Những ngọn núi được khắc trên Cửu đỉnh Huế

GD&TĐ - Các địa danh có những ngọn núi mang ý nghĩa đặc biệt đối với triều Nguyễn, bởi vậy ở mỗi Cửu đỉnh, có một ngọn núi được chọn để khắc lên.

Cửu đỉnh do vua Minh Mạng ra lệnh đúc vào năm 1835.
Cửu đỉnh do vua Minh Mạng ra lệnh đúc vào năm 1835.

Cửu đỉnh được xếp theo thứ tự: Cao đỉnh, Nhân đỉnh, Chương đỉnh, Anh đỉnh, Nghị đỉnh, Thuần đỉnh, Tuyên đỉnh, Dụ đỉnh và Huyền đỉnh. Trên thân mỗi đỉnh đúc nổi 17 bức hoạ tiết và 1 bức hoạ thư với ý tưởng thể hiện sự chính thống, trường tồn của triều đại.

“Núi Tổ” nhà Nguyễn

Theo Hồ sơ di sản - Cục Di sản văn hóa: Tháng 10 âm lịch năm 1835, khi ban chỉ dụ sai đúc Cửu đỉnh, vua Minh Mạng căn dặn bộ Công: “Nay đúc đỉnh, khắc các hình tượng sông, núi và mọi vật cũng không cần phải khắc đủ cả, duy phải khắc rõ tên, hiệu và xứ sở để tiện nhận xét. Đó là cái ý người xưa vẽ hình mọi vật”.

Dụ của vua Minh Mạng có lẽ là lời giải thích cho câu hỏi vì sao một số ngọn núi thiêng bậc nhất Việt Nam lại không có tên trong danh sách 9 ngọn núi trên Cửu đỉnh Huế.

Ngọn núi đầu tiên được chọn là Thiên Tôn Sơn khắc ở Cao đỉnh. Núi Thiên Tôn nằm ở phía Tây Bắc huyện Tống Sơn (Hà Trung – Thanh Hoá). Trong vùng núi có Gia Miêu ngoại trang - nguyên quán của dòng họ Nguyễn Phúc, có lăng Triệu tổ Nguyễn Kim nhà Nguyễn, thế nên Thiên Tôn Sơn còn được gọi là “núi Tổ”.

Theo nghiên cứu của các nhà khoa học, mạch núi Thiên Tôn chạy dài từ huyện Thạch Thành như chuỗi ngọc kéo xuống, rồi nổi lên 12 ngọn liền nhau. Ở phía Đông Bắc có dãy Tam Điệp, rồi đến núi Thần Phù chạy dài ở phía trái.

Năm Minh Mạng thứ 2 (1821), vua dụ rằng: “Nước nhà ta gây dựng nghiệp lớn, giữ mệnh trời lâu dài. Kính nghĩ lăng tổ khí thiêng chung đúc, chứa chất phúc lành, phong thần núi hiệu là Thiên Tôn, đều làm đền thờ để đáp ơn thần”.

Ngọn núi thứ hai là Ngự Bình ở Thừa Thiên - Huế chạm trên Nhân đỉnh. Núi nổi giữa thế đất bằng phẳng giống bức bình phong, cao trên trăm mét, được xem là tặng vật trời ban để làm lớp án thứ nhất trấn giữ trước Kinh thành Huế.

Đời Gia Long khi xây dựng kinh thành, vua lên núi thấy đỉnh bằng phẳng, hình dáng uy nghi, cân đối nên cho tên núi là Ngự Bình. Sau này, vua Minh Mạng và Thiệu Trị cũng lên núi chơi, cho bá quan theo hầu dự yến, ngự soạn thơ vịnh.

Ngọn núi thứ ba là Thương Sơn khắc trên Chương đỉnh. Núi ở phía Nam huyện Hương Trà có hình thế trông như vựa thóc. Tương truyền trên núi có giếng ngọc dành cho tiên xuống tắm. Các nhà địa lý xưa xem Thương Sơn là ngọn núi chủ của hệ sơn mạch xứ Huế.

Khắc danh sơn, tế thần núi

Theo Hồ sơ di sản, Cửu đỉnh là chín cái đỉnh bằng đồng đặt ở trước sân Thế miếu trong Hoàng thành Huế. Cửu Đỉnh do vua Minh Mạng ra lệnh đúc vào mùa đông năm 1835, khánh thành vào 1837. Giữa tháng 6/2021, Trung tâm Di tích cố đô Huế đã hoàn thiện hồ sơ gửi Bộ VH-TT&DL xem xét trước khi đệ trình UNESCO công nhận Cửu đỉnh là di sản tư liệu thế giới.

Ngọn núi thứ tư là Hồng Sơn, tức núi Hồng Lĩnh ở Hà Tĩnh khắc trên Anh đỉnh. Tương truyền trước kia, có rất nhiều chim hồng cư trú. Núi ở vị trí giữa hai huyện Can Lộc và Nghi Xuân bắt nguồn mạch từ Trà Sơn kéo đến, hình thế hùng vĩ, uy nghiêm.

Dãy núi này có 99 ngọn, trong đó có ngọn Am cao nhất mây mù bao phủ. Tiếp đến là ngọn Hương Tích hễ mây phủ là mưa. Trên núi có thành đá, trong thành có 99 đài đá, gọi là đài Trang Vương, dưới thành có am đá gọi là am Thánh Mẫu, dựng từ thời Trần.

Ngọn thứ thứ năm là Tản Viên Sơn khắc trên Thuần đỉnh. Núi ở giữa địa giới hai huyện Tùng Thiện và Bất Bạt xưa (nay thuộc Hà Nội). Núi có 3 ngọn cao chót vót, hình tròn như cái tán, trên núi có dựng đền thiêng.

Nhà bác học Lê Quý Đôn từng viết rằng, núi Tản Viên ở địa giới các huyện Bất Bạt và Minh Nghĩa (tức huyện Tùng Thiện), mạch núi từ Mường Thanh liên tiếp chạy dài, đến đây thì nổi vọt 3 ngọn thành hàng ở giữa hai sông Thao và sông Đà.

“Bắc Thành địa dư chí” ghi, núi này ở 4 mặt có sông bao bọc, cây cối um tùm, hình thế đẹp sáng, trên núi có giống cỏ kỳ lạ, có tên “vô phong độc dao” (không có gió mà cỏ vẫn lay động); thân cỏ có hai nhánh, tự chụm vào nhau và tự tách ra. Các vua nhà Nguyễn liệt Tản Viên Sơn vào hàng danh sơn, chép trong điển thờ, hàng năm sai quan sắm lễ đến tế thần núi.

Ngọn núi thứ sáu là Duệ Sơn khắc trên Tuyên đỉnh. Núi ở phía Nam huyện Hương Trà có hình nhọn, dáng đẹp, phía Đông núi gối đầu lên sông Tả Trạch. Duệ Sơn được coi là vị thần trấn giữ phía đầu nguồn sông Hương, làm án che chở cho vùng đất tọa lạc Văn Miếu và Võ Miếu.

Ngọn núi thứ bảy là Đại Lĩnh - ranh giới giữa Phú Yên và Khánh Hòa. Theo sách “Đại Nam dư địa chí ước biên” do Cao Xuân Dục ghi: “Đại Lãnh là ngọn núi nổi tiếng. Cực Nam vốn không có địa giới, sách Đường thư chép có cột đồng Mã Viện ở đó là sai. Đông đầu lại có hình người, vua Lê Thánh Tông khắc dấu biên cương lên bia đá. Mạch núi Đại Lãnh từ núi Chủ (Chủ Sơn) tới, phía Đông giáp biển, phía Nam có suối lớn...”.

Đây là một trong những nhánh núi của dãy Trường Sơn đâm ra biển. Sau này, quân Pháp xây dựng ở đây một ngọn hải đăng để tàu thuyền biết hướng ra vào.

Ngọn núi thứ tám là Hải Vân Quan được khắc trên Dụ đỉnh. Núi nằm phía Đông Nam huyện Phú Lộc. Trên đỉnh dãy Hải Vân có xây cổng ở độ cao hơn 496m so với mặt nước biển. Trên ngạch phía trước đề ba chữ Hán “Hải Vân Quan”, trên ngạch phía sau đề sáu chữ Hán lớn “Thiên hạ đệ nhất hùng quan”.

Cuối cùng là Hoành Sơn tức Đèo Ngang khắc trên Huyền đỉnh. Đây là dãy núi phân định giữa tỉnh Quảng Bình và Hà Tĩnh. Đây là dãy núi từ phía Tây chạy dài mà đến, ngọn chỏm chồng chất kéo ngang ra tận biển, trông như bức trường thành.

Hoành Sơn cũng gắn với bước ngoặt khi chúa Nguyễn Hoàng còn ở Đông Kinh (Thăng Long), muốn thoát khỏi chúa Trịnh mới sai người đến gặp Nguyễn Bỉnh Khiêm hỏi kế lâu dài. Nguyễn Bỉnh Khiêm liền nói: “Hoành Sơn nhất đái, vạn đại dung thân”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ