Những người thầy đầu tiên ở miền núi Quảng Nam sau giải phóng

GD&TĐ - Nhắc đến giáo dục miền núi tỉnh Quảng Nam trong thời kỳ kháng chiến và sau những ngày đầu đất nước giải phóng, đến bây giờ, nhiều cán bộ, giáo viên ngành GD-ĐT Quảng Nam vẫn thường nhớ về những người giáo viên thế hệ đầu tiên ở miền núi xứ Quảng. 

Những người thầy đầu tiên ở miền núi Quảng Nam sau giải phóng

Trong cuộc sống đời thường hôm nay, những người thầy giáo năm xưa vẫn tích cực góp sức giữ yên bình, ấm no, hạnh phúc cho bà con dân bản, xây dựng quê hương. Họ được ví như những cây đại thụ che chở núi rừng, là niềm tự hào của bà con dân bản, là hình tượng sống của lớp trẻ nơi núi rừng heo hút này.

Những hành trình thầm lặng

Hơn 40 năm cống hiến cho ngành Giáo dục miền núi tỉnh Quảng Nam cũng chừng đó năm ông âm thầm lặn lộn khắp các bản làng vùng sâu, vùng xa tìm hiểu, ghi chép rồi phiên âm lại tiếng Cơ Tu bằng tiếng phổ thông phục vụ cho công tác giáo dục. Nghỉ hưu hơn 15 năm nay nhưng ông vẫn tiếp tục nghiên cứu, tìm tòi để biên soạn các chương trình phục vụ công tác dạy tiếng Cơ Tu cho các thế hệ đội ngũ giáo viên, cán bộ viên chức lực lượng an ninh đã và đang công tác tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số huyện miền núi Nam Giang, tỉnh Quảng Nam. Ông là nhà giáo A Lăng Nhơm, hiện nay đang sống tại thị trấn Thạnh Mỹ, huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam.

Nhà giáo A Lăng Nhơm kể: Năm 1968, ông bắt đầu đặt chân vào làm công tác giáo dục ở huyện miền núi Hiên Giằng (nay là huyện Nam Giang, Đông Giang, Tây Giang của tỉnh Quảng Nam). Trong thời gian đó, ông đã nhận thức được việc bảo tồn, nghiên cứu và thực hiện phiên âm tiếng Cơ Tu không chỉ nhằm phục vụ cho hoạt động giáo dục, mà còn phục vụ công tác tuyên truyền, đấu tranh cách mạng.

Đến khi được phân công về Phòng GD&ĐT huyện Nam Giang công tác, ông càng nhận thấy tầm quan trọng của việc thực hiện phiên âm tiếng Cơ Tu; chính vì vậy, ông đã tích cực tham mưu với chính quyền huyện thực hiện, tuy nhiên do không có kinh phí nên không thể triển khai được. Trước tình hình đó, ông tiếp tục âm thầm mày mò nghiên cứu, với niềm tin “có công mài sắt, có ngày nên kim”. Kết quả, ông đã biên soạn được bộ tài liệu phiên âm từ vựng tiếng Cơ Tu đưa vào phục vụ giảng dạy, bồi dưỡng cho đội ngũ giáo viên, cán bộ địa phương trong nhiều năm.

Nhà giáo A Lăng Nhơm chia sẻ: Bộ tài liệu phiên âm tiếng Cơ Tu đưa vào giảng dạy, bồi dưỡng cho đội ngũ giáo viên, cán bộ được đánh giá là khá hoàn chỉnh và đã mang lại nhiều hiệu quả thiết thực; là một trong những giải pháp mang tính căn cơ để phát triển giáo dục miền núi, giáo dục dân tộc tỉnh Quảng Nam, cũng như thực hiện bảo tồn, phát huy các giá trị truyền thống dân tộc của người Cơ Tu.

Giữ gìn, phát huy phẩm chất người giáo viên nhân dân

Già làng Blúp Dứ ở thôn Đắc ốc (xã La Dêê) là người có uy tín nhất trong thôn, bản mà còn là nhân chứng sống về sự nghiệp giáo dục của đồng bào vùng biên. Blúp Dứ sinh ra và lớn lên tại thôn Đắc Ốc, mẹ mất khi ông mới vừa chào đời 6 tháng. Lên 5 tuổi, cha cũng đột ngột qua đời, ông sống với chị họ. Năm 1966, ông được bộ đội dưới xuôi lên dạy cho cái chữ và giáo dục truyền thống yêu nước, đánh đuổi giặc ngoại xâm. Hồi đó, vùng rừng núi La Dêê này là khu căn cứ cách mạng, bà con một lòng theo Bác Hồ chống Mỹ.

Khác với nhiều đứa trẻ vùng cao khác, Blúp Dứ rất sáng dạ nên học cái chữ, rồi dạy lại cho bà con dân bản. Có lẽ ông là người đồng bào dân tộc thiểu số đầu tiên làm thầy giáo dạy chữ cho đồng bào nơi vùng biên giới này. Ông nhớ lại: “Hồi đó việc dạy học khó khăn vô cùng, không có viết, vở, chúng tôi phải dùng nứa vót nhọn 1 đầu làm ngòi bút, lấy than củi và nhựa cây rừng làm mực, còn vở thì dùng ống nứa cán mỏng ra. Vừa dạy chữ, chúng tôi vừa tham gia tải đạn, lương thực phục vụ bộ đội đánh Mỹ. Trải qua không biết bao nhiêu mùa rẫy, lớp lớp học trò của chúng tôi đọc thông, viết thạo cái chữ, hiểu được chủ trương của cấp trên, dốc sức mình phục vụ chiến trường đánh giặc cứu nước. Lứa học trò ngày xưa ấy bây giờ thành tài, nhiều người là kỹ sư, bác sĩ, lãnh đạo chủ chốt ở huyện Nam Giang”.

Trong cuộc sống đời thường, nhà giáo Blúp Dứ được bà con kính trọng, bởi ở tuổi 70, ông vẫn hăng hái lao động sản xuất, thường xuyên hướng dẫn bà con cách chăn nuôi, trồng lúa nước, trồng rừng để phát triển kinh tế gia đình. Ông chính là người có công lớn trong việc vận động thành lập Câu lạc bộ không sinh con thứ 3 ở thôn Đắc Ốc, xóa bỏ dần các hủ tục lạc hậu như: Tục thách nước, Tục ma chay tốn kém, các nghi lễ cúng ăn uống kéo dài… Bằng uy tín và cách thuyết phục có tình, có lý của mình, Blúp Dứ từng bước xóa bỏ tục lệ bắt phạt trai gái “ăn cơm trước kẻng”, hay chuyện xa lánh gia đình có trẻ con tử vong khi sinh nở.

Với uy tín của mình, nhà giáo Blúp Dứ được bầu làm già làng, có nhiệm vụ tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước đến với người dân. Bất cứ chuyện lớn, chuyện nhỏ gì xảy ra trong thôn, bản hễ có Blúp Dứ đứng ra giải quyết là ổn thỏa tất cả. Blúp Dứ khiêm tốn nói: “Ngày xưa già có “một chữ” cũng làm thầy. Bây giờ cái uy tín ấy vẫn còn nguyên giá trị, vậy nên được Bộ đội biên phòng động viên, già đứng ra gánh vác việc xã hội. Công việc của già làng không lương nhưng được cái là bà con tín nhiệm nên phải dốc sức hoàn thành nhiệm vụ”.

Cuộc sống người dân trên dải đất vùng biên giới đang còn nhiều gian khó, gian khổ, song với ý chí không khuất phục trước đói nghèo, lạc hậu. Những thế hệ đi trước như già làng, nhà giáo Blúp Dứ, A Lăng Nhơm không chỉ là những người tiên phong cầm súng đánh giặc, dạy cái chữ cho đồng bào mình, mà còn dẫn dắt thế hệ đi sau vươn lên bằng nghị lực của chính mình, xóa bỏ các tập tục lạc hâu, tiếp thu văn hóa hiện đại, học hỏi những cách làm giàu chính đáng ngay trên mảnh đất quê hương mình.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ