Những mặt hàng "nóng" buôn lậu, gian lận thương mại năm 2010

Những mặt hàng "nóng" buôn lậu, gian lận thương mại năm 2010

(GD&TĐ) - Không chỉ vào cuối năm mà nhìn một cách tổng thể, tình hình buôn lậu, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm, gian lận thương mại diễn ra trong năm 2010 rất phức tạp trên các tuyến biên giới và địa bàn trọng điểm. Đặc biệt là ở các tuyến giao thông như Hà Nội - Quảng Ninh; Hà Nội - Lạng Sơn; TP. Hồ Chí Minh - Long An, Tây Ninh; tuyến An Giang - các tỉnh miền Tây; tuyến cửa khẩu Cầu Treo, Hà Tĩnh đi qua các tỉnh...

Than vẫn là mặt hàng xuất lậu sang Trung Quốc nhiều
Than vẫn là mặt hàng xuất lậu sang Trung Quốc nhiều

Đáng quan tâm là tình trạng khai thác trái phép, xuất lậu khoáng sản, nhất là than, quặng titan sang Trung Quốc diễn ra phức tạp, gây thất thoát nghiêm trọng tài nguyên của đất nước. Than vẫn là mặt hàng xuất lậu sang Trung Quốc nhiều, địa bàn chủ yếu là trên tuyến đường thủy Quảng Ninh. Các đối tượng sử dụng tầu thuyền có trọng tải vừa và nhỏ, thu mua than trái phép từ các bến bãi, cảng nhỏ và số đối tượng lợi dụng có hợp đồng vận chuyển than cho TKV, bán cho các doanh nghiệp ở phía Bắc, sau đó dùng tàu có trọng tải lớn, vận chuyển theo tuyến khơi xa để xuất lậu sang Trung Quốc.

Bên cạnh đó, các đối tượng lợi dụng vận chuyển nội địa quặng Titan từ các cảng miền Trung ra Hải Phòng, Quảng Ninh... khi ra ngoài khơi, chúng cắt đường chở sang Trung Quốc bán. Năm nay, Công an Hải Phòng đã khởi tố vụ tàu Phúc Sơn 138 vận chuyển trái phép 3000 tấn quặng Titan từ cảng Quy Nhơn bán sang Trung Quốc. Cục CSKT cũng đang điều tra vụ tàu Phú Hưng 03 của Công ty Hà Hải An, Nam Hà vận chuyển 3000 tấn Titan từ cảng Quy Nhơn sang Trung quốc. Trước tình hình trên, Cục CSKT đã xây dựng chuyên đề và làm việc với các cơ quan chức năng, các bộ chủ quản để bàn biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn hoạt động buôn lậu quặng Titan sang Trung Quốc.

Hoạt động buôn lậu thuốc lá ngoại vẫn tiếp diễn phức tạp ở các tỉnh Quảng Trị, Tây Ninh, Long An, An Giang, Đồng tháp gây thất thu lớn cho ngân sách Nhà nước và ngành thuốc lá. Thuốc lá Vinataba giả được sản xuất từ Trung Quốc được nhập lậu nhiều trên tuyến Móng Cái, Quảng Ninh. Ngày 07/05/2009, Chính phủ ban hành Nghị định số 43 quy định thuốc lá điếu, xì gà và các dạng thuốc lá thành phẩm nhập lậu là mặt hàng cấm, nhưng tình hình buôn bán, vận chuyển thuốc lá điếu nhập lậu vẫn không giảm do lợi nhuận cao. Lực lượng CSKT đã bắt giữ, xử lý hàng chục ngàn vụ, trong đó có những vụ với số lượng lớn như ngày 16/8/2010, Công an tỉnh Quảng Nam phát hiện bắt giữ vụ vận chuyển 10.500 bao thuốc lá “jet”; ngày 27/10/2010, Cục CSKT bắt giữ Lê Thị Lợi tàng trữ 18.000 bao thuốc lá ngoại các loại.

Tình trạng buôn lậu xe ô tô đã qua sử dụng từ Campuchia, Lào bằng thủ đoạn tạm nhập, tái xuất vẫn chưa giảm. Thủ đoạn chính là sau khi đưa ôtô từ Lào, Campuchia vào Việt Nam bằng hình thức tạm nhập, tái xuất, các đối tượng gắn nhãn mác, đục lại số khung, số máy của những ôtô cũ nát cho trùng với những thông số này trên xe ôtô đã tạm nhập, sau đó móc nối với cán bộ có thẩm quyền của các cơ quan chức năng để hợp pháp hóa bằng việc lập hồ sơ bán thanh lý dưới dạng xe cũ nát. Khi có được bộ hồ sơ thanh lý, các đối tượng đem hồ sơ đến phòng cảnh sát giao thông để đăng ký, hợp thức hóa cho ô tô đã nhập lậu. Cục CSKT đã phối hợp, chỉ đạo Công an TP. HCM, Hà Nội khởi tố, điều tra 2 vụ, thu giữ 25 xe ôtô các loại, trị giá trên 15 tỷ đồng; tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng rà soát, xác minh 1.916 xe ôtô tạm nhập từ Lào, Campuchia vào Việt Nam từ năm 2007 đến nay, đã hết hạn không tái xuất để đề xuất biện pháp xử lý.

Lợi dụng giá thị trường quốc tế tăng cao, tình trạng buôn lậu vàng, ngoại tệ xảy ra phức tạp và có dấu hiệu của hoạt động đầu cơ, thao túng thị trường làm giá cả biến động bất thường.

Hoạt động mua bán, vận chuyển, tàng trữ trái phép pháo các loại tuy giảm nhiều so với các năm trước nhưng vẫn diễn ở một số tỉnh, thành phố như Quảng Ninh, Lạng Sơn, Hà Nội... Đặc biệt, các đối tượng sử dụng phương thức, thủ đoạn hoạt động tinh vi hơn như đóng, cất giấu pháo trong các vỏ thùng bìa catton, bao... rồi gửi lên các phương tiện tàu, thuyền, ôtô...vận chuyển vào nội địa.

Điển hình ngày 27/1/2010, Công an tỉnh Lạng Sơn phát hiện, bắt giữ xe ôtô 29N - 4451 vận chuyển 10 kiện pháo trọng lượng 580 kg do Trung Quốc sản xuất. Ngày 12/2/ 2010, Công an Cao Bằng bắt và khởi tố Bế Thị Đẹp trú tại xã Ngọc Xuân - thị xã Cao Bằng đang tàng trữ 100kg pháo nổ... Nguyên nhân cơ bản của sự giảm là do Thông tư liên tịch số 06 ngày 25/11/2008 của Tòa án NDTC – Viện Kiểm sát NDTC –Bộ Công an hướng dẫn truy cứu trách nhiệm hình sự với các hành vi vận chuyển, mua bán, tàng trữ, sử dụng trái phép pháo nổ theo hướng tăng nặng hơn và công tác đấu tranh của các cơ quan chức năng quyết liệt hơn.

Tình hình xâm phạm sở hữu trí tuệ; sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm vẫn xảy ra nghiêm trọng và có chiều hướng gia tăng cả về tính chất cũng như mức độ vi phạm. Một số mặt hàng bị làm giả nhiều như thuốc chữa bệnh, rượu giả, các loại thực phẩm, ga, phân bón, thuốc lá điếu... Ngày 24/7/2010, Cục CSKT đã bắt quả tang xe ôtô vận chuyển 5 tấn phân bón giả tại huyện Thủy Nguyên – Hải Phòng. Công an TP.Hồ Chí Minh cũng đã bắt quả tang Huỳnh Văn Tiên và 13 đối tượng đang sản xuất thuốc tân dược giả, khám xét tại 9 c¬ së ®· thu giữ nhiÒu máy móc, dụng cụ, nguyên vật liệu dùng để sản xuất thuốc tây giả và nhiều thuốc tân dược thành phẩm.

Theo một lãnh đạo Cục CSĐT tội phạm về kinh tế, trong những năm gần đây, tình hình buôn lậu và gian lận thương mại như một căn bệnh trầm kha, rất khó kiểm soát và ngăn chặn triệt để. Để ngăn chặn triệt để tình trạng này, bên cạnh việc hoàn thiện hành lang pháp lý để cơ quan chức năng thực thi công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại thì mặt công tác này đòi hỏi phải có sự tham gia tích cực của cả hệ thống chính trị và người dân mới mong kiểm soát được và công tác chống buôn lâụ, gian lận thương mại mới đạt hiệu quả cao./.

Trà My

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ