Những ngôi nhà 'cưu mang' trẻ em bị bỏ rơi

GD&TĐ - Có 21 ngôi nhà dành cho trẻ em bị bỏ rơi hoặc lạm dụng được cấp phép ở Singapore do Bộ Phát triển Xã hội và Gia đình (MSF) điều hành.

Giám đốc điều hành Children’s Aid Society - ông Alvin Goh và Giám đốc Melrose Home - bà Cindy Ng-Tay.
Giám đốc điều hành Children’s Aid Society - ông Alvin Goh và Giám đốc Melrose Home - bà Cindy Ng-Tay.

Có 21 ngôi nhà dành cho trẻ em bị bỏ rơi hoặc lạm dụng được cấp phép ở Singapore do Bộ Phát triển Xã hội và Gia đình (MSF) điều hành. Cuối năm ngoái, có gần 600 trẻ em và thanh thiếu niên đang sống trong những ngôi nhà này.

Khó khăn tái hòa nhập

Năm 4 tuổi, James được đưa vào một ngôi nhà dành cho những đứa trẻ bị bỏ rơi hoặc lạm dụng tại Singapore. James sống ở đó cho đến năm 18 tuổi thì phải chuyển đi. Anh đã nghĩ về ngày này từ khi 16 tuổi và thảo luận về vấn đề đó với nhân viên xã hội ở Melrose Home.

Sau đó, dì của James đã đồng ý nhận anh về sống chung. Quá trình chuyển đổi diễn ra “quá nhanh”. Dì của James sống trong một căn hộ bốn phòng, vốn đã có bốn người ở. Vì vậy, James phải ngủ trong phòng khách. Anh cảm thấy “khó chịu” vì không có cảm giác về không gian cá nhân.

Không những thế, một thành viên gia đình khiến James cảm thấy anh là “gánh nặng”. “Không cần phải nói điều đó, nhưng tôi có thể cảm nhận được”, James (22 tuổi) cho biết. Đến tháng thứ ba, hoàn cảnh sống của anh bắt đầu trở nên khó khăn. Song, James không còn nơi nào khác để đi.

Anh kiếm được khoảng 1.000 đô la Singapore mỗi tháng nhờ làm việc bán thời gian trong ngành thực phẩm và đồ uống. Chi phí cá nhân hằng tháng của anh lên tới 600 - 700 đô la Singapore. Trong khi đó, James chi 50 đến 100 đô la Singapore cho các chi phí gia đình. Học phí ở trường đại học khiến anh phải nộp 400 đến 500 đô la Singapore mỗi kỳ.

Nam sinh này mất khoảng 9 tháng để tìm ra một giải pháp thay thế. Bạn gái của anh đang sống với ông bà trong một căn hộ thuê. Do đó, James quyết định chuyển đến sống cùng gia đình cô. “Tôi liên tục phải nghĩ đến tiền. Tôi phải lên kế hoạch trước. Tất cả những điều này cứ lặp đi lặp lại. Sau đó, khối lượng công việc nhiều ập đến. Mọi thứ trở nên vô cùng lộn xộn”, nam sinh cho biết.

Bên cạnh đó, buổi làm việc nhóm cho các dự án ở trường thường diễn ra vào thứ Bảy, khi James phải đi làm. Do đó, anh phải nói với các đồng nghiệp rằng, mình cần dùng nhà vệ sinh.

Sau đó, James tham gia dự án cùng bạn học trong 15 phút. “Trong thời gian đó, hầu như ngày nào cũng tồi tệ. Lúc nào tôi cũng như nửa tỉnh nửa mê. Vì vậy, tôi chỉ cố gắng cho qua ngày”, James bày tỏ. Anh đạt điểm trung bình là 0,8 trong năm đầu tiên tại trường bách khoa. James quyết định bỏ học.

Có 21 ngôi nhà dành cho trẻ em bị bỏ rơi hoặc lạm dụng do MSF điều hành. Theo thời gian, nhiều trẻ em xoay xở để tái hòa nhập tốt với gia đình. Tuy nhiên, một số không có gia đình hoặc người thân để trở về khi họ gần đến tuổi tối đa là 21.

Trung bình, có 15 thanh niên rời khỏi khu nhà ở này mỗi năm, và họ phải bước vào một thế giới nơi cần tự bảo vệ mình. Các chuyên gia công tác xã hội cho biết, quá trình chuyển đổi này có thể gây nhiều lo lắng và thách thức. Những chuyên gia này tin rằng, có thể làm nhiều hơn nữa để giảm bớt quá trình này.

MSF cho biết, trung bình mỗi năm có 15 thanh niên ra ngoài sống độc lập.

MSF cho biết, trung bình mỗi năm có 15 thanh niên ra ngoài sống độc lập.

Sự cần thiết của mạng lưới hỗ trợ

Soh Ying Si - Phó Giám đốc nhóm chăm sóc xã hội tại Melrose Home được điều hành bởi tổ chức từ thiện Children’s Aid Society cho biết: “Đó thực sự là một bước nhảy vọt - từ một ngôi nhà nơi dễ dàng tiếp cận với nhân viên để được giúp đỡ, sang không có ai”.

Ở độ tuổi đó, thanh niên có thể chưa học xong nhưng cần thu nhập và một nơi để ở. Tìm chỗ ở thường là thử thách đầu tiên. Thanh niên thường không đủ khả năng trả tiền thuê phòng theo giá thị trường. Họ không đủ điều kiện để thuê căn hộ công cộng nếu chưa lập gia đình hoặc không có con.

Sau đó, những người này cần tìm kiếm các cơ hội việc làm tốt và lâu dài. “Bởi vì nếu đang sống độc lập, bạn phải có một nguồn thu nhập”, bà Cindy Ng-Tay - Giám đốc của Melrose Home cho biết. Theo chuyên gia này, những thanh niên đang tới trường sẽ cần việc làm bán thời gian để có thể hoàn thành việc học.

Ngoài ra, những người trẻ cũng cần một mạng lưới hỗ trợ. Đối với những bạn cùng trang lứa đã có gia đình, điều này thường có nghĩa là họ sẽ nhận được lời khuyên từ người lớn. Đồng thời, được gia đình bảo vệ khi đưa ra quyết định sai lầm. Gia đình cũng là điểm tựa tài chính khi cần và hỗ trợ về mặt cảm xúc.

Trong khi đó, những trẻ này không có sự hỗ trợ như vậy. Vì vậy, họ rất sợ hãi, mặc dù trông có vẻ mạnh mẽ. Sự chuyển đổi khiến họ lo lắng hơn. Bà Cindy Ng-Tay nói, trải nghiệm bị bỏ rơi hoặc lạm dụng trong quá khứ của thanh thiếu niên khiến họ “lùi một vài bước”.

Những người trẻ này dần hiểu ra rằng, họ không giống những người bạn cùng lứa sống với gia đình.

Raymond Low nhớ đã được mẹ đưa đến Nhà Thiếu nhi Giám lý Chen Su Lan (CSLMCH) khi mới 6 tuổi. “Tôi cảm thấy lạc lõng. Lúc đầu, tôi cảm thấy choáng ngợp. Đó là một nơi rộng lớn và không phải là ngôi nhà bình thường. Bằng cách nào đó, tôi biết rằng, mẹ đã rời bỏ mình”, anh chia sẻ.

Trẻ em sống tại Melrose Home - một trong những ngôi nhà dân cư được cấp phép.

Trẻ em sống tại Melrose Home - một trong những ngôi nhà dân cư được cấp phép.

Song, các nhân viên chăm sóc tại khu dân cư đã “vô cùng quan tâm”. Điều đó khiến anh cảm thấy được an ủi hơn. Hiện, Raymond Low 25 tuổi. Anh đã sống tại ngôi nhà này đến năm 18 tuổi. Thời điểm đó, anh tham gia các chương trình hằng ngày và gặp mẹ vào cuối tuần. Raymond cho biết đã thích nghi tốt.

Trong các ngôi nhà này, các nhân viên nỗ lực để giúp những người trẻ tuổi sẵn sàng nhất có thể cho thế giới bên ngoài khi họ sống một mình. Giám đốc điều hành Low Kee Hong tại khu nhà ở CSLMCH cho biết, các thanh thiếu niên được tiếp cận với chương trình trị liệu, hỗ trợ học tập và bồi dưỡng.

Đây là những dịch vụ mà ngôi nhà có thể cung cấp do nỗ lực gây quỹ bổ sung cho nguồn tài trợ của chính phủ. Trẻ em sống theo nhóm từ 10 đến 15 người trong ký túc xá được trang bị phòng khách, bếp nhỏ và phòng ngủ. Mỗi ký túc xá thường có hai nhân viên chăm sóc nội trú trực tiếp phụ trách.

“Chúng tôi không còn là một ngôi nhà bao ăn ở nữa. Ngày nay, chúng tôi cung cấp nhiều dịch vụ chuyên nghiệp cho trẻ em để phục hồi cuộc sống, với những quan điểm và cơ hội mới”, Giám đốc Low nói. Những khu nhà này có người dọn dẹp, đầu bếp và các nhân viên hỗ trợ khác.

Điều đó có nghĩa là trẻ em tại đây được sống trong môi trường an toàn và chu đáo. Mái ấm còn giúp kết nối một số thanh niên khó khăn với nhà thờ để được hỗ trợ và tài trợ. Các nhà tài trợ giúp đỡ chi phí sinh hoạt và giáo dục. Trong khi đó, mái ấm theo dõi bằng cách giám sát các thanh niên, đảm bảo họ có trách nhiệm trong mỗi học kỳ.

Raymond là một trong những người được hỗ trợ như vậy. Anh vừa tốt nghiệp ngành Kỹ thuật hóa học tại Trường Đại học Quốc gia Singapore và được khu nhà ở hỗ trợ học phí hai năm đầu. Trong khi đó, một nhà hảo tâm đã hỗ trợ học phí cho anh trong hai năm tiếp theo.

Raymond cũng nhận được 300 đô la Singapore/tháng tiền tiêu vặt. “Đó luôn là việc đối mặt với thực tế và với chính bản thân mình. Đó là thời điểm các thanh thiếu niên nắm giữ cuộc sống và thắp sáng tương lai của chính mình. Đó là mục tiêu của chúng tôi cho mọi trẻ em, bất kể tuổi tác”, Giám đốc Low nói.

Những thanh niên “đã hết tuổi” của Melrose được kết nối với các trung tâm dịch vụ gia đình và các nguồn lực cộng đồng khác bởi nhân viên xã hội. Sự chuyển đổi có thể “khá căng thẳng”. Vì vậy, nhân viên xã hội có thể gặp gỡ thanh niên gần như hàng tuần trong khoảng sáu tháng đầu tiên.

Những nhân viên này thậm chí đi cùng các thanh niên trong vài buổi đầu tiên với nhân viên của trung tâm dịch vụ gia đình. Chia sẻ về vấn đề này, MSF cam kết hỗ trợ trẻ em và thanh thiếu niên không thể tái hòa nhập với gia đình hoặc người thân.

Một phát ngôn viên cho biết, các chuyên gia dịch vụ xã hội sẽ chuẩn bị cho những thanh thiếu niên này sống độc lập trước sáu tháng. Các thanh niên sẽ được kết nối với trung tâm dịch vụ gia đình để nhận hỗ trợ. Điều đó nhằm tạo thuận lợi cho quá trình chuyển đổi từ gia đình sang cộng đồng.

Thanh thiếu niên cũng sẽ được giới thiệu đến các văn phòng dịch vụ xã hội nếu cần hỗ trợ tài chính hoặc việc làm. Họ cũng có thể được kết nối với những người bạn và cố vấn trong cộng đồng.

MSF cho biết, những thanh niên tiếp tục học đại học sau khi sống độc lập có thể nộp đơn xin trợ cấp của chính phủ. Đồng thời, nhận hỗ trợ tài chính do trường quản lý. Người phát ngôn cho biết, đối với những thanh thiếu niên cần nhà ở, các chuyên gia dịch vụ xã hội có thể tạo điều kiện giới thiệu đến ký túc xá, cho thuê hoặc lựa chọn nhà ở khác. Trong khi đó, một số ngôi nhà dân cư cho phép thanh niên tiếp tục ở lại. Những ngôi nhà khác có thể cung cấp hỗ trợ tài chính bổ sung và thường xuyên theo sát các thanh niên.

Theo CNA

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ