(GD&TĐ) - Là nghề nặng nhọc, nhớp nhúa và không kém phần nguy hiểm, thế nhưng gần nửa thế kỷ qua, nghề này trở thành bát cơm sinh nhai của hàng chục, thậm chí hàng trăm chị em phụ nữ nơi đây. Nghề của họ gắn liền họ gần 50 năm qua trên ngôi chợ heo lớn nhất nhì của Việt Nam, chợ heo Bà Rén, án ngữ ngay trên Quốc lộ 1A, qua xã Quế Xuân 1, huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam.
“Ai về Bà Rén ghé chợ heo,
Vui tai, bắt mắt, chuyện tầm phèo;
Heo ré, người xung vung bao chuyện,
Trưa tan buổi chợ, đã lèo nhèo”
Một lần về với Quảng Nam quá bộ đến chợ heo Bà Rén vào buổi sáng ai cũng sẽ được lắng nghe những câu hát vui mãi không quên do chị em tiểu thương truyền tai nhau về cái nghề duy nhất và chỉ có một ở Việt Nam...
Ngôi chợ lớn nhất nhì và cũng có một không hai cả nước nằm bên dòng sông Thu Bồn hiền hòa, án ngữ ngay trên Quốc lộ 1A.
Bà Nguyễn Thị Lang (45 tuổi) quê xã Quế Xuân 1, huyện Quế Sơn tâm sự: “Làm cái nghề ni phải dậy từ 4h sáng.
Nghề này nặng nhọc, vất vả và cũng không kém phần nguy hiềm |
Chợ họp hàng ngày từ 6 giờ sáng, nhưng trước đó, 5 giờ đã có những chị em làm nghề lao công, tạp vụ để khiêng rọ heo, bàn ghế, chuẩn bị rơm nước, dọn dẹp vệ sinh sạch sẽ để sẵn sàng mở cửa. Chợ đông vui và sầm uất nhất từ tầm 6 giờ đến 10 giờ. Vào thời điểm đó, những chuyến xe chở những rọ heo tấp nập tập kết về để chuẩn bị làm “thủ tục xuất cảnh” lên xe tải ra Bắc vào Nam.
Ngôi chợ hiện nay có khoảng chục chị em bám níu cái nghề nặng nhọc, vất vả và hiểm nguy này. So 5 - 10 năm trước thì số lượng có giảm sút đi một nửa. Trước đây, chợ heo Bà Rén có hẳn một đội quân “chuyên nghiệp” hành nghề khuân vác và bồng heo “chính quy”. Người lớn nhất cũng có thâm niên hơn 20 năm như cụ Lê Thị Liên (73 tuổi), ít nhất cũng đã hơn 5 năm trong nghề như chị Thu (35 tuổi). Họ là những người phụ nữ nghèo “chân lấm tay bùn” của địa phương hoặc đến từ các vùng nông thôn phụ cận. Nhiều nhất phải kể là huyện Quế Sơn, tiếp đó là Thăng Bình, Duy Xuyên.
Cụ Lê Thị Liên nói: “Nghe nói nghề “ẵm” heo ai cũng nghĩ là dễ như “ẵm” cháu, bồng con ở nhà. Nhưng heo và người khác nhau. Rồi cả nguy cơ sức khỏe bị đe dọa. Làm việc này, mùi phân heo luôn xông vào tận mũi, chị em hầu nghe không được bảo hộ lao động. Vào mùa mưa, chợ so với đường ẩm thấp nên nước chảy lềnh bềnh, phải lội nước, phân heo trôi nổi, chị em phải cùng chung số phận giẫm đạp lên để mưu sinh. Trời nắng, mồ hôi người nhễ nhại, mùi khét của phân heo và bao nhiêu thứ hôi hám… cũng phải ráng chịu và nó cứ xông thẳng vào tận mũi. Làm riết cũng quen mùi rồi nên không sao”.
Ông Phạm Cư, Quản lý chợ heo Bà Rén cung cấp: “Đây là chợ heo đầu mối nổi tiếng cả nước. Mỗi ngày có đến hàng trăm, thậm chí hàng ngàn con heo giống được tập kết về, lần lượt được chị em khuân vác, “ẵm” bồng lên xe đi khắp mọi miền. Và cũng chưa có một chợ heo nào náo nhịp và sầm uất như đây. Điều độc đáo làm nên nét riêng cho chợ heo Bà Rén là có hình ảnh những chị em làm nghề này và cũng chẳng khác gì những nữ cửu vạn mà chúng ta thường thấy ở vùng biên, vùng than…”.
Cụ Lê Thị Liên (73 tuổi), người một đời bám trụ với chợ heo kể sự: “Tui không nhớ rõ chính xác là ngôi chợ xây năm mô chỉ biết là trước ngày đất nước thống nhất chừng chục năm. Ngày ấy, ngôi chợ không được như ri mô mà chỉ là một bãi đất trống nằm ở trung tâm, giáp ranh sông Thu Bồn, đường lộ 1A và ngôi chợ lâu năm. Những người lập ra chợ là những phận nữ “chân yếu lá mềm”. Cũng ngày ấy, chợ heo không hoạt động thường nhật ngày qua ngày mà thi thoảng mới họp. Chợ vẫn hoạt động giờ cố định như ngày nay. Rồi dần dà, do nhu cầu, cũng bắt đầu họp định kỳ ngày ngày… Giờ nghĩ lại ngôi chợ cũng đã có gần ngót 50 năm.”
Chính vì chỉ hoạt động vào buổi sáng với giờ giấc ổn định và dường như dành cho chị em phụ nữ nên nhiều người hay gọi đây là “chợ phiên” buổi sáng dành cho… phận nữ “độc nhất vô nhị”.
Nhuận Phẩm