Nỗi đau rừng bị xẻ thịt
Theo các nhà chuyên môn ở khu bảo tồn thiên nhiên (BTTN), Thượng Tiến có trên một ngàn loài thực vật của hơn 70 họ và có đến hơn 300 loài động vật sinh sống. Vào ngày trời quang mây tạnh, đứng trên đỉnh cốt K có độ cao 1.037m so với mực nước biển, chúng ta có thể phóng tầm mắt nhìn về phía Tây bắc là đất Mường Thàng, phía Nam và Đông nam là Mường Động, Mường Vang.
Màu xanh đã trở lại với khu bảo tồn thiên nhiên Thượng Tiến |
Sau một ngày cùng các anh ở ban quản lý khu BTTN Thượng Tiến vào xóm Vay, xóm Khú bằng những chiếc xe máy cài số thấp bò ngược theo con dốc thẳng đứng để vào vùng lõi khu bảo tồn, chúng tôi quay ra thăm phân khu phục hồi sinh thái I. Anh Bùi Văn Phúc bí thư chi đoàn Ban quản lý, khu BTTN tâm sự: “Cuối năm 2000, chúng tôi đến rừng Thượng Tiến, nhà nào cũng thấy gỗ xẻ tấm xếp ở vườn, ở đầu nhà, nằm chềnh ềnh ở ngõ chờ khách đến mua. Mỗi ngày có đến hàng trăm lượt người từ khắp mọi nơi với dao, búa, rìu, cưa xẻ... túa vào rừng Thượng Tiến!”
Ngày đó lúc nào cũng có súng nổ và những con thú vô tội bị khiêng về xẻ thịt. Mỗi tháng xảy ra gần trăm vụ xâm phạm Lâm luật, theo sau là hàng trăm cây gỗ bị đốn không thương tiếc. Người vào rừng đông như đi làm đồng. Cây to chặt xẻ ván để bán, cây vừa vừa đốn xuống cắt khúc chẻ thành củi gánh ra ngoài đường. Rừng gần mất trước, nơi khó vào hay hiểm trở bị phá sau. Gỗ, nứa, giang, lâm sản phụ... thôi thì tất tật những gì của trời, của rừng lấy được là làm tuốt. Song song với chặt cây, đốn gỗ là nạn đốt nương làm rẫy. Rừng mỗi ngày một xơ xác, tan hoang.
Trắng đêm giữ rừng
Trước tình hình cấp bách và nghiêm trọng như vậy, Đảng, chính quyền địa phương và Ban quản lý khu BTTN Thượng Tiến đã phải thức trắng nhiều đêm tìm kế sách.
Những kiểm lâm viên đã về với rừng Thượng Tiến. Tám con người trong sắc phục áo xanh rêu là nòng cốt, là những người chủ lực bảo vệ khu BTTN vô giá này. Bên cạnh các anh có thêm lực lượng bảo vệ đông tới gần 50 người của ba xã Thượng Tiến, Kim Tiến, Quí Hòa. Mấy năm trời các anh lăn lộn xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ rừng. Những cuộc họp với xóm bản thâu đêm. Những bản ký cam kết với các tổ chức đoàn thể, với chính quyền và ban quản lý về việc bảo vệ rừng. Bàn chân các anh đã ngàn ngày không biết mỏi đến với 9 thôn bản cách xa trụ sở ban quản lý hàng chục cây số để tuyên truyền vận động nhân dân tham gia bảo vệ rừng...
Công các anh đã không uổng. Nhân dân các dân tộc ở Thượng Tiến, Kim Tiến, Quí Hòa đã hiểu cái giá của sự mất rừng. Họ đã biết bảo vệ rừng là bảo vệ môi trường sinh thái, bảo vệ sự sống của chính mình, bảo vệ tài sản của quốc gia. Nhờ vậy mà từ năm 2008 đến nay, số vụ xâm phạm lâm luật đã giảm tới 80%. Có nhiều người nông dân mấy năm trước còn là thủ phạm phá rừng thì nay họ là những người tích cực bảo vệ rừng.
Mỗi xóm có một tổ bảo vệ rừng từ 5 - 7 người. Riêng xã Thượng Tiến có hẳn một đội cơ động dưới sự điều hành của đồng chí Chủ tịch xã Đinh Quang Hợp.
Rừng xanh trở lại
Bà con trong vùng đệm của khu BTTN Thượng Tiến nay đã có hơn 400 ha luồng bán măng, bán cây lấy tiền mua sắm các đồ dùng trong nhà. Cuộc sống của hàng trăm gia đình đã thoát nghèo và dần dần có tích lũy. Cụ Bùi Văn Ưng hơn 70 tuổi ở xóm Khú nói với tôi: “Rừng của nhà nước cũng là rừng của mình thôi. Cha ông mình, đời mình phá nhiều rồi. Mất rừng là mất hết, khổ lắm”. Hơn mười năm trời cán bộ nhân viên khu BTTN Thượng Tiến đã lấy dân làm gốc, lấy chính quyền làm điểm tựa để thực hiện nhiệm vụ của mình. Vì vậy, 4.222 ha rừng không bị tàn phá trong đó có 3.853 ha rừng tự nhiên, 368 ha rừng trồng. Thực hiện khoanh nuôi, tái sinh các mức độ được hơn 700 ha và phối hợp với các đơn vị khác cho nhân dân trồng rừng mới được hơn 400 ha…
Anh Ngô Văn Quí - Giám đốc khu BTTN Thượng Tiến khẳng định: “Rừng đã bình yên, cây xanh đang vươn bóng dưới bầu trời, chim, thú đã quay về. Trách nhiệm và tình yêu rừng của những người dân, của lực lượng kiểm lâm ở đây đã làm nên những thành quả khó tính được bằng tiền”.
Phạm Huy Định