Nhiều địa phương siết chặt, tăng cường biện pháp mạnh chống dịch Covid-19

GD&TĐ - Chịu áp lực rất lớn từ nguy cơ dịch bệnh xâm nhập khi hàng chục nghìn công nhân, học sinh, sinh viên trở về từ vùng dịch, vì vậy, nhiều tỉnh đề nghị tiếp tục kéo dài thời gian thực hiện Chỉ thị 16.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Nhiều địa phương phía Nam đề nghị kéo dài thời gian áp dụng Chỉ thị 16

Chiều 28/7, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, Tổ công tác đặc biệt của Chính phủ về phòng, chống dịch Covid-19 đã giao ban trực tuyến nhanh với 19 tỉnh, thành phố phía nam sau 10 ngày thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg.

Tại cuộc họp, lãnh đạo các tỉnh, thành phố bày tỏ lo ngại diễn biến dịch bệnh tiếp tục phức tạp, ghi nhận thêm các ca nhiễm, một số ổ dịch mới xuất hiện khi tăng cường xét nghiệm, tầm soát trong những ngày qua.

Cùng với đó, các tỉnh, thành phố miền Tây Nam Bộ đang chịu áp lực rất lớn từ nguy cơ dịch bệnh xâm nhập khi hàng chục nghìn công nhân, học sinh, sinh viên trở về từ vùng dịch. Vì vậy, nhiều tỉnh đề nghị tiếp tục kéo dài thời gian thực hiện Chỉ thị 16.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, sau 10 ngày thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg, 19 tỉnh, thành phố khu vực phía nam, đặc biệt Thành phố Hồ Chí Minh, đã thực hiện một khối lượng công việc khổng lồ, được người dân rất ủng hộ. Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh đến ngày hôm nay vẫn còn rất phức tạp. Đối với Thành phố Hồ Chí Minh, một phần của tỉnh Đồng Nai, Bình Phước, Long An, dịch bệnh đã lây lan rất rộng và rất sâu. Để dập dịch hoàn toàn ở khu vực này, thời gian còn phải kéo dài hơn dự kiến, thậm chí phải tính bằng tháng.

Mục tiêu của cả nước nói chung, 19 tỉnh, thành phố khu vực phía nam nói riêng là làm sao dịch không lây lan, phải giảm được ca F0. Cùng với mục tiêu giảm ca F0, Thành phố Hồ Chí Minh và một phần của tỉnh Long An, Đồng Nai và Bình Dương còn phải thực hiện mục tiêu cấp thiết nhất trong giai đoạn trước mắt là phải giảm được tỉ lệ tử vong, giảm số lượng bệnh nhân có diễn biến nặng lên.

Bình Định: Thêm một địa phương giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16

Sáng 28/7, UBND thị xã An Nhơn đã có văn bản về việc tạm thời thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 trên địa bàn xã Nhơn Phong.

Theo UBND thị xã An Nhơn, hiện trên địa bàn đã xuất hiện các ca dương tính SARS-CoV-2. Trong đó, tại xã Nhơn Phong đang tiềm ẩn nguy cơ xảy ra dịch bệnh trong cộng đồng. Trước những diễn biến phức tạp, nguy hiểm của dịch Covid-19, UBND thị xã An Nhơn yêu cầu UBND xã Nhơn Phong tạm thời thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ trên toàn địa bàn xã này, kể từ 6 giờ cùng ngày.

Bình Định lập chốt kiểm soát dịch sau khi phát hiện các ca nhiễm bệnh ở xã Cát Tường. Ảnh: Trường Giang.

Bình Định lập chốt kiểm soát dịch sau khi phát hiện các ca nhiễm bệnh ở xã Cát Tường. Ảnh: Trường Giang.

Trong thời gian tạm thời thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội, UBND xã Nhơn Phong chủ động đảm bảo công tác hậu cần, lương thực, thực phẩm, ổn định đời sống cho người dân an tâm phòng chống dịch.

Trong một diễn biến khác, sáng cùng ngày, Ban Chỉ đạo Phòng chống dịch Covid-19 tỉnh Bình Định đã công bố thêm 4 ca Covid-19 mới trên địa bàn, nâng số ca mắc Covid-19 toàn tỉnh này lên 122.

Vượt 3.000 ca nhiễm, Đồng Nai lập thêm BV dã chiến quy mô 600 giường bệnh

Sáng 28/7, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Đồng Nai Phan Huy Anh Vũ cho biết, trong 24 giờ qua tỉnh ghi nhận thêm 346 ca dương tính với SARS-CoV-2, nâng tổng số trường hợp nhiễm trong đợt dịch thứ tư lên hơn 3.000. Trước F0 liên tục tăng, nhiều cơ sở điều trị đầy bệnh nhân, tỉnh Đồng Nai đã quyết định đưa bệnh diện dã chiến số 7 đi vào hoạt động.

Giám đốc Sở Y tế tỉnh Đồng Nai Phan Huy Anh Vũ nhận định, phần lớn ca dương mới ghi nhận tại các ổ dịch cũ, các khu vực đã phong tỏa và đã truy vết. Điều này cho thấy, mức độ lây nhiễm tại các ổ dịch này đã khá sâu cần phải thực hiện lấy mẫu xét nghiệm diện rộng và nhiều lần để làm sạch nguồn lây.

Đáng lưu ý đã ghi nhận nhiều ca mới tại một số công ty ở TP Biên Hòa, huyện Nhơn Trạch, mặc dù các doanh nghiệp này đã thực hiện xét nghiệm sàng lọc và bố trí phương án “ba tại chỗ”. Thực tế, một số doanh nghiệp thực hiện “ba tại chỗ” nhưng nơi ở công nhân đông, không bảo đảm giãn cách, khi có ca dương tính dẫn đến lây nhiễm hàng loạt.

Ngoài ra, một số khu nhà trọ chật chội, dù đã phát hiện ổ dịch và xét nghiệm tầm soát, nhưng không giãn cách người ở trọ được nên vẫn tiếp tục lây nhiễm.

Trước diễn biến dịch bệnh phức tạp, số ca F0 tăng cao, tỉnh Đồng Nai vừa đưa vào hoạt động Bệnh viện dã chiến số 7, quy mô 800 giường bệnh đặt tại Ký túc xá, Trường trung học phổ thông Trấn Biên, TP Biên Hòa. Hiện, tổng số giường bệnh điều trị Covid-19 là gần 5.000 giường bệnh. Tuy nhiên với số ca mắc tăng liên tục, nếu tình hình không có gì thay đổi, chỉ vài ngày nữa, các cơ sở điều trị bệnh nhân Covid-19 trên địa bàn Đồng Nai sẽ đầy bệnh nhân.

Để thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống Covid-19, tỉnh Đồng Nai yêu cầu người dân không ra đường từ 18 giờ đến 6 giờ hôm sau, từ hôm nay 28/7 đến ngày 1/8 và tạm dừng các dịch vụ ăn uống mang về từ 0 giờ ngày 29/7.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa ITN.

Giải pháp căn cơ

GD&TĐ - Giải pháp căn cơ vẫn là ưu tiên quỹ đất cho trường học, xây thêm trường...