Những nữ giáo viên gác việc nhà, "xung trận" chống dịch

GD&TĐ - Bên cạnh đội ngũ Y tế, lực lượng Công an, Quân sự, Dân quân tự vệ, Thanh niên tình nguyện... còn có rất nhiều nữ giáo viên đã gác lại việc nhà để tham gia chống dịch.

Giáo viên ở thị xã Ngã Năm đang chuẩn bị bữa ăn cho lực lượng chống dịch.
Giáo viên ở thị xã Ngã Năm đang chuẩn bị bữa ăn cho lực lượng chống dịch.

"Xung trận" chống dịch

Trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhiều địa phương trong tỉnh Sóc Trăng đã xuất hiện các ca nhiễm cộng đồng, tỉnh Sóc Trăng đã áp dụng thực hiện Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19 trên phạm vi toàn tỉnh từ ngày 19/7.

Để công tác phòng, chống dịch có hiệu quả, nhiều địa phương ở Sóc Trăng nói chung, thị xã Vĩnh Châu nói riêng, đã huy động các lực lượng tham gia chống dịch Covid-19.

Bên cạnh đội ngũ thầy thuốc, lực lượng Công an, Quân sự, Dân quân tự vệ, thanh niên tình nguyện... còn có rất nhiều nữ giáo viên đã gác việc nhà tham gia chống dịch...

Thị xã ven biển Vĩnh Châu là nơi có số ca mắc Covid-19 nhiều nhất tỉnh Sóc Trăng. Để góp sức công tác chống dịch, nhiều cô giáo đã tình nguyện tham gia ngay từ khi dịch bùng phát ở địa phương.

Cô Trương Lệ Quyên, giáo viên Trường THCS Châu Văn Đơ, Phường 1, thị xã Vĩnh Châu cho biết: “Diễn biến dịch Covid-19 ở địa phương phức tạp, nhất là khi thị xã Vĩnh Châu có nhiều ca mắc Covid-19, có nhiều khu dân cư bị phong tỏa... nên các lực lượng tham gia chống dịch rất vất vả.

“Trước thực tế đó, chúng tôi thấy mình phải có trách nhiệm tham gia phòng, chống dịch để chia sẻ những khó khăn, vất vả với lực lượng đang làm nhiệm vụ. Thời điểm này giáo viên chúng tôi cũng đang nghỉ hè nên tham gia.

Bản thân tôi và các cô giáo ở phường đang tham gia trực chốt tại đường giao thông ở phường, nơi có khu dân cư đang cách ly, bảo đảm an toàn cho người dân. Vất vả một chút nhưng vui vì được góp phần mình vào công cuộc chống dịch. Mong dịch sớm bị đẩy lùi để cuộc sống ổn định trở lại”, cô Quyên chia sẻ.

Bà Phạm Thị Cẩm Tú, Trưởng Phòng GD&ĐT thị xã Vĩnh Châu cho biết: “Lực lượng giáo viên tham gia chống dịch khoảng trên 200 người. Trong đó có nhiều cô giáo. Lực lượng giáo viên tham gia chủ yếu tại địa phương, được địa phương phân công công việc cụ thể.

Người thì làm công tác tuyên truyền, người tham gia trực chốt, người phục vụ nấu ăn... Mỗi người một việc nhưng tất cả đều hướng tới mục tiêu cùng chung tay chống dịch Covid-19, bảo đảm an toàn sức khỏe người dân”.

Sát cánh cùng tuyến đầu

Cô Trương Lệ Quyên (bên phải) cùng đồng nghiệp đang trực chốt.
Cô Trương Lệ Quyên (bên phải) cùng đồng nghiệp đang trực chốt.

Tại thị xã Ngã Năm, nơi có số ca mắc Covid-19 đứng thứ 2 của tỉnh Sóc Trăng, nhiều giáo viên của ngành Giáo dục địa phương cũng tình nguyện tham gia chống dịch với mong muốn được góp phần mình chia sẻ những khó khăn, vất vả với các chiến sĩ trên tuyến đầu chống Covid-19.

Hàng ngày, ở bếp ăn của Ban Chỉ huy quân sự thị xã Ngã Năm, nhiều nữ giáo viên tham gia nấu những bữa cơm nóng, canh ngon phục vụ những người đang làm nhiệm vụ ở tuyến đầu chống dịch.

Cô Nguyễn Thị Hồng Nhanh, giáo viên Trường Mầm non Phường 2 chia sẻ: “Chúng tôi tham gia nấu cơm với mong muốn được góp phần nhỏ bé của mình vào công cuộc chống dịch của toàn xã hội. Được nấu những bữa ăn như vậy, chúng tôi rất vui, ai cũng tích cực tham gia”.

Theo ông Phan Minh Nam, Trưởng Phòng GD&ĐT thị xã Ngã Năm, để chung tay cùng cộng đồng chống dịch, ngành đã kêu gọi toàn thể giáo viên trên địa bàn thị xã Ngã Năm tình nguyện tham gia và đã có khoảng 500 giáo viên đăng ký. Giáo viên tham gia hỗ trợ địa phương trong công tác phòng chống dịch như ủng hộ vật chất, ngày công cho những bếp ăn, góp phần chung cho công tác phòng chống dịch của toàn thị xã...

Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

'Nỗi ám ảnh' của ông Trump

GD&TĐ - Một trong những quốc gia được nhắc nhiều và chịu ảnh hưởng ngay trong ngày nhậm chức của Tổng thống Mỹ Donald Trump là Mexico.