Những mô hình giáo dục hướng đến cộng đồng: Gieo nhân ái, gặt nhân cách

GD&TĐ - Song song với công tác chuyên môn, để góp phần giáo dục toàn diện HS, nhiều trường học tại TPHCM đã chú trọng đầu tư các hoạt động giáo dục học sinh hướng đến cộng đồng với nhiều hình thức phong phú, hấp dẫn.

Học sinh Trường THCS - THPT Đào Duy Anh (TPHCM) tặng quà cho các em nhỏ ở lớp học tình thương. Ảnh: P.Nga
Học sinh Trường THCS - THPT Đào Duy Anh (TPHCM) tặng quà cho các em nhỏ ở lớp học tình thương. Ảnh: P.Nga

Trải nghiệm vì cộng đồng

Mới đây, Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa (Quận 1) đã triển khai chương trình hoạt động cộng đồng của học kỳ I năm học 2020 - 2021 dành cho toàn bộ học sinh của trường.

Chương trình gồm 15 hoạt động thú vị như trang trí nón lá, giỏ lác, giỏ cối; viết thư pháp - vẽ chân dung; xâu vòng tay, vòng cổ, đồ kẹp tóc, làm sản phẩm vải nỉ tặng các cô chú ở viện dưỡng lão; làm đẹp cảnh quan trường học; trang trí thư viện nhà trường; xây dựng kế hoạch và tổ chức biểu diễn văn nghệ phục vụ cộng đồng, hoạt động CLB khoa học vui, tin học, nhiếp ảnh… Học sinh được lựa chọn tham gia tùy thuộc vào năng khiếu và sở thích của mình.

Những sản phẩm thu hoạch từ hoạt động cộng đồng tại trường được tổ chức triển lãm và bán cho học sinh, giáo viên, nhân viên và cha mẹ học sinh để gây quỹ giúp đỡ trẻ em cơ nhỡ, người khuyết tật, người già neo đơn tại các nhà mở, mái ấm, trường dạy trẻ hòa nhập… Một số sản phẩm được trao tặng trực tiếp cho trẻ em cơ nhỡ, người khuyết tật, người già neo đơn tại các mái ấm, nhà mở, trường dạy trẻ hòa nhập… 

Trường đã tổ chức ba nhóm tham gia hoạt động cộng đồng tại các tỉnh Vĩnh Long, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tiền Giang. Học sinh đã đến tận các mái ấm, trường dạy trẻ hòa nhập… để hiểu và hỗ trợ những thứ các cơ sở này cần. 

Thầy Nguyễn Minh, Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, trường xây dựng sáu giá trị cho học sinh, mỗi năm sẽ thực hiện một giá trị. Năm nay, trường lựa chọn các hoạt động tập trung hướng đến cộng đồng, qua đó giáo dục học sinh lòng yêu nước, tự hào về truyền thống lịch sử vẻ vang của dân tộc, tự hào về danh nhân Trần Đại Nghĩa, người mà trường được vinh dự mang tên.

Đồng thời thông qua các hoạt động giáo dục các em lòng tri ân với các anh hùng, liệt sĩ đã hi sinh vì Tổ quốc, giáo dục lòng nhân ái, giúp đỡ lẫn nhau, từ đó, xây dựng giá trị chung sống và ý thức trách nhiệm với cộng đồng. Thông qua hoạt động trải nghiệm thực tế, nhà trường còn rèn luyện cho học sinh kĩ năng sống, kĩ năng thích ứng với môi trường xung quanh, mang giá trị học thuật của Trường chuyên Trần Đại Nghĩa đến với cộng đồng.

Tham gia hoạt động em Trần Võ Minh Trí, lớp 11 chuyên Đức cho rằng chương trình rất ý nghĩa, bổ ích với nhiều hoạt động để cho học sinh lựa chọn theo sở thích, sở trường. Qua mỗi hoạt động, các bạn thể hiện được những thế mạnh của mình và cùng làm việc nhóm để hướng đến mục đích chính của hoạt động - hướng về cộng đồng, sự sẻ chia bằng những hành động nhỏ. 

Theo đó, các em hiểu ra rằng, hướng về cộng đồng không chỉ đơn thuần là một món quà tặng mà từ những trải nghiệm các hoạt động, các em đã có những ý tưởng sáng tạo, thực hiện một dự án, một giải pháp nào đó có thể góp ích vì cộng đồng. 

Chị Thanh Hương có con học lớp 7A9 của trường chia sẻ thêm, sau khi tới thăm các bạn nhỏ bị khiếm thính, con trai chị rất nhiều cảm xúc khi kể chuyện với ba mẹ. Con còn tâm sự, thấy các bạn gặp nhiều thiệt thòi, khó khăn trong giao tiếp nên con rất muốn làm một điều gì đó có ý nghĩa cho các bạn. Điều này cho thấy mục tiêu chương trình đã thành công, đó là giáo dục học sinh hướng đến cộng đồng, ý thức về trách nhiệm với cộng đồng.

Gieo nhân ái,  gặt nhân cách

Năm học 2020 - 2021 là năm thứ hai, Trung tâm GDTX Chu Văn An (Quận 5) triển khai hoạt động Mỗi bạn mỗi ngày một hành động nhân ái. Đây là hoạt động diễn ra thường xuyên được học sinh toàn trường tham gia với nhiều hành động đẹp.

Ông Đỗ Minh Hoàng, Giám đốc trung tâm cho hay, trung tâm khuyến khích học sinh hãy thể hiện những hành động nhân ái của mình, lan tỏa những hành động ấy đến với mọi người. Theo đó, học sinh có nhiều cách thể hiện khác nhau như đi tặng các phần ăn, tham gia giúp đỡ bạn có hoàn cảnh khó khăn, hay là dìu một cụ già, giúp em bé qua đường, giúp đỡ hàng xóm… Trung tâm cũng sẽ ghi nhận những hành động của các em, ví dụ như nhiều hành động nhân ái sẽ được nhận một giấy khen, thư khen.

Theo ông Hoàng, tấm giấy khen chỉ là sự ghi nhận, điều mà thầy cô của trung tâm mong muốn chính là “gieo nhân ái, gặt nhân cách”. Ông Hoàng cũng cho biết thêm, việc giáo dục học sinh về lòng nhân ái, sự sẻ chia, hướng đến cộng đồng là một điều cần được làm thường xuyên, lồng ghép linh hoạt trong hoạt động giảng dạy chuyên môn, phong trào của Đoàn Hội. 

Quan tâm giáo dục học sinh hướng đến cộng đồng, từ nhiều năm qua, cô Nguyễn Thị Thanh Thuỷ, giáo viên Giáo dục Công dân Trường THCS Đức Trí (Quận 1) luôn lồng ghép nhiều hoạt động hướng đến mục tiêu này tích hợp với từng chuyên đề của bộ môn Giáo dục công dân. 

Cô Thuỷ cho hay, giáo dục học sinh hướng đến cộng đồng cần được hiểu theo nghĩa rộng, được thể hiện rất nhiều khía cạnh khác nhau và bắt đầu từ nhừng hành động nhỏ, mang ý nghĩa lớn. Học sinh có thể cùng quyên góp, tự làm những món quà nhỏ để tặng trẻ ở mái ấm, nhà mở, cùng nhau tiết kiệm tiền ăn sáng để bỏ heo nhằm chia sẻ với học sinh miền Trung gặp lũ lụt.

Các em có thể cùng chung tay vì một môi trường xanh sạch đẹp, trước mắt chính là dọn vệ sinh lớp học, trong gia đình, khu vực xung quanh nhà mình, biết lan toả thông điệp bảo vệ môi trường, hạn chế sử dụng túi ni lông, đồ nhựa dùng một lần… Hay vận dụng những kiến thức đã học, học sinh cũng có thể làm ra các sản phẩm handmade, những món quà nhỏ để mang bán, gây quỹ… Tất cả những điều này cần được lồng ghép vào các hoạt động chuyên môn, phong trào để mỗi ngày, các em đều được bồi đắp thêm lòng nhân ái, biết nghĩ đến và sẻ chia với cộng đồng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ