Ăn phân của chính mình
Thỏ rừng Nhật Bản (Lepus brachyurus) là loài ăn đêm. Các bữa chính của nó bao gồm cỏ và lá cây. Nhưng vào ban ngày, thỏ rừng Nhật Bản vẫn “ăn nhẹ”, và “món nhẹ” ấy chính là phân nó vừa thải ra. Nói cách khác là đại tiện tới đâu, nhặt ăn lại tới đó. Nhờ cục phân vẫn còn tươi và mềm, nó chỉ việc nuốt chửng.
Ngoài thỏ rừng Nhật Bản, một số loài thỏ khác cũng có thói quen “ăn vặt” đặc biệt này. Nguyên nhân là vì phân thỏ vẫn còn chứa chất dinh dưỡng, do hệ thống đường ruột của thỏ chưa “xử lý” được triệt để trong lần tiêu hóa đầu tiên.
Thỏ rừng ăn phân của nó để hấp thụ nốt lượng dinh dưỡng còn sót lại trong phân |
Đôi khi, phân thỏ cũng bao gồm hai lớp, lớp màng cứng bao bọc bên ngoài và lớp mềm mịn bên trong. Thỏ cũng ăn luôn “viên nang” phân này. Các nhà khoa học cho rằng, phân thỏ có lớp màng cứng bao ngoài này là do thỏ muốn bảo vệ các vi khuẩn có lợi bên trong lớp lõi mềm, vì sợ axit trong dạ dày sẽ giết hết chúng khi thỏ ăn lại.
Nhờ đã qua tiêu hóa một lần, phân thỏ cũng là “món” dễ chịu cho dạ dày thỏ hơn là lá và cỏ tươi. Loài thỏ tuy không lớn nhưng ưa vận động, tiêu tốn khá nhiều năng lượng cho việc chạy nhảy. Vì thế, nó cần tận dụng thêm dinh dưỡng từ “món ăn vặt” dễ tiêu hóa trong lúc ẩn nấp vào ban ngày. Và phân của nó lại chính là thứ bổ béo nhất mà nó có thể tìm thấy.
Ăn đất
Ở Brazil, người ta phát hiện một loại vẹt đuôi dài màu vàng (Yellow-chevroned parakeets) ưa ăn đất ụ mối. Bình thường, loài vẹt này cũng tìm kiếm trái cây như các loài vẹt khác. No bụng rồi, chúng cần mẫn khoét thân cây mục để nới rộng tổ. Tuy nhiên, đôi khi vẹt đuôi dài màu vàng lại tạm dừng “gặm” thân cây mà bay đi “gặm” ụ mối.
Thấy lạ, một số nhà nghiên cứu bèn lấy một ít đất ụ mối mà vẹt đuôi dài màu vàng ăn, mang về phân tích và so sánh. Họ phát hiện đất ụ mối có khả năng trung hòa độc tố của thực vật. Ngoài ra, nó cũng giàu chất hữu cơ hơn đất bình thường, trong đó có chất phốt pho và kali.
Vẹt đuôi dài màu vàng ăn đất ụ mối để trung hòa độc tố từ thực vật |
Đến đây thì mọi chuyện đã quá rõ ràng. Mục đích thứ nhất của vẹt đuôi dài màu vàng khi ăn đất ụ mối là để trợ giúp hệ tiêu hóa giải độc. Còn mục đích thứ hai là bổ sung các chất cần thiết cho trứng, chính là phốt pho và kali.
Tương tự với vẹt đuôi dài màu vàng, đười ươi (Orangutan) cũng lựa chọn loại đất sét chứa nhiều khoáng chất cần thiết để bổ sung cho cơ thể. Sau khi ăn no lá và trái cây, đười ươi thường đi lại, ngó nghiêng trên mặt đất, bốc đất lên ngửi thử. Nếu “chấm” cục đất nào, nó sẽ đưa lên nhấm nháp một chút.
Cục đất được đười ươi lựa chọn là đất sét, có thể vẫn ẩm ướt hoặc đã khô. Trong đất sét có chứa chất sắt nhiều hơn đất thường. Nó còn có cả hợp chất muối Kaolin, thứ có tác dụng chữa bệnh tiêu chảy nữa.
Ngoài ra, đất sét cũng có tác dụng giữ ẩm cho thực vật đang chờ được tiêu hóa trong bụng đười ươi, giúp nó lên men và phân hủy tốt hơn. Đười ươi cũng rất kén cá chọn canh trong lúc chọn đất sét. Nó chỉ chọn những cục có hàm lượng sắt cực cao.
Đười ươi ăn đất sét để hạn chế bị tiêu chảy |
Ăn chất độc hại
Thỉnh thoảng, trên cây Plantago lanceolata, loài thực vật nổi tiếng có khả năng tiết ra hóa chất phòng thủ iridoid glycosides xua đuổi mọi động vật ăn lá đến gần, người ta vẫn thấy có một vài sâu bướm. Sâu bướm hổ gỗ (Parasemia plantaginis) chính là kẻ bạt mạng này. Món yêu thích của nó là rau xà lách đầy nitơ, hoặc là lá cây bồ công anh. Nhưng để sống trọn vẹn vòng đời, chúng đành nhắm mắt (nói cho hình ảnh thôi chứ sâu làm gì có mắt) nuốt một ít lá Plantago lanceolata vào bụng.
Khổ nỗi, đến thần dược còn có tác dụng phụ chứ nói gì chất độc. Sâu bướm hổ gỗ nếu nạp quá nhiều iridoid glycosides sẽ dần chuyển sang màu cam. Tất nhiên là với sắc màu rõ mồn một như thế trên phiến lá xanh ngăn ngắt, nó chẳng khác nào “lạy ông tôi ở bụi này” với chim ăn sâu. Ngay cả động vật mà lạm dụng “ăn vặt” quá cũng không tốt nữa!
Sâu bướm hổ gỗ bị đổi màu vì lạm dụng chất iridoid glycosides trong lá cây Plantago lanceolata |