1. Đóng cửa bảo nhau
Chàng hay nàng đều muốn giữ thể diện trước mặt người khác và tất nhiên là không muốn “vạch áo cho người xem lưng”. Không nên tranh cãi trước mặt bố mẹ, người thân, hàng xóm, bạn bè, cả ở những nơi đông người là nguyên tắc hàng đầu trong mỗi cuộc tranh cãi.
Với trẻ nhỏ, chúng ta lại càng không nên cãi nhau trước mặt chúng. Tâm lý trẻ nhỏ rất dễ bị xao động vàtổn thương. Hơn nữa, chúng sẽ có cảm giác cha mẹ không thương yêu chúng nữa, càng không biết nên đứng về phía nào.
2. Dù thế nào cũng không nên bỏ nhà đi
Nhiều người cho đây là một sáng kiến hay nhưng thực tế, người ở lại sẽ có cảm giác hụt hẫng, mâu thuẫn chưa được giải quyết cứ tích tụ lại, lâu ngày sẽ bùng nổ thành chuyện lớn rất khó để hàn gắn.
Nhiều bà vợ cứ hễ cãi nhau với chồng là dọa “về nhà ngoại”, ly thân, ly dị nhằm buộc các ông chồng phải nhún nhường, thậm chí khi chồng đã thân chinh đến đón về cũng vùng vằng không chịu. Rõ ràng, đây không phải là cách giải quyết khôn ngoan, bởi người chồng dù có kiên nhẫn đến mấy cũng chán nản và dễ buông xuôi, mặc kệ.
Thêm nữa, một số ông chồng cứ cãi nhau với vợ là bỏ nhau đi qua đêm. Hành động này khắc sâu thêm nỗi ấm ức trong lòng vợ và tăng thêm mâu thuẫn giữa hai người mà thôi.
3. Không nhắc lại, đay nghiến quá khứ
Các cuộc tranh cãi thường đi quá xa so với chủ đề ban đầu. Có thể, lúc đầu hai bạn chỉ tranh cãi vì những bất đồng trong sinh hoạt như chồng đi dép bẩn vào nhà vừa lau sạch, vợ nấu quá mặn hay quá lề mề…
Nhưng rồi cả hai vợ chồng bắt đầu kể lể về những sai lầm đối phương đã từng mắc phải trong quá khứ, xa hơn nữa là kết luận theo kiểu bản chất (ví dụ như “anh là kẻ nói dối” hay “em cẩu thả quá đấy”...).
Thậm chí, có người còn quy chụp đến đạo đức và nền tảng giáo dục. Khi đó thì sự việc đã đi quá xa, khiến lòng tự trọng của hai bạn bị tổn thương và rất khó đến hàn gắn lại như cũ.
Bạn nên nhớ:Tranh cãi để tìm ra giải pháp, không phải để giành chiến thắng hay để chứng minh đối tác của mình sai. Hai bạn nên thỏa thuận với nhau dù mâu thuẫn có lớn đến mấy thì cũng phải giải quyết và làm lành trong thời gian sớm nhất. |
4. Không đột ngột cúp máy trước
Khi cãi nhau trên điện thoại, nhất nhất không ai được đột ngột cúp máy trước. Nếu đã làm, nên gọi lại và tỏ ý xin lỗi đối phương. Nếu đối phương giận dữ dập máy trước thì người còn lại nên chủ động gọi lại sau ít phút. Khi đó, bạn cũng nên giữ thể diện cho vợ/chồng mình, khi họ đã liên lạc lại thì cũng nên vui vẻ bỏ qua mọi chuyện.
5. Động khẩu, bất động thủ
Nếu bạn không muốn biến mình thành một ông chồng vũ phu, hay một bà vợ “sư tử” thì cứ việc dùng “nắm đấm” hay “móng vuốt” để nói chuyện.
Ai cũng hiểu “lời nói gió bay” còn nếu cãi nhau mà “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay” thì tính chất sẽ nghiêm trọng hơn nhiều. Thực tế, dù mâu thuẫn đã nguôi ngoai nhưng vì “dấu vết” của những lần “động thủ” vẫn còn nên rất khó tha thứ cho nhau.
6. Đồ vật phi thân
Rất nhiều cặp vợ chồng hễ cãi nhau là quăng ném đồ vật, cho dù là điện thoại iphone cũng bay vào góc nhà, chiếc điều khiển tivi thì “xin mời” nằm ngoài cửa…Thực chất đây là một cách làm dại dột. Vì nếu không gây ra thương tích, tính chất cuộc cãi vã cũng trở nên nghiêm trọng hơn.
Chưa kể việc sau mỗi lần cãi vã phải bỏ ra một khoản chi phí không nhỏ để mua sắm, bù đắp lại những tổn thất đó. Nếu dành khoản tiền đó để mua hoa, mua tặng phẩm làm lành có phải có ích hơn nhiều không?
7. “Đi chỗ khác chơi cho bố mẹ nói chuyện”
Tốt nhất là nín nhịn khi có mặt con ở đó. Còn nếu không thì hãy nói chuyện thật nhẹ nhàng. Nếu cố tính đẩy trẻ đi nơi khác sẽ khiến chúng cảm thấy bố mẹ đang giấu mình điều gì và tìm cách khám phá. Đến khi tìm được sự thật thì chúng sẽ vô cùng thất vọng, ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý sau này.
8. Ghen tuông vô lối
Ghen là biểu hiện của tình yêu nhưng cũng là mặt trái của sự ích kỉ. Tuy nhiên, nếu bạn là muốn ghen tuông, trách móc một điều gì đó thì bạn hãy chắc chắn là những điều đó đều dựa trên những cơ sở có thật và không mang tính chất suy diễn, nghi ngờ.
Chỉ vì anh ấy không cho bạn biết điện thoại của ai gọi tới hay vừa đi gặp ai, mà bạn đã vội làm toáng lên thì thật là nông cạn. Rất có thể anh ấy có lý do chưa thể nói cho bạn biết ngay được.
Bởi vậy, hãy kiên nhẫn, nhẹ nhàng và khéo léo, rồi bạn cũng nhận được câu trả lời sớm thôi. Còn nếu anh ấy ghen tuông với bạn thì sao?
Hãy nhẹ nhàng nói với anh ấy. Nếu anh ấy vẫn không tin thì bạn có thể nhờ đến sự làm chứng của người thứ ba, người đã chứng kiến mọi việc của bạn đã làm.
9. Đừng thách thức và bất cần
“Anh có giỏi thì làm đi”, “Anh thích làm gì thì làm, từ giờ tôi không thèm quan tâm nữa” - Đó là câu tuyệt đối không nên nói khi cãi nhau. Rất có thể cả mâm cơm bay vèo ra sân hay cái tivi đang xem bỗng vỡ toang chỉ vì câu nói đầy khiêu khích của bạn. T
hái độ bất cần cũng khiến anh ấy suy nghĩ rằng bạn chính thức mong muốn “đường ai nấy đi”, vậy thì việc gì anh ấy phải cố gắng giữ gìn hạnh phúc nữa.
Nên nói gì khi cãi nhau? - “Hãy cố gắng hiểu đúng ý anh/em” - “Điều này quan trọng với anh/em. Mong em/anh hãy lắng nghe” - “Anh/em thấy mình cũng có một phần lỗi trong vấn đề này” - “Anh/em nghĩ chúng ta đang nói lạc đề" - “Chúng ta đang tranh cãi về cái gì đây?” - “Đây không chỉ là vấn đề của riêng em mà là của cả hai chúng ta” - “Chúng ta hãy tạm dừng trong vài phút” |