Yêu thương trong ngôi nhà nhân ái

GD&TĐ - Năm 2015, Trung tâm Nuôi dưỡng trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn của ông Huỳnh Tấn Hùng bắt đầu đi vào hoạt động.

Các em vui đùa tại trung tâm.
Các em vui đùa tại trung tâm.

Với tình thương và sự chia sẻ, cựu chiến binh Huỳnh Tấn Hùng, huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam đã lập lên Trung tâm Nuôi dưỡng trẻ em có hoàn cảnh khó khăn. Người cựu binh đã cưu mang và chở che cho hàng trăm trường hợp nghèo khó, làm điểm tựa giúp các em vươn lên trong cuộc sống.

Mái ấm cho những mảnh đời nghèo khó

Sau 5 năm 8 tháng đóng quân ở Mặt trận 579 - chiến đấu ở chiến trường K (Campuchia), ông Huỳnh Tấn Hùng (SN 1962) trở về quê hương ở thị trấn Phú Ninh, huyện Phú Ninh lập nghiệp. Trong hành trang trở về quê từ chiến trường, ông Hùng luôn tâm niệm rằng, là bộ đội Cụ Hồ thì phải biết vượt qua khó khăn, giúp đời, giúp người.

“Tôi là một quân nhân, khi trở về với đời thường muốn làm một việc gì đó để giúp quê hương, đất nước, nhất là những người nghèo khổ. Khi đi làm từ thiện tôi thấy bà con quê mình nhiều mảnh đời còn nghèo khó, không có nơi nương thân.

Trong một lần tình cờ, tôi gặp sư cô Minh Hiếu của Thiền viện Thường Chiếu (tỉnh Đồng Nai) tôi đã đem tâm nguyện của mình ra chia sẻ. Chúng tôi cùng bàn về việc lập một nơi để cưu mang những đứa trẻ mà gia đình không có điều kiện nuôi dưỡng.

Thế rồi vợ chồng tôi cùng với sư cô Minh Hiếu quyết tâm thành lập một trung tâm nhằm cưu mang, giúp đỡ nhiều người nghèo khó hơn. Sau đó, tôi đứng ra xin phép chính quyền địa phương để mở trung tâm nuôi dưỡng trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, cũng như giúp đỡ những gia đình nghèo khó”, ông Hùng nhớ lại.

Sau khi hoàn thành đầy đủ thủ tục, năm 2015, Trung tâm Nuôi dưỡng trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn của ông Huỳnh Tấn Hùng bắt đầu đi vào hoạt động. Ban đầu, kinh phí để duy trì hoạt động của trung tâm chính là những đồng lương của người cựu binh. Đồng thời, ông đi tìm các nhà hảo tâm để thêm nguồn lực chăm nuôi những mảnh đời cơ nhỡ.

Đến nay, trung tâm đã hoạt động được 16 năm và đã có trên 200 lượt người được nuôi dưỡng, chăm sóc. Đa phần là trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn và cả những người già cả neo đơn, không nơi nương tựa.

Theo ông Hùng, các hoàn cảnh cơ nhỡ ở trung tâm có đủ các lứa tuổi. Có những cháu đang ở tuổi đi mẫu giáo, có cháu học đại học và cả những bé chưa đến tuổi đi học, hoặc bị khuyết tật bẩm sinh...

Bên cạnh nuôi dưỡng, giáo dục trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, trẻ khuyết tật, ông Hùng còn vận động xây dựng được hàng chục ngôi nhà tình thương cho các gia đình neo đơn tại địa phương.

Nhiều trường hợp gửi con tại trung tâm vì hoàn cảnh khốn khó, ông cũng hỗ trợ cho phụ huynh tìm kiếm việc làm, xây dựng nhà cửa, đến khi có đủ điều kiện thì cho đón con về ở cùng với gia đình.

Người cựu chiến binh này quan niệm, những đứa trẻ dù được trung tâm tận tình chăm sóc, yêu thương cũng không bằng sống trong vòng tay mẹ cha, gia đình.

Ông Hùng hướng dẫn các em tập tô màu.

Ông Hùng hướng dẫn các em tập tô màu.

“Lính Cụ Hồ phải giúp đời, giúp người”

Em Dương Thái Lâm - sinh viên Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật (Đại học Đà Nẵng) xem ông Hùng là ba nuôi. Lâm được ông mang về cưu mang từ khi còn rất nhỏ. Không chỉ nuôi nấng, cho em giấc ngủ ngon, bữa ăn no bụng, ông Hùng cũng còn dạy dỗ, tạo mọi điều kiện để Lâm học tập. Bây giờ, Lâm đã là sinh viên đại học, toại nguyện với ước mơ ấp ủ bao ngày.

“Em rất may mắn khi số phận cho em gặp ba Hùng, được trung tâm của ba nuôi dưỡng. Ở đó ai cũng yêu thương em, dành cho em những tình cảm tốt đẹp. Với em, ba Hùng rất tuyệt vời.

Ba luôn dang rộng cánh tay lo cho nhiều đứa trẻ không may mắn như em. Ước mơ của em là được đi học đại học, giờ đây chuyện đó đã thành hiện thực. Em sẽ cố gắng học thật tốt để có việc làm quay lại trung tâm cùng với ba Hùng giúp đỡ những mảnh đời khó khăn giống như em ngày trước”, Lâm tâm sự.

Nói về trung tâm thiện nguyện của cựu binh Huỳnh Tấn Hùng, ông Lê Thanh Long - Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Phú Ninh - cho hay, trung tâm của ông Hùng đã giúp cho huyện rất nhiều trong công tác thực hiện chính sách an sinh xã hội, hỗ trợ kịp thời cho các trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt trên địa bàn.

“Với tư cách ngành phụ trách, tôi đánh giá trung tâm đã hoạt động rất thiết thực, giúp cho những mảnh đời, hoàn cảnh khó khăn”, ông Long khẳng định.

Cựu chiến binh Huỳnh Tấn Hùng bên một em nhỏ được nuôi dưỡng tại trung tâm.

Cựu chiến binh Huỳnh Tấn Hùng bên một em nhỏ được nuôi dưỡng tại trung tâm.

“Tôi cũng từ gian khó, vất vả đi lên nên mình giúp được gì cho dân thì mình giúp. Đã là lính Cụ Hồ thì phải vượt qua khó khăn, giúp người, giúp đời. Các cháu ở với tôi, tôi vẫn luôn dạy một điều rằng, cho dù nghèo khó nhưng chúng ta cũng phải nên người, phải nỗ lực học tập để thành công và thành công để thoát được kiếp nghèo khó. Chỉ có như vậy mới giúp gia đình và xã hội phát triển được”, ông Hùng chia sẻ.

Giờ đây, ước nguyện giúp đời, giúp người của ông Hùng đã trọn vẹn. Thế nhưng ông vẫn đau đáu rằng, các cháu nhỏ nghèo khó ở trung tâm sẽ ra sao khi sau này ông già yếu.

“Tôi vẫn còn một nỗi lo, lo là sau này già sức yếu không biết ai thay tôi chăm sóc những đứa trẻ này. Nếu ai có điều kiện tiếp nhận trung tâm để sau này thay tôi nuôi dạy các cháu tôi sẽ sẵn sàng hỗ trợ. Đó cũng là ước nguyện của tôi”, ông Hùng bộc bạch.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ