Một đứa bé ra đời chính là kết tinh tình yêu của hai vợ chồng. Việc được lên chức đối với những ông bố bà mẹ mà nói thì đó là điều vô cùng thiêng liêng, vui mừng, hạnh phúc. Nhưng bên cạnh đó, cũng còn lắm những bỡ ngỡ, xa lạ khiến cả hai phải đầu bù tóc rối, thậm chí xảy ra mâu thuẫn trong quá trình nuôi dạy con. Tuy nhiên, đứa bé không phải là mối bận tâm duy nhất ở thời điểm này, mà người vợ của bạn cũng cần được quan tâm và chăm sóc nhiều không kém.
Trầm cảm sau sinh là một chứng bệnh tâm lí khá nguy hiểm. Người mắc bệnh có thể gây ra nhiều hành vi nguy hại mà bản thân họ không thể kiểm soát. Tuy nhiên căn bệnh này hoàn toàn có thể điều trị, nhưng nếu có thể ngăn chặn căn bệnh này dĩ nhiên vẫn tốt hơn là việc phải điều trị nó.
Dưới đây là những dấu hiệu tâm lí của phụ nữ sau sinh mà đàn ông cần tìm hiểu và thông cảm, tìm cách an ủi, động viên người vợ mình, giúp họ vượt qua sự mặc cảm và lấy lại phong độ tự tin như ngày nào nhé:
Cô ấy cảm thấy mình thật xấu xí
Khó ai có thể hiểu được những cảm xúc mâu thuẫn của người phụ nữ sau sinh. Một mặt, họ tự hào khi cơ thể mình có thể tạo ra một sinh linh bé nhỏ, mặt khác, họ lại cảm thấy khó chịu về những biến đổi trên cơ thể sau khi sinh con: vùng da bụng chảy xệ, nhiều vết rạn nứt, thân hình sồ sề, da mặt sạm đi, tóc rụng nhiều… Đây là thời điểm cô ấy thấy tự ti về ngoại hình của mình nhất.
Người chồng nên làm gì? Hãy khen ngợi cô ấy bằng cách nhìn thẳng vào mắt nàng và đưa ra lời khen ngợi. Khi cô ấy than phiền về một điểm nào đó trên cơ thể, hãy nhẹ nhàng khuyến khích cô ấy, bảo rằng cô ấy sẽ nhanh chóng lấy lại nét đẹp như xưa thôi.
Người chồng nên tạo cảm giác cho vợ mình cảm nhận được rằng cô ấy chính là món quà lớn nhất mà Thượng đế ban tặng cho mình.
Cô ấy bị ám ảnh bởi đứa con mới sinh
Sau khi lên chức bố mẹ, cả hai bạn đều đang trong quá trình điều chỉnh mọi thứ xảy ra với cuộc sống của mình. Nhưng có một sự thật đó là cuộc sống của cô ấy đã hoàn toàn thay đổi và đảo ngược, điều này khiến cô ấy dễ trở nên ám ảnh – ngay cả với chính đứa con mà mình sinh ra.
Sự ám ảnh này cũng nằm trong quá trình thích ứng và bản năng người mẹ sẽ giúp cô ấy vượt qua nó nhưng cần phải có thời gian.
Cô ấy luôn thấy lo sợ
Mọi thứ đều mới mẻ và cần nhiều thời gian để trải nghiệm, cô ấy lo lắng mình sẽ làm không tốt. Việc mang thai và sinh con đối với phụ nữ mà nói cũng giống như một kì thi. Họ có 9 tháng để ôn bài và chuẩn bị, và bây giờ là thời điểm họ phải đối diện với kì thi đó.
Cô ấy đang vô cùng căng thẳng và lo sợ, nàng cần sự hỗ trợ và động viên từ người chồng của mình. Bạn nên dùng tình yêu và thái độ quan tâm chân thành để khuyến khích cô ấy, rằng mọi thứ sẽ ổn thôi. Trong thời điểm quan trọng này, một cái ôm thật chặt cùng những lời khích lệ sẽ có tác dụng rất nhiều.
Cô ấy sẽ luôn trong trạng thái phòng thủ
Mẹ vợ bạn cho rằng cô ấy nên quay trở lại với công việc. Dì của cô ấy thì khuyến khích nàng không nên nuôi con bằng sữa mẹ vì mục đích giữ dáng. Bạn của cô ấy từng sinh 5 đứa trẻ luôn đưa ra những lời khuyên và bắt cô ấy nghe theo vì “tớ nhiều kinh nghiệm hơn”. Ngay cả mẹ chồng cũng muốn can thiệp trong việc nuôi con của hai bạn.
Người phụ nữ sau sinh vốn phải chịu rất nhiều áp lực bởi quá nhiều ý kiến từ những người xung quanh. Đó là lí do khiến cô ấy trở nên phòng thủ để bảo vệ con mình. Bạn nên là bờ vai vững chắc cho nàng lúc này khiến nàng có thể tin tưởng để tựa vào. Giải thích cho ấy hiểu rằng mọi người chỉ là quan tâm cô ấy và đứa bé thôi. Cô ấy có thể nghe nhưng không cần làm theo, mọi quyết định vẫn là ở người mẹ vì họ biết làm thế nào để an toàn cho con mình.
Dù bực mình nhưng cô ấy không thể nổi giận với đứa bé
Cô ấy hoàn toàn hiểu rõ nguyên nhân khiến mình thiếu ngủ, xấu xí, tâm trạng thay đổi là do đứa con bé bỏng nhưng làm sao có thể trút giận lên con mình cơ chứ.
Thế là cô ấy phải trút mọi thứ lên người chồng tội nghiệp của mình thôi. Bạn nên chịu đựng và nhớ là hãy không ngừng an ủi cô ấy nhé. Giai đoạn này sẽ qua rất nhanh, đừng lo lắng.
Cô ấy không có gì để mặc
Đây là điều khiến cô ấy thất vọng nhất. Những trang phục bầu đã được vứt qua một bên, nhưng với thân hình sau sinh, cô ấy không thể chui vừa mớ quần áo thời còn son trẻ được. Ngay cả khi bạn đề nghị dắt nàng đi mua quần áo mới, cô ấy cũng sẽ từ chối thẳng thừng vì tốn kém và vì “em nhất định sẽ ốm trở lại”.
Ok, vậy thì nhiệm vụ của bạn chính là cùng cô ấy tập thể dục để lấy lại vóc dáng, kiểm soát chế độ ăn uống của nàng và nhớ là khen ngợi, khích lệ cô ấy thường xuyên nhé.
Cô ấy cần được bảo vệ
Mọi phụ nữ luôn cần được người đàn ông của mình bảo vệ, nhưng điều này sẽ còn tăng lên đáng kể bắt đầu từ khi họ trở thành một người mẹ. Cô ấy cần người chồng trở thành một rào cản an toàn để ngăn cách cô ấy với thế giới bên ngoài.
Chẳng hạn, cô ấy chưa sẵn sàng để tiếp đãi ai đó đến nhà, thì bạn không nên mời khách đến. Khi có một điều gì đó khiến nàng căng thẳng, cô ấy luôn mong bạn sẽ nói rằng: “Để anh xử lí nó”.
Cô ấy cần được nghỉ ngơi
Bất kì người mẹ nào cũng nghĩ rằng mình là một siêu nhân, có thể 3 đầu 6 tay làm hết mọi thứ. Việc ôm đồm quá nhiều việc có thể làm cô ấy quá tải và dễ trở nên cáu gắt. H
ãy yêu cầu cô ấy dành thời gian nghỉ ngơi và bạn sẽ chia sẻ việc nhà với cô ấy. Nếu nàng vẫn “ngoan cố”, hãy dịu dàng nói rằng bạn cũng chỉ muốn san sẻ trách nhiệm và bảo vệ sức khỏe cho nàng mà thôi.
Cô ấy muốn bạn biết rằng nàng yêu bạn vô cùng
Cô ấy hạnh phúc khi thấy hình ảnh bạn ngắm nhìn đứa bé đang say ngủ. Cô ấy vui khi thấy bạn thay đổi tích cực từ sau khi lên chức bố. Có thể nói, từ sau khi sinh con, cô ấy lại cảm thấy yêu bạn hơn rất nhiều.
Quả không sai khi người ta thường nói: “Một đứa trẻ ra đời có thể cứu rỗi lấy tình yêu của hai vợ chồng”. Dù không nói ra nhưng thực sự cô ấy yêu bạn vô cùng đấy.
Qua bài viết trên ta có thể thấy tâm lí của phụ nữ thay đổi chóng mặt sau khi sinh, nhưng đừng quá lo lắng, mọi thứ sẽ được cải thiện và thích ứng theo thời gian. Chỉ cần người chồng luôn dành đủ sự quan tâm cho vợ mình, cô ấy sẽ lấy lại phong độ và vui vẻ như thời son rỗi ngay thôi.