Những nữ sinh bất hạnh tại Sierra Leone

GD&TĐ - Những nữ sinh bị đuổi học vì mang thai trong thời kỳ khủng hoảng bởi dịch Ebola đã được trở lại trường. Tuy nhiên, những nạn nhân bị tấn công tình dục có “biểu hiện” mang thai vẫn không được phép vào học những trường thuộc hệ thống GD chính thức…

Những nữ sinh bất hạnh tại Sierra Leone

Quyết định “què cụt”

Những nữ sinh Sierra Leone mang thai trong thời kì bùng phát dịch Ebola, và vì vậy bị đuổi học, đã được phép quay lại trường học tiếp sau khi sinh nở. Tuy nhiên, theo các nhà đấu tranh cho nữ quyền thì quyết định trên là “què cụt” khi mà những nạn nhân mang thai do lạm dụng, tấn công tình dục vẫn bị cấm cản đến trường.

Trong thời kì cao điểm bùng phát Ebola, tình trạng xâm hại và lạm dụng tình dục tràn lan. Những nữ sinh mồ côi cha mẹ do dịch bệnh Ebola, đã phải bán dâm vì không có tiền sinh kế; nhiều em gái khác yếu thế không thể bảo vệ mình khỏi những kẻ tấn công tình dục… Thậm chí nhiều gia đình đói ăn đã đẩy con gái đi bán dâm trong giai đoạn trường học đóng cửa. Theo nghiên cứu của Save the Children, 10% nữ sinh phải bán dâm nuôi gia đình, tỉ lệ thanh thiếu niên mang thai tăng 47% trong giai đoạn bùng phát Ebola.

Hậu quả là số nữ sinh mang thai tăng vọt

Có thể kể một ví dụ như trường hợp bé Frances. Frances khao khát tới trường nhưng gia đình quá nghèo không thể trang trải các khoản phí cho việc học hành. Cô bé 13 tuổi chấp nhận quan hệ tình dục với một người đàn ông lớn tuổi hơn để trang trải chi phí. Sau khi Frances mang thai, cô bé bị đuổi học.

Thay vì giang vòng tay đón các nữ sinh bất hạnh về với cuộc sống đời thường, những nữ sinh bất hạnh này bị cấm đến trường khi các trường học mở cửa trở lại hồi tháng 4 năm ngoái. Nguyên nhân theo giải thích của Bộ trưởng Bộ Giáo dục, Brima Turay, là vì nữ sinh mang thai có “ảnh hưởng tiêu cực” đến những học sinh khác.

Trường “chuyên biệt” – biểu hiện kì thị

Thực tế thì việc cấm nữ sinh mang thai tới trường và dự thi đã được thực hiện một cách không chính thức trong nhiều năm qua. Tuy nhiên, nước này chỉ mới ban hành văn bản chính thức hồi tháng 4/2015, trong đó quy định rõ cấm những nữ sinh có biểu hiện mang thai mà có thể nhận thấy “bằng mắt thường” đến trường và dự thi tuyển sinh cả trung học lẫn đại học.

Để xác định được nữ sinh nào mang thai, các em gái bị buộc kiểm tra theo những cách thức xúc phạm tới nhân phẩm. Ví dụ kiểm tra ngực của nữ sinh ngay chỗ đông người để xem có sữa hay không – theo tổ chức Ân xá Quốc tế.

Trước sự phản đối mạnh mẽ của dư luận, 1 tháng sau, Tổng thống Bai Koroma “xuống nước” cho phép nữ sinh mang thai vào học những trường “chuyên biệt”. Theo các nhà hoạt động nữ quyền thì chất lượng trường “chuyên biệt” kém xa trường truyền thống. Trường “chuyên biệt” dành cho nữ sinh mang thai chỉ dạy vài giờ một buổi và chỉ mở lớp vài buổi một tuần. Nữ sinh học trường này cũng không được dự kỳ thi quốc gia.

Trường “chuyên biệt” có thể dựa trên ý định tốt, tuy nhiên thực tế thì chỉ làm tăng thêm sự phân biệt đối xử, bất bình đẳng và kì thị đối với nữ sinh là nạn nhân của bạo lực tình dục.

Các chuyên gia giáo dục kêu gọi xoá bỏ quy định cấm kể trên bởi việc không được phép dự các kỳ thi quan trọng có ảnh hưởng đến tương lai của nữ sinh có hoàn cảnh bất hạnh.

Chính sách “cấm cửa” nữ sinh mang thai vào học trường bình thường có ảnh hưởng tiêu cực tới khoảng 10.000 nữ sinh trong độ tuổi đến trường tại quốc gia nghèo thuộc diện nhất thế giới và trải qua dịch bệnh Ebola – căn bệnh cướp đi sinh mạng gần 4.000 người tại Sierra Leone.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa: Vietpink

Truyện ngắn: Mở trái tim yêu

GD&TĐ - Hạnh phúc của người đàn bà chính là có người đàn ông để nương tựa, nhưng Hiền thấy, đàn ông chỉ đem đến sự khổ đau...