Ngôi nhà của những tình thương
Sau 2 tháng khởi công, căn nhà trị giá hơn 100 triệu đồng cho gia đình 3 anh em Trần Trọng Khang, Trần Nhật Long và Trần Long Giang (thị trấn Phố Châu, huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh) đã được bàn giao cho gia đình.
Ngôi nhà mới được xây dựng trên diện tích gần 100m2 với 4 phòng trong đó có 2 phòng ngủ, 1 phòng khách, 1 phòng bếp với công trình vệ sinh đầy đủ, khang trang. Chỉ vào căn phòng đầu tiên trong ngôi nhà mới, Giang khấp khởi khoe: “Con đã xin mẹ lấy phòng này để vừa học vừa ngủ, vì phòng này có cửa sổ lại thêm gác lửng lên xuống”.
Ngôi nhà cũ của 3 anh em Giang, Long và Khang. |
Trong căn phòng mới, các em còn được nhiều nhà hảo tâm tặng thêm bàn ghế học tập, giường tủ.
Trong căn nhà còn thơm mùi sơn mới, gia đình các em không giấu nổi niềm vui. “Dù căn nhà cũ đã xuống cấp, nhưng gia đình chưa dám ước mơ đến một căn nhà kiên cố bởi điều kiện kinh tế gia đình, anh em quá eo hẹp. Ngôi nhà này đúng là một giấc mơ với mẹ con tôi. Chúng tôi thật sự biết ơn Báo Giáo dục và Thời đại, các nhà hảo tâm, chính quyền địa phương đã tạo điều kiện để năm mới này, mẹ con tôi được đón Tết trong ngôi nhà mới đẹp đẽ, ấm cúng”, bố các em xúc động nói.
Còn đối với gia đình em Nguyễn Thị Như (học sinh lớp 8 Trường THCS Gia Phố, huyện Hương Khê, Hà Tĩnh) rất phấn khởi khi đón nhận ngôi nhà mới. Bao năm qua gia đình em phải sống nơm nớp trong căn nhà nhỏ xiêu vẹo, chật hẹp. Nhà nằm ở vùng rốn lũ, một năm, Như cũng không tính được hết bao lần em và bố mẹ phải ôm đồ đạc, sách vở chạy lũ trong đêm.
Báo GD&TĐ khu vực MTTN cùng chính quyền địa phương, nhà hảo tâm trao nhà và quà cho 3 anh em Khang, Giang và Long. |
Ngôi nhà cũ vừa xuống cấp, lại thấp nhất vùng nên chỉ một trận “lụt cóc” nước vừa xâm xấp ngoài đường thì trong nhà đã vào tận cửa. Có những năm, sau trận lụt toàn bộ đồ đạc, sách vở… cũng cuốn theo nước lũ. Mỗi đợt như vậy, Như phải đến trường học chay. May nhờ cô và các bạn quyên góp, Như mới có thêm bộ sách mới để đi học.
Thế nhưng, 2 năm qua, nhà em có thể yên tâm khi có ngôi nhà mới cao ráo, tinh tươm để ở. Không còn cảnh dáo dác tìm nơi ở nhờ vì ngôi nhà vừa xây có thêm gác lửng để gia đình em trú tránh mỗi mùa lũ lớn. Đó cũng là ước mơ của Như và bố mẹ em trong nhiều năm qua.
Trong năm qua, Báo Giáo dục và Thời đại đã khởi công và bàn giao 20 căn nhà Nhân ái.
Nối dài những yêu thương
Không chỉ xây dựng nhà cho học sinh, trong thời gian qua, Báo Giáo dục và Thời đại khu vực MT-TN đã mang nhà Nhân ái đến nhiều hộ có hoàn cảnh khó khăn như người nghèo, người già neo đơn…
Khó có thể diễn tả được niềm hân hoan của gia đình ông Nguyễn Đình Thân (thôn Ngụ Quế, xã Cẩm Vịnh, huyện Cẩm Xuyên). Bao năm qua gia đình ông phải sống trong căn nhà nhỏ cũ, chật hẹp. Bản thân ông bị đau ốm, sống một mình, nương tựa vào sự chăm sóc giúp đỡ của người thân và bà con lối xóm.
Bàn giao nhà nhân ái tại huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh. |
Đầu tháng 12/2021, qua sự kết nối của Báo Giáo dục và Thời đại, một người con quê hương Cẩm Vịnh đã gửi số tiền gần 200 triệu đồng để giúp đỡ ông có ngôi nhà mới để tá túc. Nhìn ngôi nhà đang dần hoàn thiện, không riêng gì ông Thân, bà con lối xóm cũng vui mừng thay cho ông.
Sau 1 năm bắt tay vào khởi động chương trình xây dựng nhà Nhân ái, đến nay, Văn phòng Báo Giáo dục và Thời đại khu vực miền Trung – Tây Nguyên đã khởi công và khánh thành gần hàng chục ngôi nhà. Hiện nay, nhiều căn nhà đang gấp rút hoàn thiện dự định sẽ khánh thành vào dịp cuối năm.
Chủ tịch UBND tỉnh Võ Trọng Hải tham quan nhà nhân ái do báo GD&TĐ kết nối với các nhà hảo tâm xây dựng. |
Là một trong những doanh nghiệp thường xuyên đồng hành trong hoạt động xây dựng nhà Nhân ái, ông Bùi Giang Nam (Giám đốc Công ty cổ phần D&N Group) cho biết, bản thân ông rất vui và xúc động khi được chung sức vào hoạt động ý nghĩa này. Nhờ sự hỗ trợ của đơn vị, trong thời gian qua, nhiều ngôi nhà Nhân ái được trao tay cho các gia đình khó khăn.
Hiệu quả từ hoạt động xây dựng nhà Nhân ái trên địa bàn của Báo Giáo dục và Thời đại được lãnh đạo các cấp ngành tỉnh Hà Tĩnh đặc biệt ghi nhận.
Dẫu còn bộn bề công việc, cuộc sống nhưng những cán bộ, phóng viên Báo Giáo dục và Thời đại khu vực miền Trung – Tây Nguyên tự đặt cho mình một trách nhiệm là kết nối những vòng tay ấm áp, trái tim nhân ái để chung tay cùng các cấp chính quyền hỗ trợ công tác an sinh xã hội.
Thật xúc động, khi trong suốt hành trình làm chiếc cầu thiện nguyện, chúng tôi đã nhận được nhiều sự ủng hộ tinh thần và vật chất của chính quyền, các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp…”, ông Nguyễn Văn Dũng - Trưởng Văn phòng đại diện Báo Giáo dục và Thời đại khu vực miền Trung – Tây Nguyên chia sẻ.