Những người trung niên mê tốc độ

GD&TĐ - Nói đến trượt ván, người ta thường nghĩ tới những người chơi là thanh, thiếu niên vốn rất nhanh nhẹn, linh hoạt.

Những người trung niên mê trượt ván ở Singapore. Ảnh: CNA
Những người trung niên mê trượt ván ở Singapore. Ảnh: CNA

Thế nhưng, khá nhiều người trung niên ở Singapore lại đam mê trượt ván. Họ coi đây là môn thể thao mang lại cảm giác tự do, vượt qua thử thách và giúp rèn luyện bản thân.

Sức hút của trượt ván

Khi ra tù lần thứ 6 vào năm 2008 vì các tội “liên quan đến tính khí nóng nảy” và gây phiền toái nơi công cộng, ông Erwan Supian đã chấp nhận lời thử thách về lướt ván, dù từng chế giễu một người bạn làm việc này.

Erwan đã dành 2 tháng tiếp theo để học trượt ván tại công viên. Giờ đây, khi đã 45 tuổi, ông Erwan vẫn đam mê trượt ván và đã thay đổi được bản tính nóng nảy. Quá khứ u ám được xóa bỏ và ông có những người bạn mới nhờ môn thể thao này.

Ở tuổi 58, ông Raymond Tan đã chơi trượt ván được 8 năm. Làm tiếp thị trong một công ty an ninh mạng quốc tế, ông Raymond từng chạy, đạp xe và bơi lội. Tuy nhiên, tất cả đều khiến ông chán và cảm thấy muốn thử một môn thể thao mới khó hơn.

Sau nhiều lần tập luyện, nỗ lực không ngừng và tự động viên bản thân, năm 2015, ông Raymond đến Hà Lan tham dự cuộc thi trượt ván với mục đích học hỏi. Ông cho rằng “cách đơn giản nhất” để cải thiện kỹ năng của mình là thi đấu dù chỉ là người nghiệp dư.

Ông Raymond đã trượt ván 200km trong vòng 24 giờ và lọt vào top 3 trong hạng mục dành cho người trên 50 tuổi. Trở lại Singapore, ông trượt ván từ nhà đến văn phòng của mình để tranh thủ tập luyện.

Một người cao tuổi mê trượt ván khác là ông Danny Chong. Tuy đã 62 tuổi, nhưng ông Chong không chọn địa hình “dễ thở” để trượt ván mà len lỏi vào đám đông dù mới tham gia môn thể thao này được 8 tháng.

Ban đầu, ông Chong rất do dự khi học cùng con gái lớn và cô luôn lo bố bị ngã gãy xương. Sau đó, ông luyện tập trên ván trượt của con, di chuyển chậm rãi dọc theo hành lang bên ngoài nhà mình và bám 2 tay vào tường.

Một tuần sau đó, ông đã mua chiếc ván dài hơn và tiếp tục luyện tập bằng cách xem video trên YouTube. Dần dần, ông ngày càng say mê và… “phát cuồng về nó”.

Ông Erwan Supian tin rằng, trượt ván và cộng đồng đã giúp ông không phải vào tù. Ảnh: CNA
Ông Erwan Supian tin rằng, trượt ván và cộng đồng đã giúp ông không phải vào tù. Ảnh: CNA

Vượt qua sợ hãi và rào cản

Đối với những người trượt ván trung niên khác, việc nhặt tấm ván lên được coi là hành động tôn kính đối với sự nổi loạn bên trong của họ.

Với vóc dáng nhỏ nhắn và giọng nói nhẹ nhàng, bà Wan Su Sin, 54 tuổi cho biết: “Vào thời của tôi, các cô gái không được phép trượt ván, nó được xem là dành cho dân xã hội đen và những người không thể học hành. Bố mẹ tôi đều là giáo viên nên rất nghiêm khắc. Tuy nhiên, đây là một trong những hoạt động mà tôi muốn thử”.

Con gái bà Wan Su Sin cũng học lướt ván trong năm nay và bà đã bước lên chiếc ván của con để thử. Sau vài lần, bà Wan Su Sin quyết định học với một huấn luyện viên. “Tuổi tác không phải là rào cản, không phải là giới hạn cho bất cứ điều gì bạn muốn làm”, bà Wan Su Sin nói.

Nhà tâm lý học Neo Eng Chuan cũng nhớ lại mình từng là một kẻ nổi loạn khi còn nhỏ bằng cách tiếp tục lái xe máy bất chấp sự phản đối của cha mẹ. Ông ngừng cưỡi ngựa vào đầu những năm 20 tuổi theo mong muốn của cha mình, nhưng khi chuyển đến Úc học lúc gần 30 tuổi ông lại tiếp tục môn thể thao này.

Hiện nay, ông chạy xe 1.300 phân khối, đam mê những gì “liên quan đến tốc độ và mạo hiểm”, đồng thời tự nhận mình là “người thích phiêu lưu”. Sau 2 thập kỷ phục vụ trong hải quân Singapore, ông thành lập công ty tư nhân khi ngoài 40 tuổi. Tinh thần phiêu lưu này, cùng với một chút may rủi, đã khiến người đàn ông 57 tuổi đến với môn trượt ván được hơn 8 tháng.

Ông Chong, người từng ngã ít nhất 5 lần, đã trang bị cho mình đồ bảo vệ và không chấp nhận thất bại. “Điều quan trọng là tự do. Tôi chỉ muốn nhấc tấm ván của mình lên và đi”, ông Chong nói về sức hút của việc trượt ván.

Trong khi đó, bà Wan Su Sin đã vượt qua nỗi sợ hãi của mình bằng cách bám vào đường ray có mái che tại trung tâm thể thao, nơi thường tổ chức các buổi học trượt ván.

“Tôi cảm thấy an toàn hơn, bởi vì những người đến đây đều là huấn luyện viên hoặc học viên. Nếu bạn ngã, sẽ có người đến đỡ bạn”, bà Wan Su Sin chia sẻ, “Sợ ngã là có thật, nhưng tôi khuyên, cứ ngã thôi. Chỉ cần chuẩn bị cho mình đồ bảo vệ, thiết bị và đảm bảo rằng bạn không bị đập đầu”.

Bà Wan Su Sin cho rằng, tuổi tác không phải là một rào cản cho điều muốn làm. Ảnh: CNA
Bà Wan Su Sin cho rằng, tuổi tác không phải là một rào cản cho điều muốn làm. Ảnh: CNA

Những lợi ích

Nỗi sợ bị ngã không vượt qua được sự hấp dẫn của việc lướt đi trên đường, một số vận động viên trượt ván mô tả cảm giác vượt xa sự thích thú đơn thuần.

Nhà tâm lý học Neo Eng Chuan cho biết, ông có trải nghiệm vượt qua chính mình khi trượt ván. “Đó là cảm giác không bị ràng buộc bởi những gì mình có thể làm”. Ông cho biết đã nhận ra rằng vật lý trị liệu và trượt ván có tác dụng giống nhau là buộc cơ thể phải làm điều gì đó mới mẻ.

Theo ông, trượt ván giúp não linh hoạt hơn. “Khi bạn cố gắng học được một điều gì đó hoàn toàn mới và thực sự khác thường đối với bộ não của mình, bạn đã tạo tiền đề để có thể học những điều khác nữa. Nó khiến bạn dễ thích nghi hơn trong suy nghĩ và dạy bạn cách học và học lại”, ông Neo chia sẻ.

Theo CNA

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ