Ông Hai An “khoe” chiếc đèn măng-xông hơn 20 năm tuổi
Ông Hai An “khoe” chiếc đèn măng-xông hơn 20 năm tuổi

“Vua” đèn măng-xông Thất Sơn

Ông Hai An là người hiếm hoi đeo đuổi nghề mua bán, “chẩn trị” nhiều mặt hàng “quá đát”, đặc biệt đối với đèn măng-xông.

Ông An cho biết: “Đèn măng-xông trước đây là vua của các loại đèn. Người giàu có, nhất là dân miền biển làm nghề đánh bắt thủy sản thường sở hữu mặt hàng này. Mỗi năm, tôi mua bán hàng ngàn đèn măng-xông các loại cho người có nhu cầu. Khách hàng thường là ở TPHCM, các tỉnh miền Trung, miền Đông. Ngoài việc sử dụng họ còn bán sang Campuchia, Lào, Thái Lan. Sau 43 năm làm nghề, số lượng đèn tôi bán ra và sửa chữa cũng gần 80.000 cái”.

Các loại đèn măng-xông trong bộ sưu tập của ông An chủ yếu do Đức và Trung Quốc sản xuất. Những chiếc đèn này được ông treo trong nhà và ai có nhu cầu mua thì ông sẽ mang ra sửa lại. Đèn có giá từ 1 - 2 triệu đồng/chiếc, còn khi khách mang đến “chữa bệnh” phải trả chi phí từ 200 - 300 ngàn đồng.

Một góc bộ sưu tập của ông An
Một góc bộ sưu tập của ông An

Ngoài việc sở hữu hơn 100 chiếc đèn măng-xông, bộ sưu tập của ông An còn nhiều món đồ “xa lắc xa lơ” như: đồng hồ treo tường, đồng hồ thùng gỗ, lò xô Mỹ-Đức-Pháp, bàn ủi con gà, đèn dầu, đèn khí đá, cân đòn…

Nói về nỗi vất vả và bí quyết để trụ vững với nghề, ông An tâm sự: “Nghề này buộc người làm phải đi suốt để lấy hàng về sửa. Ngoài ra, bắt buộc phải dự trữ các loại mặt hàng, học hỏi, tìm hiểu, sưu tầm về các loại đèn để bổ trợ nhau. Đặc biệt, phải có mạng lưới cộng tác viên rộng khắp các miền…”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Hình ảnh giả mạo salon ô tô trên Facebook để lừa đảo.

Lập salon ô tô 'ma' để lừa đảo

GD&TĐ - Hoàng Văn Cương và Nguyễn Anh Văn tạo dựng salon ô tô 'ma', sau đó đăng thông tin giả bán xe để chiếm đoạt tiền đặt cọc.
Ảnh minh họa ITN.

Dục tốc bất đạt

GD&TĐ - Đầu mùa tuyển sinh 2024, Thanh tra Bộ GD&ĐT đã công bố loạt kết luận liên quan đến việc mở và đào tạo ngành học mới với nhiều trường đại học.