Những nghệ sĩ sân khấu kịch say nghề để dâng đời

GD&TĐ - Liên hoan các trích đoạn hay nghệ thuật Sân khấu toàn quốc năm 2023 khép lại đã nhân không ít niềm vui khi nghệ sĩ được thêm say nghề để dâng đời.

Nghệ sĩ Phương Chi xuất sắc với vai Thái hậu Nguyễn Thị Anh tại Liên hoan các trích đoạn hay nghệ thuật Sân khấu toàn quốc năm 2023. Ảnh: NVCC.
Nghệ sĩ Phương Chi xuất sắc với vai Thái hậu Nguyễn Thị Anh tại Liên hoan các trích đoạn hay nghệ thuật Sân khấu toàn quốc năm 2023. Ảnh: NVCC.

Bất ngờ với chính mình

“Đây là liên hoan mang ý nghĩa nhân văn vì đã tạo điều kiện cho các thế hệ nghệ sĩ thể hiện khả năng của mình khi trước đó nhiều tài năng còn bị bỏ sót vì chưa có điều kiện tham gia các kỳ hội diễn khác.

Liên hoan này cũng là cách “duyệt binh” lực lượng sân khấu – một việc làm rất cần thiết vì sân khấu có thành công hay không đầu tiên phải dựa vào lực lượng biểu diễn.

Ai cũng biết kinh phí hoạt động không nhiều song Hội vẫn tổ chức thành công liên hoan, thu hút sự quan tâm của đông đảo nghệ sĩ thì phải là những người có tâm, có tầm và rất yêu thương nghệ sĩ. Khi đó, anh em được tụ hội dưới mái nhà chung, vượt qua giông bão cùng giữ gìn nghiệp Tổ” - Đạo diễn, NSND Hoàng Quỳnh Mai.

Trở về từ liên hoan, nghệ sĩ trẻ Phương Chi (Đoàn Cải lương - Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh Nam Định) vẫn vẹn nguyên cảm xúc khi vai diễn Thái hậu Nguyễn Thị Anh trong trích đoạn “Sám hối” (vở “Oan tình Lệ Chi Viên”) của mình xuất sắc tỏa sáng và giành Huy chương Vàng.

Đây là vai diễn đào độc đầu tiên của Phương Chi vì từ trước cô thường đảm nhiệm và thành công với vai đào thương. Từ việc đạo diễn giao vai mà cô được khám phá thêm về khả năng của bản thân để rồi thấy bất ngờ khi mình hợp vai đến thế.

“Tôi đã vỡ òa cảm xúc vì chưa được thử sức với dạng vai diễn này, và biết rằng mình đã lựa chọn đúng. Tôi cũng hạnh phúc khi được tham gia liên hoan để có cơ hội va chạm, cọ xát, bổ sung, rèn luyện…”, nghệ sĩ Phương Chi chia sẻ.

Thực ra, Nguyễn Thị Anh là vai diễn Phương Chi tập luyện với dự định tham dự Liên hoan Cải lương toàn quốc 2021 được tổ chức tại Long An vào năm ngoái. Nhưng vì thời gian chuẩn bị gấp và phải di chuyển xa trong khi kinh phí có phần eo hẹp nên Đoàn Cải lương (Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh Nam Định) chưa thể tham dự.

Đến dịp này, cô mới được cùng đồng nghiệp thi tài và cả 3 trích đoạn của đoàn xuất sắc giành huy chương (2 Huy chương Vàng, 1 Huy chương Bạc).

Là nghệ sĩ trẻ, mặc dù vẫn phải làm thêm (MC hội nghị, hát đám cưới…) để trang trải cuộc sống nhưng Phương Chi vẫn đắm say với nghệ thuật truyền thống, chăm chút cho từng vai diễn của mình.

“Chúng tôi luôn cố gắng ổn định cuộc sống để có đủ sức mạnh theo nghề, gìn giữ nghiệp Tổ. Chúng tôi rất mong được Nhà nước quan tâm hơn nữa để giúp nghệ sĩ có thêm động lực sáng tạo, rút ruột nhả tơ dâng đời…”, Phương Chi bày tỏ.

Với NSƯT Thiên Hoa (Đoàn Truyền thống, Nhà hát Cải lương Việt Nam) thì đó là cảm xúc nghẹn lòng. Chị cũng xuất sắc giành Huy chương Vàng cho vai diễn hoàng hậu Thượng Dương trong trích đoạn “Đêm trước ngày hoàng đạo”.

Đây là vai đào độc, vốn thuộc sở trường nên chị không quá khó trong việc tạo hình tượng, ca - diễn. Vậy nhưng, những cái khó bủa vậy Thiên Hoa là việc nhà hát có chủ trương không đầu tư mà cá nhân nghệ sĩ dự thi phải tự túc chuẩn bị.

Không có sàn tập nên Thiên Hoa chỉ có khoảng 10 ngày xoay xở, trong đó chỉ có 2 buổi tập tổng thể. Trước đó, chị mới mắc Covid nên sức khỏe yếu hơn nhiều. Vậy nhưng, được anh em đồng nghiệp hỗ trợ miễn phí nhiệt tình và với sự quyết tâm cao (tay chân thâm tím, bật máu… lúc thi diễn), cuối cùng chị đã gặt hái thành công.

“Niềm hạnh phúc này đến với tôi thật đặc biệt và cũng thật không ngờ. Đến giờ tôi vẫn nghẹt thở trong niềm vui và lòng biết ơn. Tôi biết ơn những người bạn đã đồng hành với mình, biết ơn người lên ý tưởng và tổ chức cuộc thi được xuất phát bằng cả tấm lòng trân trọng những kiếp tằm.

Tôi mong liên hoan được tổ chức thường xuyên hơn để góp phần bảo tồn văn hóa nghệ thuật truyền thống. Đây cũng là dịp nghệ sĩ hoạt động ở các loại hình nghệ thuật được tụ hội, dõi theo và cùng cổ vũ nên cảm xúc đặc biệt vô cùng”, NSƯT Thiên Hoa xúc động nói.

Gieo nhiều cung bậc cảm xúc

Dù là lần đầu tiên tổ chức nhưng Liên hoan các trích đoạn hay nghệ thuật Sân khấu toàn quốc năm 2023 vẫn quy tụ gần 500 nghệ sĩ thuộc 33 đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp ở ba miền đất nước.

“Với sự lao động nghệ thuật miệt mài nghiêm túc, liên hoan mang đến cho đông đảo khán giả yêu thích nghệ thuật sân khấu những cảm nhận sâu sắc, sự thấu hiểu hơn những người làm nghề, khám phá và hiểu biết nhiều hơn những giá trị tinh hoa của sân khấu dân tộc.

Chúng tôi hy vọng, các tỉnh, thành phố quan tâm hơn nữa trong việc đầu tư cơ sở vật chất, nguồn nhân lực, đào tạo đội ngũ văn nghệ sĩ trẻ kế cận để nâng cao chất lượng các loại hình nghệ thuật sân khấu để phục vụ đời sống tinh thần nhân dân…”, NSND Trịnh Thúy Mùi - Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, Trưởng ban Chỉ đạo Liên hoan tâm huyết nói.

Diễn ra trong suốt hơn 10 ngày tại Hà Nam (từ 30/5 đến 1/6), liên hoan đã thu hút sự quan tâm của đông đảo khán giả. Cũng bởi, đây thực sự là bữa tiệc nghệ thuật đa sắc vì chỉ thiếu múa rối còn lại các loại hình nghệ thuật như: Kịch, cải lương, chèo, tuồng, ca kịch, xiếc đều hội đủ. Đặc biệt, chiếm ưu thế là các loại hình kịch hát dân tộc khi có tới 85/106 trích đoạn tham dự.

Theo nhà viết kịch, TS Đăng Chương - Chủ tịch Hội đồng Giám khảo liên hoan, sự phong phú đa dạng về đề tài trong các trích đoạn là minh chứng cho ý thức trách nhiệm, quyết tâm tìm tòi, gạn đục khơi trong, phản ánh trực diện hoặc lấy chuyện xưa để nói nay, nhằm đề cập nhiều mặt của xã hội, con người trong tư duy sáng tạo của các nghệ sĩ. Chính điều này đã làm cho liên hoan có nhiều màu sắc, không nhàm chán, gieo được những cung bậc cảm xúc khác nhau cho khán giả.

Từ đề xuất, nên tổ chức liên hoan theo định kỳ 3 năm/lần song để nâng cao chất lượng, ông Chương bày tỏ những băn khoăn về một số trích đoạn còn “gieo vừng ra ngô” hoặc chưa thực sự xuất sắc thậm chí thể hiện sự nghiệp dư về nội dung, kết cấu tác phẩm, phương pháp nghệ thuật, cách thức dàn dựng, hình thức thể hiện và công tác hậu đài.

Nhất là sự lặp lại các trích đoạn khá phổ biến, thậm chí lặp đến 6 lần như “Đôi lứa xứng đôi”. “Phần lớn trích đoạn (Đôi lứa xứng đôi) đều giống nhau như được đúc từ một khuôn… Thực tế đó là bằng chứng sinh động về sự sáo mòn, già cỗi, lặp lại chính mình, nhâm nhi quá khứ của người sáng tạo trong nhiều năm qua, biến nghệ sĩ biểu diễn trở thành “thợ diễn” trên sân khấu”, ông Chương lưu ý.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Hệ thống THAAD của Mỹ.

Kích hoạt vụ phóng Oreshnik mới

GD&TĐ - Theo Reuters, lực lượng tên lửa Nga có thể phóng tiếp tên lửa Oreshnik vào Ukraine, sau khi bị Kiev tập kích lãnh thổ bằng ATACMS.

Hiểu rõ gen z là gì Khám phá mbti là gì