(GD&TD)- Các chuyên gia kinh tế dự báo: Tỷ giá USD trên thị trường bắt đầu có dấu hiệu căng thẳng vào những tháng cuối năm khi giá USD trên thị trường tự do cuối tuần qua tăng mạnh gần 300 đồng so với cuối tuần trước, tỷ giá USD mua vào – bán ra ở 21.220 – 21.300 đồng/USD.
Nhiều nguyên nhân khiến cho tỷ giá khó bình ổn vào cuối năm (ảnh MH) |
Trong khi đó, giá USD bán ra ở các ngân hàng giữ ổn định trên danh nghĩa ở 20.834 đồng/USD do Ngân hàng Nhà nước liên tục giữ nguyên không đổi tỷ giá liên ngân hàng ở 20.628 đồng/USD.
Mức chênh lệch giữa huy động và cho vay ngoại tệ 7 tháng đầu năm đã lên tới trên 150.000 tỷ đồng, tương đương 7,3 tỷ USD.
Chính việc chênh lệch giữa huy động và cho vay ngoại tệ tăng cao do các doanh nghiệp và vài ngân hàng đã và đang tận dụng sự chênh lệch giữa lãi suất VND và USD để thực hiện hoạt động carry trade. Đây là một hoạt động mà trong đó nhà đầu tư bán một ngoại tệ cụ thể có tỉ số lãi suất cho vay tương đối thấp và dùng số tiền thu được để mua một loại ngoại tệ khác có tỉ số lãi suất tương đối cao nhằm kiếm lời dù họ không thực sự có nhu cầu ngoại tệ để thanh toán.
Đây là nguyên nhân tạo ra nguồn cung USD ảo giúp ổn định tỷ giá trong các tháng qua (từ tháng 3 đến tháng 7) và cũng sẽ là áp lực lớn lên tỷ giá vào cuối năm.
Một trong những nguyên nhân khiến cho tỷ giá sẽ căng thẳng chính là chính sách trần tỷ giá USD của ngân hàng nhà nước trong thời gian vừa qua đã làm nảy sinh hoạt động kiếm lời từ chênh lệch lãi suất giữa đồng nội tệ và ngoại tệ. Điều này sẽ tác động rất lớn lên tỷ giá vào cuối năm nay và đầu năm sau.
Các chuyên gia kinh tế đều cho rằng nhu cầu nhập khẩu hàng hóa luôn luôn gia tăng vào những tháng cuối năm dẫn đến nhu cầu về thanh toán của doanh nghiệp tăng.
Có nhiều khả năng tín hiệu nhập siêu lớn được công bố vào những tháng cuối năm sẽ kích hoạt cú sốc tỷ giá. "Để đối phó với tình huống này, NHNN hoặc phải lựa chọn bán USD để bình ổn thị trường hoặc chấp nhận phá giá USD, hoặc kết hợp cả hai như đã làm trong giai đoạn đầu năm 2011.
Hải Minh