Những nghĩa cử đẹp trong muôn chuyện sĩ tử lai kinh

Những nghĩa cử đẹp trong muôn chuyện sĩ tử lai kinh
Thí sinh
Thí sinh Hoàng Minh Quang trong phòng thi. Ảnh: gdtd.vn

Nghị lực phi thường của 1 thí sinh khiếm thị

Với khát khao cháy bỏng được học tập, thí sinh khiếm thị Hoàng Minh Quang (Lương Sơn, Hòa Bình) vẫn quyết định “đầu đơn” vào 2 trường ĐH: Học viện Hành chính Quốc gia và Sư phạm Hà Nội.

Tại Học viện Hành chính quốc gia, Quang được bố trí một mình một phòng thi với 1 camera, máy ghi âm, 1 kỹ thuật quay phim và 2 giám thị coi thi. Trong quá trình làm bài thi, giám thị coi thi sẽ đọc đề sau đó Quang sẽ tư duy rồi đọc đáp án. Mọi câu hỏi và câu trả lời đều sẽ được quay phim và ghi âm đầy đủ.

Đáng chú ý là, Quang chỉ được các thầy cô trợ giúp đọc đề, không được viết ra và bấm máy tính hộ kể cả những câu tính toán phức tạp. Để làm được bài, đòi hỏi Quang không chỉ cần có trí nhớ cực tốt mà cả kỹ năng tính toán, tư duy. Với Quang, hoàn thành một bài thi khó khăn hơn gấp hàng trăm lần các thí sinh bình thường khác.

Thế nhưng, nếu như, trong 3 môn thi, không ít thí sinh chán nản bỏ thi ngay sau môn thi đầu tiên thì Quang vẫn cố gắng hết sức mình, bằng một nghị lực phi thường hoàn thành cả 3 môn thi.

Về trường hợp của thí sinh Quang, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa khi cùng đoàn kiểm tra làm việc với Trường Học viện Hành chính Quốc gia đã chỉ đạo Học viện cần quan tâm giúp đỡ thí sinh đặc biệt này. Trong trường hợp thí sinh có những đề xuất hoặc nhà trường gặp khó khăn vướng mắc thì cần báo cáo ngay với Bộ GD$ĐT để lãnh đạo Bộ xem xét nghiên cứu tạo điều kiện cho thí sinh.

Sau đó, ngay sau khi kết thúc môn thi Vật Lý, lãnh đạo Học viện Hành chính Quốc gia đã trực tiếp trao đổi với Quang. Những đề xuất của Quang về hình thức thi … sẽ được báo cáo ngay với Bộ GD&ĐT, lãnh đạo Học viện cho biết.

Người cha tật nguyền chống nạng gỗ theo ủng hộ con thi Đại học

Phía trước Hội đồng thi khu II trường ĐH Cần Thơ vào ngày đầu tiên của kỳ thi ĐH (4/7) có một người cha tật nguyền chống nạng gỗ đưa con đi thi. Ông tên là Đinh Quang Chức ở xã Phong Nẫm, huyên Kế Sách (Sóc Trăng) đã vượt hơn 70 km để theo ủng hộ con gái tên Đinh Thị Huyền Trang thi ĐH.

Ông Đinh Quang Chức
Ông Đinh Quang Chức luôn ở bên cạnh con gái trong suốt đợt thi. Ảnh: gdtd.vn

Ông Chức bị tật nguyền từ nhỏ nên di chuyển chủ yếu bằng đôi nạng gỗ, hằng ngày cuộc sống gia đình phụ thuộc vào nghề nông. Nhờ vợ chồng ông siêng năng làm ăn nên con gái được ăn học tới nơi tới chốn. Ngày đi thi, em Huyền Trang đi trước cùng người thân và bạn bè để tìm chỗ trọ và làm thủ tục dự thi.

Khuya ngày 4/7, từ lúc 4 giờ sáng ông Chức đã nhờ người chở bằng xe gắng máy từ nhà lên tận Cần Thơ để ủng hộ con gái ngày thi đầu tiên. Ông ở vùng sâu, vùng xa phải qua phà nên mất thời gian hơn 2 tiếng đồng hồ mới đến được TP. Cần Thơ.

Ông Chức cho biết: Tôi tranh thủ đi sớm để ủng hộ cho con gái vững tâm, bình tĩnh thi tốt. Tôi đi từ rất sớm như phải qua phà và đường xa quá nên đến hơi trễ. Con gái chính là niềm hy vọng lớn nhất của cuộc đời tôi. Vì tôi bị tật nguyền nên cố gắng lo cho con ăn học thành tài và trở thành người có ích cho xã hội.

Ốm nặng vẫn quyết tâm dự thi

Tại Hội đồng thi Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội ghi nhận một trường hợp thí sinh dù đang có bệnh nặng phải nằm viện điều trị vẫn quyết tâm tham gia thi ĐH.

Thí sinh Trương Hải Đức
Thí sinh Trương Hải Đức

Thí sinh đó là em Trương Hải Đức dự thi tại phòng số 54, là học sinh trường THPT Hoàng Văn Thụ Hà Nội. Cha của Đức, chú Trương Xuân Đông cho biết, trước đó 1 tuần do bị ho, gia đình đã mua thuốc chữa ho cho Đức uống, nhưng không ngờ, do phản ứng thuốc, Đức phát bệnh, trong 1 tuần Đức lên tới 7 kg. Khi nhập viện, bác sĩ cho biết, chỉ để thêm 2 ngày Đức sẽ không thể thở được.

Trong 3 ngày thi Đức vẫn phải ở trong bệnh viện điều trị. Trước khi đến địa điểm thi em đều được bác sĩ tiên thuốc và dặn, chỉ cần em có hiện tượng choáng phải lập tức đưa vào viện ngay, không được dùng bất cứ một hình thức can thiệp nào.

Cũng theo lời kể của chú Trương Xuân Đông, trong quá trình thi, vài lần Đức bị đau đầu nhưng em vẫn cố gắng hoàn thành hết bài thi, quyết không bỏ cuộc. Chú Đông cũng tâm sự, Đức là đứa con ngoan, điểm thi tốt nghiệp của em khá cao: Hóa: 10, Toán: 9,5, Lý: 6.

“Tôi cũng rất cảm kích với Hội đồng thi trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội. Nhà trường đã tạo mọi điều kiện thuận lợi để Đức được dự thi một cách tốt nhất. Bản thân gia đình tôi được nhà trường mời vào hội trường ngồi để kịp thời báo khi Đức gặp vấn đề sức khỏe”, chú Đông chia sẻ.

Nhà sư người Khmer và ước mơ vào đại học

Trong kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2010 tại hội đồng thi trường THPT Châu Văn Liêm, Q. Ninh Kiều, TP. Cần Thơ có một nhà sư người Khmer dự thi. Đó là sư Danh Hữu Lộc, người Khmer đang tu tại chùa Pô Thi Sôm Rôm thuộc Q. Ô Môn, TP. Cần Thơ.

xzxzx
sư Danh Hữu Lộc. Ảnh: gdtd.vn

Sư Hữu Lộc quê ở xã Thới Xuân, huyện Cờ Đỏ (Cần Thơ) vào chùa tu từ năm học lớp 11. Ở chùa vừa tu vừa học và sư Hữu Lộc đã đỗ tốt nghiệp THPT. Với nguyện vọng muốn nâng cao trình độ nên sư xin nhà chùa cho đăng kí thi vào ngành Điện tử trường ĐH Cần Thơ.

Ngày đi thi, sư Hữu Lộc vượt hơn 40 km đến TP. Cần Thơ để dự thi. Rất may sư đã tìm được một ngôi chùa ở gần hội đồng thi để ở trọ miễn phí trong suốt kỳ thi. Sư Danh Hữu Lộc cho biết: Tôi có ước vọng sẽ tiếp tục được tu và học để nâng cao trình độ. Nếu nhà chùa không có kinh phí hỗ trợ thì tôi sẽ tự đi học nhưng vẫn tu hành. Ở môn Toán tôi làm được hơn 5 điểm, tôi sẽ cố gắng hết mình để thi tốt và đỗ vào Đại học

Dịch vụ trông giữ điện thoại di động miễn phí

Tại HĐT trường ĐH Đông Á, các tình nguyện viên của điểm Tiếp sức mùa thi đã có sáng kiến trông giữ ĐTDĐ miễn phí cho các thí sinh. Mỗi thí sinh gửi ĐTDĐ sẽ được nhận một phiếu có số CMND cùng chữ ký của thí sinh và tình nguyện viên.

Sinh viên tình nguyện
Các sinh viên tình nguyện với "dịch vụ" giữ điện thoại miễn phí. Ảnh: gdtd.vn

Mỗi ĐTDĐ thí sinh nhờ giữ hộ sẽ được bỏ trong một phong bì dán kín, thí sinh sẽ ký tên giáp lai ngay mép phong bì. Sau buổi thi, thí sinh sẽ trình CMND và giấy báo dự thi trùng khớp với tên đã đăng ký khi gửi ĐTDĐ để lấy lại. “Dịch vụ” miễn phí này dã được rất nhiều thí sinh ủng hộ.
 
Trong đợt 1 kỳ tuyển sinh ĐH, CĐ năm nay, mặc dù phương tiện truyền thông cũng như tại các Hội đồng thi, việc không được đem điện thoại di động vào phòng thi đã được phổ biến rất kỹ. Tuy nhiên, thực tế, chủ yếu trường hợp thí sinh bị đình chỉ thi vẫn là do mang điện thoại di động. Vì vậy, sáng kiến của HĐT trường ĐH Đông Á thực sự đáng được nhân rộng.

Câu chuyển cảm động về Sư cô đưa thí sinh nghèo đi thi

Vô cùng cảm động là trường hợp một TS được một sư cô năm nay hơn 60 tuổi đã vượt đường xa gần 100 km đưa  đi thi. Sư cô với pháp danh là Huệ Phú, đang tu tại chùa Ấn Tâm, thị trấn Càng Long, tỉnh Trà Vinh cùng đệ tử là em Võ Thị Bích Duyên đi thi ở Cần Thơ.

Sư cô căn dặn e Duyên trước khi vào làm thủ tục thi

Em Bích Duyên phải xa cha từ nhỏ, gia đình quá khó khăn nên em và mẹ phải vào chùa Ấn Tâm để nương nhờ và ở luôn trong chùa. Em Duyên được nhà chùa cho đi học, bằng sự dạy dỗ của mẹ và các sư cô nên Duyên là một HS ngoan, học giỏi. Năm nay em thi ngành Quản trị kinh doanh và Hoá dược trường ĐH Cần Thơ. Vì hoàn cảnh khó khăn nên em Bích Duyên được sự hỗ trợ của chương trình Tiếp sức mùa thi do Báo Lao động kết hợp với Liên đoàn Lao động 13 tỉnh ĐBSCL tổ chức.

Ngày Duyên đi thi có xe lớn đưa rước, riêng sư cô Huệ Phú đi xe gắn máy theo để ủng hộ Duyên yên tâm thi tốt. Sư cô cho biết: Từ nhỏ cháu chưa đi đâu xa và không biết đường xá ở Cần Thơ nên cô đi theo chỉ dẫn cho cháu yên tâm.

Vì cháu thi 2 đợt ở hai hội đồng thi khác nhau nên cô theo cháu để tiện việc chăm sóc, tìm nơi ăn ở ổn định để cháu thi tốt. Tuy vượt quãng đường xa gần 100 km nhưng sư cô Huệ Phú luôn bên cạnh Bích Duyên và chỉ dẫn, động viên em chuẩn bị tốt cho kỳ thi. Em Duyên tâm sự: Năm nay em thi ngành Quản trị kinh doanh và Hoá dược, em sẽ cố gắng thi tốt để không phụ lòng mong mõi của sư cô.        

Nhóm PV

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ