Những ngày ấm áp của thầy trò vùng cao

GD&TĐ - Những ngày giáp Tết Nguyên đán, khi những cành hoa mận, hoa đào đua nở khắp các sườn đồi, chân núi, thầy trò vùng cao lại cùng nhau tất bật dọn dẹp trường, lớp tạo không khí rộn ràng, nô nức đón mùa xuân.

Học sinh được trải nghiệm văn hóa ẩm thực địa phương.
Học sinh được trải nghiệm văn hóa ẩm thực địa phương.

Tết ở vùng cao

Trên cung đường khúc khuỷu, quanh co tại khắp các bản làng vùng cao, những cơn mưa phùn lất phất, làn sương vẫn còn vương vấn trong tiết trời se lạnh, mùa xuân về chính là thời khắc ghi dấu đất trời bắt đầu một vòng quay mới.

Bắc Kạn là một trong những tỉnh miền núi nằm ở phía Đông Bắc với điều kiện kinh tế xã hội còn gặp nhiều khó khăn, trong đó đồng bào người dân tộc thiểu số chiếm trên 80% dân số toàn tỉnh, gồm các dân tộc như: Tày, Nùng, Dao, Mông, Hoa và Sán Chay…

Với mong muốn gìn giữ, phát huy nét đẹp phong phú và văn minh trong nếp sống ngày Tết cổ truyền của người Việt, nhiều trường học vùng cao ở Bắc Kạn đã tổ chức các hoạt động tái hiện không gian đón Tết nhằm hướng cho học sinh hiểu và trân trọng một nét văn hóa đẹp, đậm đà bản sắc dân tộc.

Tại Trường Mầm non Vi Hương, xóm Nà Pái, xã Vi Hương, huyện Bạch Thông (Bắc Kạn). Mỗi dịp Tết đến xuân về, nhà trường lại tổ chức ngày hội đón Tết sớm cho các em học sinh với nhiều hoạt động trải nghiệm bổ ích và ý nghĩa.

Các con được tự tay làm các món ăn ngon.
Các con được tự tay làm các món ăn ngon.

Trao đổi với Báo GD&TĐ, cô Nguyễn Thị Minh - Phó Hiệu trưởng Trường Mầm non Vi Hương cho biết: Để học sinh hiểu và có những trải nghiệm thú vị nhân dịp Tết cổ truyền của dân tộc, nhà trường đã tổ chức tết sớm cho các em với chuỗi hoạt động nổi bật như “Ngày hội gói bánh chưng xanh” - hoạt động này có sự tham gia của toàn thể học sinh trong trường, dưới sự hướng dẫn của các cô giáo, các bậc phụ huynh và bà con dân bản cùng đến chung vui, giúp đỡ.

Trong ngày hội, các bé vừa được cô giáo kể lại sự tích về bánh chưng và được hướng dẫn cách làm bánh… Mỗi chiếc bánh chưng được làm từ nguyên liệu sẵn có của địa phương như gạo nếp cái hoa vàng, thịt lợn, đỗ xanh, lá dong. Các bé được tự tay rửa lá, lau lá, đong gạo, đỗ, gói bánh, buộc lạt… Bà con dân bản còn lên rừng hái lá, chẻ lạt để giúp các con có những trải nghiệm chân thực và thú vị nhất. Dưới sự hướng dẫn của cô giáo và phụ huynh, bạn nào cũng tự tay gói được một chiếc bánh chưng thật đẹp của riêng mình.

Có thể nói, đây là một trong chuỗi các hoạt động trải nghiệm được tổ chức thường niên theo các chủ đề, chủ điểm. Qua đó, giúp các con biết được ý nghĩa của ngày Tết cổ truyền, có thêm kỹ năng gói những chiếc bánh để cùng gia đình vui xuân đón Tết.

“Ngày hội gói bánh chưng xanh” còn là hoạt động ngoại khóa sáng tạo và bổ ích. Thông qua sự kiện này, nhà trường đã giáo dục các con về nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam cũng như tạo ra sân chơi lành mạnh để từ đó các con sẽ thêm yêu trường, yêu lớp và góp phần nâng cao chất lượng giáo dục vùng cao.

Các cô giáo chuẩn bị cây đào, cây mai đón Tết.
Các cô giáo chuẩn bị cây đào, cây mai đón Tết.

Lưu giữ những nét đẹp truyền thống

Tết ở vùng cao Bắc Kạn là không gian giao hòa của vạn vật cỏ cây hoa lá và của lòng người. Lễ hội xuân nơi đây thường rất đa dạng và đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc với cộng đồng người Tày, Nùng, Dao, người Mông cùng các lễ hội như Lễ hội Lồng Tồng; Lễ hội Xuống đồng… Mỗi lễ hội đều có nét đặc trưng riêng và được đồng bào các dân tộc tổ chức để cảm tạ núi rừng, cầu mong cho mùa màng tốt tươi, mưa thuận gió hòa và người dân mạnh khỏe, no ấm.

Hòa cùng điệu xuân mới và muôn sắc thiên nhiên, các trường học vùng cao cũng lồng ghép chương trình vui Tết cho học sinh với nhiều giá trị văn hóa đa dạng, phong phú. Bởi, Tết cổ truyền chính là dịp để các em được trực tiếp tham gia trải nghiệm các nét đẹp văn hóa truyền thống, được phô diễn những điệu múa, trang phục… tạo ra một luồng sinh khí mới, làm hồi sinh những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình.

Theo cô Nguyễn Thị Minh: Với ý tưởng sáng tạo, các thầy cô giáo đã đem đến cho học sinh sự trải nghiệm và khám phá thú vị về những không gian văn hóa của nhiều dân tộc, đồng bào. Ngày hội Tết cổ truyền được tái hiện náo nhiệt và sôi động ở các điểm trường với nhiều nét văn hóa mang đậm màu sắc và hơi thở của núi rừng vào xuân.

Các em sẽ được trải nghiệm không gian ẩm thực với những món ăn đặc trưng của dân tộc mình như bánh giày, bánh do, bánh trôi, xôi ngũ sắc, măng đắng, rau rừng, mèn mén…

Tại góc văn hóa là nơi các em được khám phá những nét đẹp về trang phục dân tộc với nhiều màu sắc, họa tiết được trang trí mang đậm màu sắc núi rừng, những lời hát Then, những điệu múa Khèn, bài múa Sạp khiến không gian xuân càng thêm rộn ràng, náo nức, để rồi tất cả những âm thanh, ca từ đó đã tạo nên một bản nhạc âm vang núi rừng.

Trong lễ hội đón xuân, không thể thiếu các trò chơi dân gian thú vị như kéo co, bịt mắt đánh trống, ném còn, leo cột… Tiếng cổ vũ, reo hò và những tiếng cười giòn tan, trong trẻo tạo nên không khí xuân đầm ấm, vui tươi.

Cô Nguyễn Mỹ Hạnh – Hiệu trưởng Trường Mầm non Tân Sơn, xã Tân Sơn, huyện Chợ Mới cho biết: Hòa chung không khí lễ hội tưng bừng, náo nhiệt của đồng bào các dân tộc tại địa phương, Trường Mầm non Tân Sơn cũng tổ chức hoạt động ngoại khóa với chủ đề gắn liền với các nghi lễ, lễ hội, phong tục của các dân tộc thiểu số trên địa bàn. Trong trang phục của dân tộc mình, các em học sinh sẽ được vui chơi, được ca hát và thưởng thức các món ăn ngon ngay tại không gian sân trường. Để từ đó, các em thêm tự hào, biết gìn giữ và phát huy truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc mình.

Dưới sự hướng dẫn của cô giáo và phụ huynh, bạn nào cũng gói được chiếc bánh chưng thật đẹp cho riêng mình.
 Dưới sự hướng dẫn của cô giáo và phụ huynh, bạn nào cũng gói được chiếc bánh chưng thật đẹp cho riêng mình.

Vượt núi về bản chúc Tết

Cũng theo cô Nguyễn Mỹ Hạnh, Tết không chỉ là dịp để gia đình quây quần bên nhau chuẩn bị chào đón một năm mới, cùng nhau trang trí nhà cửa, làm những món ăn mang đậm hương vị cổ truyền… Đối với giáo viên vùng cao, trước khi về nghỉ Tết, các thầy cô giáo còn có những chuyến đi vô cùng ý nghĩa, đó là băng đèo vượt núi về bản chúc Tết và ăn Tết cùng bà con ngay tại thôn bản. Đây chính là cách để tạo mối quan hệ gần gũi, gắn bó khăng khít, giúp bà con nâng cao nhận thức và hiểu về ý nghĩa của con đường học tập, qua đó góp phần phát triển sự nghiệp giáo dục vùng khó.

Những năm qua, khi Tết Nguyên đán cận kề, trước khi về nghỉ, thầy cô lại cùng nhau đóng góp mua những phần quà là bánh kẹo, mứt Tết, áo ấm để cùng lên núi, lên bản thăm tặng quà Tết cho học trò. Đây là chương trình vô cùng ý nghĩa được các trường tổ chức thường niên, là dịp để các thầy cô gặp gỡ phụ huynh thăm hỏi và nắm bắt hoàn cảnh của các em.

Những chuyến đi băng rừng, vượt núi mang mùa xuân đến với bản làng, đã thể hiện tình cảm, sự quan tâm của thầy cô đối với những học trò nghèo, học trò có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn tại các bản vùng sâu, vùng xa.

“Đối với riêng Trường Mầm non Tân Sơn, nhà trường còn thực hiện nhiệm vụ đỡ đầu cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn và mắc bệnh hiểm nghèo, do đó mỗi độ Tết đến xuân về, tập thể BGH nhà trường lại chung tay, góp sức thăm hỏi, chúc Tết và tặng quà các em cùng gia đình nhân dịp năm mới, qua đó nhằm chia sẻ, giúp đỡ các gia đình chính sách, gia đình có hoàn cảnh khó khăn được vui xuân đón Tết”, cô Nguyễn Mỹ Hạnh chia sẻ.

Đến nhà học trò chúc Tết, thầy cô còn được bà con dân bản mời ở lại ăn Tết, dù cuộc sống nơi đây còn thiếu thốn về vật chất nhưng bà con rất tình cảm, gần gũi, nghĩa tình, bữa cơm tất niên đôi khi chỉ vỏn vẹn với măng đắng, rau rừng, mèn mén hay là những chiếc bánh do gia đình tự gói, giản dị, mộc mạc nhưng thắm đượm nghĩa tình.

Song, những năm gần đây, khi tình hình dịch bệnh Covid-19 có nhiều diễn biến phức tạp, bên cạnh việc thăm hỏi, động viên các em học sinh và gia đình trước thềm năm mới, nhà trường còn tuyên truyền vận động đến từng học sinh, phụ huynh vui xuân đón Tết nhưng không quên nhiệm vụ đảm bảo quy định về an toàn và đặc biệt nâng cao ý thức phòng chống dịch bệnh.

Bằng những trái tim yêu thương ấm áp, thầy cô giáo vùng cao đã thắp lên ngọn lửa xua tan đi bao giá lạnh, nhen lên trong tâm hồn học trò khát vọng vươn lên. Đồng thời, những chuyến đi chúc Tết học trò đã trở thành những kỷ niệm đẹp trong tâm hồn mỗi thầy cô giáo vùng cao. Dẫu biết còn nhiều khó khăn và gian nan trên hành trình gieo chữ cho trẻ vùng cao nhưng bằng tình yêu thương và nhiệt huyết cháy bỏng, các thầy cô giáo vẫn luôn kiên trì bám trường, bám bản. Dồn sức quan tâm, động viên và tiếp thêm động lực cho các em học sinh nghèo để các em có một tương lai tươi sáng và bình đẳng. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tỷ lệ sinh tại Nam Á bắt đầu giảm.

Phụ nữ Nam Á ngại… sinh con

GD&TĐ - Ngày càng nhiều phụ nữ tại Nam Á không muốn sinh con vì những lý do như tài chính, trách nhiệm gia đình, thậm chí là lo sợ về ngày 'tận thế'.