Những nữ nhà giáo năng đổi mới, tận tâm với nghề

GD&TĐ - Không chỉ tận tâm với nghề, các cô còn áp dụng nhiều sáng kiến, đổi mới trong công tác quản lý, giảng dạy và mang lại hiệu quả cao.

Cô Ngô Thị Hạnh - giáo viên Trường Mầm non Hải Vân, xã Hải Nam (Hải Hậu, Nam Định).
Cô Ngô Thị Hạnh - giáo viên Trường Mầm non Hải Vân, xã Hải Nam (Hải Hậu, Nam Định).

Cô giáo mầm non yêu nghề, mến trẻ

Là tổ trưởng chuyên môn khối mẫu giáo của Trường Mầm non Hải Vân, xã Hải Nam (Hải Hậu, Nam Định), cô Ngô Thị Hạnh có nhiều cách làm sáng tạo để nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ. Hơn 10 năm trong nghề, cô Hạnh học hỏi được nhiều điều từ các đồng nghiệp đi trước.

Năm học 2024 - 2025, Trường Mầm non Hải Vân có hơn 700 trẻ ở 26 nhóm lớp và chia ra 2 điểm trường. Cô Hạnh đã xây dựng môi trường lớp học theo quan điểm lấy trẻ làm trung tâm, các góc được trang trí thoáng, tạo điều kiện để trẻ dễ hoạt động, được nhà trường đánh giá đạt kết quả cao, trẻ hứng thú đến lớp. Nữ nhà giáo cũng tích cực tìm tòi, học hỏi và ứng dụng các phương pháp tiên tiến trên thế giới như: STEAM, Montessori trong thực hiện chương trình giáo dục mầm non.

Cô Hạnh luôn tích cực tham gia các hoạt động chuyên môn của ngành, là giáo viên cốt cán, báo cáo viên tại nhiều lớp tập huấn, hội thảo chuyên môn của cấp mầm non huyện Hải Hậu. Thực hiện bồi dưỡng chuyên môn, kiểm tra, đánh giá chất lượng, hiệu quả công tác nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ và quản lý sử dụng tài liệu, đồ dùng, thiết bị giáo dục của các thành viên trong tổ theo kế hoạch nhà trường.

“Trẻ mầm non cần sự trợ giúp, hướng dẫn từ các cô để dần hình thành thói quen tự phục vụ cùng nhiều kỹ năng quan trọng. Khi tiếp xúc, cô giáo dành tình yêu thương, sự nhẹ nhàng và quan tâm để trẻ cảm thấy được an toàn khi bên cô. Tất nhiên cũng mất một thời gian đầu để trẻ làm quen, khi đã quen, trẻ mới đồng hành với cô trong mọi hoạt động”, cô Ngô Thị Hạnh tâm sự.

Cùng với hoạt động chuyên môn, cô Hạnh tích cực tham gia các phong trào của trường, lớp như: Triển lãm đồ dùng đồ chơi cấp trường; Bé vui đón Trung thu; Chào mừng Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam 22/12; Bé vui đón Tết; Quốc tế Phụ nữ 8/3; Triển lãm tranh của bé; Bé kể chuyện hát hay… Tất cả góp phần rèn luyện sự tự tin, tính hòa đồng, đoàn kết cho trẻ.

Năm học 2022 - 2023, cô Hạnh tham gia Hội thi Giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh với hai hoạt động gồm thuyết trình biện pháp: “Xây dựng môi trường lớp học giúp trẻ 24 - 36 tháng thích đến lớp” và phần thi thực hành tổ chức hoạt động giáo dục với tiết dạy: “Tìm hiểu một số đồ dùng ăn uống trong trường mầm non”. Kết quả, cô được công nhận giáo viên giỏi cấp tỉnh.

Đánh giá về đồng nghiệp, cô Đặng Thị Thu Hường - Hiệu trưởng Trường Mầm non Hải Vân cho biết, cô Hạnh ngoài chuyên môn vững vàng còn gương mẫu trong các hoạt động của nhà trường, địa phương nơi cư trú như văn hóa, văn nghệ, giao lưu giữa các đoàn thể địa phương trong xã; tích cực tham gia các hoạt động do Đoàn Thanh niên, Công đoàn cơ sở tổ chức.

nhung-nu-nha-giao-nang-doi-moi-tan-tam-voi-nghe-1.jpg
Cô Tạ Thị Vui - Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Vân Canh, Hoài Đức (Hà Nội).

Tiên phong trong chuyển đổi số

Nhiều năm qua, cô Tạ Thị Vui - Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Vân Canh (huyện Hoài Đức, TP Hà Nội) cùng đồng nghiệp thành lập và duy trì nhóm “Giáo viên Vân Canh - chung tay phát triển” để hỗ trợ nhau khắc phục khó khăn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao; tham gia “Tổ hỗ trợ Công nghệ thông tin” để đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin thời đại 4.0, chuyển đổi số trong giáo dục.

Nữ nhà giáo luôn tâm đắc với câu nói: “Thầy cô là người cầm tay, mở ra trí óc và chạm đến trái tim”. Vì vậy, cô luôn học hỏi, trau dồi bản thân để không ngừng tiến bộ về chuyên môn nghiệp vụ, rèn luyện năng lực, phẩm chất. Tích cực tham gia các nhóm giáo viên, cộng đồng sáng tạo trên mạng xã hội để có thể lắng nghe chia sẻ kinh nghiệm dạy học của nhiều đồng nghiệp khác để học hỏi.

Để góp phần đẩy mạnh công cuộc chuyển đổi số trong giáo dục, cô Vui cùng ban giám hiệu nhà trường đưa ra các biện pháp chỉ đạo ứng dụng chuyển đổi số như đẩy mạnh quản lý hồ sơ, sổ sách điện tử trên Google Driver, OneNote, OneDrive và sau này là trang quản lý hồ sơ sổ sách điện tử của ngành Giáo dục. Cùng đó, đẩy nhanh quá trình hoàn thiện việc đăng ký chữ ký số, tiến hành tập huấn sử dụng học bạ điện tử cho giáo viên; ứng dụng các phần mềm trong dạy học truyền thống và trực tuyến; tổ chức lớp học kết nối nhằm nâng cao hiệu quả giáo dục toàn diện cho học sinh.

“Các hoạt động đó giúp tôi và đồng nghiệp nâng cao kỹ năng xây dựng kế hoạch, tổ chức các hoạt động giáo dục ở trường tiểu học. Từ đó chỉ đạo, thực hiện các hoạt động giáo dục có tính đa dạng, hiệu quả và hiện đại hơn; đáp ứng xu thế xã hội và nhiệm vụ chuyển đổi số trong giáo dục nhằm bắt kịp xu thế của nhà lãnh đạo 4.0”, cô Tạ Thị Vui nhấn mạnh.

Nữ Hiệu phó đã tìm hiểu và tập huấn cho giáo viên tính năng, cách sử dụng các ứng dụng như ClassDojo và Padlet để xây dựng những “Lớp học mở” tạo nền tảng giao tiếp gần gũi giữa giáo viên và học sinh; tạo ra phương pháp giáo dục mới, kích thích sự chủ động sáng tạo trong học tập và làm chủ công nghệ cho học sinh.

Với những “Lớp học mở”, giáo viên sẽ giao nhiệm vụ hằng ngày cho học trò như quay clip về những việc làm ở nhà, đọc một bài thơ, giới thiệu cuốn sách, sưu tầm tranh ảnh liên quan đến nội dung bài học của buổi sau. Nhờ đó, các em luôn hứng thú với nhiệm vụ được thầy cô giao.

Cùng đó, các lớp học này còn có sự giám sát của phụ huynh. Bố mẹ sẽ biết được những ưu nhược điểm của trẻ trong học tập và rèn luyện để kịp thời điều chỉnh, uốn nắn, hỗ trợ giáo viên trong hoạt động giáo dục. Mô hình này không chỉ tạo cơ hội để học sinh được khám phá và kiến tạo tri thức trong môi trường số, mà còn hình thành kỹ năng số cơ bản, có khả năng truy cập nguồn thông tin số, biết định danh, xác thực, bảo vệ dữ liệu cá nhân.

Cô Nguyễn Thị Hiền Lương - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Vân Canh chia sẻ: “Cô Vui rất năng động, tràn đầy năng lượng tích cực và có nhiều đổi mới, sáng tạo trong công việc. Tinh thần đó đã và đang lan tỏa tới đồng nghiệp trong và ngoài nhà trường khi nhiều cách làm của cô được trường bạn áp dụng. Với sự cố gắng nỗ lực đó, cô được nhận Bằng khen của Bộ GD&ĐT vì có thành tích tiêu biểu xuất sắc trong phong trào thi đua “Đổi mới, sáng tạo trong quản lý, giảng dạy và học tập” năm học 2022 - 2023 và nhiều phần thưởng khác.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Đôi dép lốp của ông

Đôi dép lốp của ông

GD&TĐ - Hồi bé, tớ hay được sang nhà ông bà ngoại chơi (vì nhà ông bà ở ngay gần nhà), tớ thấy ông ngoại có đôi dép trông rất lạ, màu đen, hơi cũ, cổ xưa.

Ông Mohamed al-Bashir được bổ nhiệm làm người đứng đầu Chính phủ chuyển tiếp ở Syria.

Mỹ sẽ theo quyết định của Israel?

GD&TĐ - Đoàn Mỹ vừa đến Syria hội đàm với người đứng đầu chính phủ chuyển tiếp Damascus, người Mỹ từng treo giải thưởng 10 triệu đô la cho đầu ông này.