Những người kiến tạo học tập ở Lý Sơn (Quảng Ngãi)

GD&TĐ - Đằng sau kết quả vượt trội của học sinh trên đảo Lý Sơn là định hướng, nhiệt huyết, trách nhiệm của nhà trường và nhiều thế hệ thầy cô giáo.

Thầy giáo Mai Trạm Anh dành trọn tâm huyết cho thế hệ học sinh trên đảo
Thầy giáo Mai Trạm Anh dành trọn tâm huyết cho thế hệ học sinh trên đảo

Người thầy của điểm 10 Lịch sử

Tại Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023, hai gương mặt là Nguyễn Thị Ngọc Ánh - thủ khoa khối C tỉnh Quảng Ngãi và Trần Trung Hội - thí sinh có điểm thi khối C00 cao nhất tại địa bàn Quân khu 5 trúng tuyển vào Học viện Biên phòng đã làm nên bất ngờ cho đất đảo Lý Sơn.

Khi được hỏi về phương pháp đạt điểm cao tại kỳ thi, hai em đều nói rằng nhờ vận dụng tốt phương pháp ôn tập của thầy cô. Thêm sự trùng hợp, người kiến tạo nên kỳ tích này chính là thầy Mai Trạm Anh - Trường THPT Lý Sơn.

Thầy Anh chia sẻ: Hội và Ánh không phải là 2 học sinh đạt điểm 10 đầu tiên của Trường THPT Lý Sơn. Trước đó, Mai Tiến Dũng (một học trò của thầy Anh) cũng xuất sắc đạt số điểm tuyệt đối môn Lịch sử tại Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022. “Luyện thi khối C là công việc tôi làm 20 năm nay, nhưng phải sau thời gian bồi dưỡng học sinh giỏi cấp tỉnh cách đây 5, 6 năm mới xuất hiện những gương mặt nổi trội”, thầy Anh cho biết.

Theo thầy Anh, hiệu quả việc học nằm ở thái độ, tức là học sinh phải thích học - đây là điều kiện tiên quyết rồi mới đi đến phương pháp của người thầy. Tiếp đó, hướng dẫn học bằng sơ đồ tư duy để các em hệ thống logic hoặc tìm ra cách học nào nhanh thuộc, dễ hiểu, nhớ lâu; cuối cùng là cung cấp kiến thức trọng tâm. Do đó thầy giáo phải nắm bắt được cấu trúc đề thi của Bộ GD&ĐT để có cách ôn thi phù hợp.

“Sự nhiệt tình của người thầy cộng tinh thần chịu khó học tập của trò sẽ trở thành chìa khoá để thành công. Ngoài ra, việc học hiểu cần ưu tiên nhất. Từ hiểu bài các em sẽ giải quyết được các vấn đề. Nếu học sinh chỉ học thuộc máy móc thì không cách nào vận dụng được kiến thức vào làm bài”, thầy Anh nhấn mạnh.

Để tìm được phương pháp tối ưu cho học sinh, thầy Anh tốn khá nhiều thời gian. Trước đây, thầy cô dạy theo kiểu tự luận, những năm gần đây chuyển qua phương thức thi trắc nghiệm nên đòi hỏi phải thay đổi để tiếp cận, cập nhật liên tục kiến thức, phương pháp... “Thời gian giải đề được tôi ưu tiên nhiều nhất. Chẳng hạn trong mỗi buổi dạy, ngoài kiến thức cơ bản, học sinh phải ôn và làm được bài tập ở những bài học trước. Tiếp đến mở rộng, nâng cao làm bài tập theo chương rồi mới ôn luyện đề...”, thầy Anh chia sẻ.

Từ kinh nghiệm tích lũy, thầy Anh đúc kết: Điều quan trọng nhất phải thổi hồn cho môn học, vì cùng với sự phát triển của xã hội, việc hướng học sinh, thậm chí phụ huynh cho con theo khối C rất khó. Do đó đòi hỏi giáo viên phải nhiệt huyết đam mê, từ đó có phương pháp phù hợp dễ hiểu, dễ nhớ, sau đó mới đến kiến thức trọng tâm (ưu tiên sách giáo khoa làm chuẩn).

Thầy Nguyễn Điển cống hiến 36 năm cho sự nghiệp trồng người nơi đảo xa.

Thầy Nguyễn Điển cống hiến 36 năm cho sự nghiệp trồng người nơi đảo xa.

Thầy giáo Mai Trạm Anh.

Thầy giáo Mai Trạm Anh.

Thanh xuân cho nghề, tình yêu cho đảo

Với thành tích cao tại Kỳ thi tốt nghiệp THPT, đặc biệt nhiều năm gần đây, Trường THPT Lý Sơn ghi nhận tỷ lệ đỗ tốt nghiệp đạt 100% đã chứng tỏ những người chèo lái con thuyền đưa thế hệ trẻ đến bến bờ tri thức đúng hướng. Đáng mừng hơn, khi Lý Sơn đã và đang chào đón nhiều người con đất đảo trở về cống hiến cho quê hương như thầy Mai Trạm Anh.

Để đi tìm gốc rễ sự thành công đó, không thể không nhắc đến những người có công đặt viên gạch tri thức đầu tiên. Thuộc thế hệ đầu tiên của Trường THPT Lý Sơn, thầy Nguyễn Điển (59 tuổi) - giáo viên Ngữ Văn, sắp tròn 36 năm gắn bó với hòn đảo yên bình. Thầy giáo Mai Trạm Anh cũng là học trò của thầy Điển.

Chia sẻ về thành tích của học sinh Lý Sơn những năm gần đây, thầy Điển nói không bất ngờ. Theo thầy, từ lúc bén duyên với hòn đảo đã nhận ra người Lý Sơn rất hiếu học và dự đoán thành quả sẽ đến sớm với mảnh đất này.

“Ngoài hiếu học, phụ huynh nơi đây rất trân trọng giáo viên, nhà trường. Điều đó làm chúng tôi thấy phải có trách nhiệm hơn với nghề nghiệp, học trò”, thầy Điển nói và chia sẻ thêm về phương pháp luyện trò giỏi là luôn yêu cầu học sinh phải “đúng trước hay sau”. Theo đó, khi tiếp cận một đề bài, học sinh đừng viết liền một đoạn hay bài văn mà cần nghĩ đến việc lập dàn ý đại cương gồm luận điểm, luận cứ. Khi viết theo đề cương trên sẽ có một bài văn hay. Sau đó mới chỉnh sửa cách diễn đạt, dùng từ trên tư duy chuyển đoạn...

Đến với Lý Sơn từ năm 1988, thầy Điển trở thành người có kinh nghiệm nhất trường trong công tác bồi dưỡng học sinh giỏi cấp tỉnh. Theo thầy Điển, việc nhà trường lên kế hoạch cụ thể trong công tác tuyển chọn học sinh tham gia đội tuyển học sinh giỏi nên những năm gần đây đã có kết quả rõ rệt.

Nhiều năm qua, từ đầu năm học, trường xây dựng kế hoạch cho từng mục tiêu. Đối với ôn tập, bồi dưỡng học sinh giỏi, nhà trường chỉ đạo tổ chức chuyên môn và giao giáo viên xây dựng kế hoạch theo hướng tự chủ. Nghĩa là giáo viên bộ môn tự chọn học sinh để bồi dưỡng sau khi có kết quả học sinh giỏi cấp trường; chủ động nghiên cứu tài liệu cũng như thời gian bồi dưỡng. Trường cũng có phần thưởng xứng đáng để khích lệ, ghi nhận nỗ lực của giáo viên, học sinh đạt kết quả cao. - Thầy Huỳnh Văn Long (Hiệu trưởng Trường THPT Lý Sơn)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ