Những ngày "mò kim đáy biển" để phá vụ án Phan Văn Vĩnh

Từ vụ lừa đảo chỉ 55 triệu đồng, cơ quan điều tra đã phát hiện đường dây đánh bạc trực tuyến lớn nhất nước, liên quan hai tướng công an.

Những ngày "mò kim đáy biển" để phá vụ án Phan Văn Vĩnh

Cú lừa 110 thẻ cào điện thoại trị giá 55 triệu đồng qua Facebook do một hacker thực hiện vào giữa tháng 5/2017 đã hé lộ đường dây đánh bạc trực tuyến chục nghìn tỷ đồng có sự "bảo kê" của cựu Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát Phan Văn Vĩnh và cựu cục trưởng Cục cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao Nguyễn Thanh Hóa.

Các cán bộ điều tra, trinh sát trực tiếp tham gia chuyên án đã chia sẻ với VnExpress quá trình phát hiện vụ án đánh bạc có quy mô lớn nhất cả nước.

27 tháng vận hành game đánh bạc trực tuyến của Nam và Dương.

27 tháng vận hành game đánh bạc trực tuyến của Nam và Dương.

Nhận nhiệm vụ điều tra vụ lừa đảo 110 thẻ cào, Phòng An ninh điều tra Công an tỉnh Phú Thọ lần theo đường đi của chiếc thẻ với hàng loạt người cần xác minh, cuối cùng phát hiện chúng được Lê Văn Huy (21 tuổi, trú tại Quảng Trị) dùng để nạp tiền vào tài khoản chơi game bài trực tuyến. 

Điều tra nơi thụ hưởng thẻ cào, cơ quan điều tra phát hiện đó là Công ty cổ phần viễn thông và giải trí số Việt Nam (GTS) với người thành lập là bà Nguyễn Thị Thuỷ, địa chỉ ở phường Dữu Lâu, TP Việt Trì, Phú Thọ.

Xác minh việc kê khai thuế của GTS cho thấy, từ tháng 1 đến 4/2017, doanh nghiệp có tổng doanh thu lên đến hơn 2.135 tỷ đồng. Hơn nữa, thông tin về người làm chủ GTS càng làm dấy lên nghi ngờ của công an rằng doanh nghiệp có hoạt động mờ ám. Trong hồ sơ, chứng minh thư ghi bà Thuỷ sinh năm 1947 nhưng việc "bà lão nông dân 70 tuổi vẫn quản lý và điều hành doanh nghiệp có doanh thu nghìn tỷ là điều khó tin".

Lãnh đạo Công an tỉnh Phú Thọ lập tức yêu cầu kiểm tra kỹ "xem có hoạt động mua bán hóa đơn hay rửa tiền không".

Quá trình làm việc với GTS, cơ quan điều tra phát hiện doanh thu lớn trên có liên quan hoạt động của game Tip.Club. Đây là game bài trực tuyến quen thuộc trên mạng, quảng cáo rầm rộ. "Đại lý hoạt động công khai, thẻ cào dùng để nạp, đổi tiền ảo dùng chơi game đều của các nhà mạng có uy tín", một cán bộ điều tra chia sẻ.

Tiếp tục xác minh thông tin, cơ quan điều tra biết đây là game cờ bạc trá hình do công ty CNC điều hành. Tìm hiểu về công ty này, các trinh sát bất ngờ khi công ty có địa chỉ ở tại số 10 Hồ Giám, Hà Nội - trụ sở của Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (C50). Và cổng thanh toán NetViet của GTS chính là một trong các cổng thanh toán thẻ cho CNC - nơi con bạc có thể sử dụng thẻ viễn thông, thẻ game để nạp vào game bài mua tiền ảo đánh bạc.

Lúc này, các thông tin về mạng lưới đánh bạc trực tuyến dần hiện rõ nhưng nhiệm vụ trước mắt của các trinh sát là bắt bằng được Huy - kẻ lừa đảo 110 thẻ cào.

Lê Văn Huy có 6 tài khoản chơi game bài và dùng số điện thoại đăng ký Nguyễn Trà Giang, chủ quán Internet. Giang lại là cộng tác viên cho Phạm Văn Cường - đại lý cấp hai của hệ thống phát hành game Rikvip. 

Từ nhiều nguồn tin, 2h ngày 24/8/2017, tổ trinh sát vào đến Đà Nẵng, đến 5h sáng bắt đầu đi tìm Huy. Hai hôm sau, Huy bị bắt.

Mở rộng vụ án, mục tiêu tiếp theo là Phạm Văn Cường. Theo thông tin đăng trên mạng xã hội, Cường đang ở Đà Nẵng song thực tế lại "trốn nợ" tại quê nhà Gia Lai. 4h30 ngày 27/8, một tổ công tác nhận lệnh đi Gia Lai. Khi tìm được nhà Cường, trinh sát cho người tới hỏi thăm hàng xóm, bố mẹ anh ta thì đều nhận được câu trả lời: "Không có nhà".

"Chúng tôi đã đi hơn 400 km tới đây, giờ mà rút về là hỏng", một cán bộ điều tra của Phòng An ninh điều tra Công an Phú Thọ kể lại phút bế tắc. Không bỏ cuộc, một trinh sát gọi vào số hotline của Cường đăng quảng cáo trên mạng về mua bán tiền ảo Rik thì thấy có người nghe máy. Đầu dây bên kia là vợ Cường. Gọi xong, bằng nghiệp vụ kỹ thuật, Công an Phú Thọ "định vị" cuộc gọi ở khu vực nhà bố mẹ Cường. Các trinh sát "đánh bài ngửa", tới nhà gặp bố mẹ anh ta.

Trong căn nhà nhỏ, lợp mái rạ, khi trinh sát hỏi chuyện, bố Cường rất hợp tác, cho hay con trai về vì vợ sắp sinh. Do Cường vỡ nợ vì đánh bạc nên phải bán hết bốn căn nhà rồi trốn về quê, bố mẹ anh ta vì thế không dám nói với ai việc con trai trở về.

Cuối giờ chiều hôm đó, tổ trinh sát lại từ Gia Lai quay về Đà Nẵng, đưa Cường cùng đi. Do mất hết tài sản, Cường thấm thía hậu quả của đánh bạc nên hợp tác, chủ động cung cấp tài liệu cho cơ quan công an sau ba ngày làm việc.

Các trinh sát rút về Phú Thọ để tính toán tiếp, chuẩn bị cho "trận đánh lớn".

Vũ Văn Dũng tại TAND tỉnh Phú Thọ tháng 11/2018. Ảnh: Giang Huy.

Vũ Văn Dũng tại TAND tỉnh Phú Thọ tháng 11/2018.Ảnh: Giang Huy.

Nhận định muốn "cất lưới" cả hệ thống đại lý thì phải tấn công trước vào các "cá mập", Ban chuyên án chọn 3 đại lý cấp một lớn nhất là Tạ Quang Khoa ở Hà Nội, Vũ Văn Dũng ở TP HCM (Dũng "Sài Gòn") và Lê Anh Dũng ở Đà Nẵng (Dũng "Đà Nẵng").

Ngày 22/8/2017, các tổ trinh sát tỏa đi các tỉnh. Tại TP HCM, sau hai ngày truy tìm, các trinh sát đã phát hiện ra Vũ Văn Dũng nhưng chưa bắt ngay. 

Trong lúc đó, nhóm tại Hà Nội vẫn chưa xác định được Tạ Quang Khoa đang ở đâu. Mũi trinh sát điều tra ở Đà Nẵng chưa tìm được tung tích Lê Anh Dũng. Đến tối 23/8/2017, trinh sát mới xác định Lê Anh Dũng đang ở Đà Nẵng nhưng 23h hôm đó anh ta lại vào Sài Gòn.

Ngày 24/8/2017, tổ trinh sát ở TP HCM bất ngờ nhận được tin báo từ tổ Đà Nẵng cho hay Lê Anh Dũng đã vào chỗ Vũ Văn Dũng. Chiều 26/8/2017, trinh sát vào nhà yêu cầu kiểm tra nhân khẩu, hành chính với lý do "người dân khai báo có nhiều người tới ở mà không đăng ký tạm trú, tạm vắng".

Công an lập tức yêu cầu tất cả người có mặt ở nhà phải xuống tầng một tập trung, đề phòng có trường hợp ở lại để xóa dữ liệu. Lúc này, lệnh bắt được Công an Phú Thọ công bố. Cả hai Dũng đều bất ngờ.

Các trinh sát chia nhau tiếp cận dữ liệu máy tính ở trong nhà Vũ Văn Dũng và thu thập được thông tin. Song đang làm việc được chừng hai tiếng thì quyền truy cập vào tài khoản Rikvip của hai đại lý này bỗng dưng bị "ngắt", trong khi các đại lý khác vẫn hoạt động bình thường.

Trong ngày 26/8/2017, hàng triệu người chơi game bài của hệ thống TipCub/RikVip bắt đầu xôn xao về việc Công an Phú Thọ bắt người.

Các con bạc hầu tòa tháng 11. Ảnh: Giang Huy.

Các con bạc hầu tòa tháng 11.Ảnh: Giang Huy.

Nhà chức trách cho hay đại lý của Lê Anh Dũng và Vũ Văn Dũng có tổng giao dịch mỗi tháng tới hơn 1.800 tỷ đồng. "Tổng doanh thu trong một năm của riêng Lê Anh Dũng đã lớn hơn tổng doanh thu của Nhà máy Super lân Lâm Thao ở Phú Thọ".

Việc bắt ba đại lý cấp một trên đã giúp Công an tỉnh Phú Thọ củng cố chứng cứ để từ đây triệt phá đường dây đánh bạc trực tuyến lớn nhất nước. Cơ quan điều tra sau đó phát hiện đường dây có sự bảo kê trong thời gian dài của Tổng cục trưởng Tổng cục cảnh sát Phan Văn Vĩnh và Cục trưởng Cục phòng chống tội phạm công nghệ cao Nguyễn Thanh Hóa. "Xác định đã động đến cả hệ thống, ban chuyên án xác định phải thu thập nhanh dữ liệu kẻo bị xóa. Thời gian tính bằng phút...", một điều tra viên nói.

Tháng 11/2019, trong 92 người bị xét xử, Khoa, Lê Anh Dũng và Vũ Văn Dũng mỗi người nhận án 3 năm tù. Cựu trung tướng Phan Văn Vĩnh bị phạt 9 năm tù, cựu thiếu tướng Nguyễn Thanh Hóa lĩnh án 10 năm tù.

Bản án xác định, sau 27 tháng vận hành trái phép game bài, đường dây đã liên kết với nhiều công ty cung cấp dịch vụ và xây dựng hệ thống gồm 25 đại lý cấp một và gần 6.000 đại lý cấp hai. Các bị cáo trong đường dây đã lôi kéo được gần 43.000 tài khoản đăng ký, tổng thu lời bất chính hơn 9.850 tỷ đồng. Trừ đi các chi phí đầu tư, vận hành, đường dây được hưởng 4.700 tỷ đồng.

Theo Vnexpress

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ