Thậm chí một trường THPT cũng mạnh dạn đề xuất Sở GD&ĐT cho áp dụng thí điểm thực hiện mô hình này.
Khắc phục “bệnh” nói nhiều
Có mặt trong giờ học Toán của lớp 6.2 Trường THCS Nam Hà (TP Hà Tĩnh), chúng tôi đã thực sự bị các em cuốn hút bởi không khí học tập sôi nổi. Đặc biệt, lớp học lúc nào cũng ồn ã, vui vẻ vì ai cũng muốn được phát biểu ý kiến. Sau khi cô giáo hướng dẫn bài học, các nhóm cùng nhau đọc bài, đưa ra các ý kiến, thảo luận và phản biện nhau hết sức sôi nổi. Nếu chỉ nhìn các em làm việc theo nhóm, giao tiếp, hợp tác rồi đánh giá lẫn nhau trong giờ học, thì khó ai có thể tin đó chỉ là những cô, cậu học trò vừa mới bước qua bậc tiểu học.
Các em thật tự tin và đĩnh đạc. Tranh thủ lúc học sinh đang thảo luận nhóm, cô Lê Thị Quên - giáo viên chủ nhiệm lớp 6.2 niềm nở cho biết: “Ở những lớp học VNEN như thế này không còn tình trạng áp đặt dạy học một chiều của giáo viên và thụ động tiếp thu kiến thức của học sinh. Học sinh ngày càng tự tin hơn, mạnh dạn, chủ động tham gia các hoạt động của giáo dục... Đặc biệt giáo viên chúng tôi không còn mắc “bệnh” nói nhiều như trước”.
Đồng tình với quan điểm trên, cô Võ Thu Hiền - giáo viên dạy Văn Trường THCS Nam Hồng (Thị xã Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh) chia sẻ: “Trước đây, giáo viên chúng tôi cứ “thao thao bất tuyệt”, cô giáo thì cứ miệt mài giảng, còn trò thì cứ ngồi trật tự lắng nghe, ghi chép và gần như không có bất cứ sự tương tác, phản hồi nào từ học sinh với giáo viên.
Còn dạy theo VNEN thì khác, giáo viên phải dành thời gian quan sát học sinh, là người hướng dẫn học sinh học tập và trợ giúp các em khi có yêu cầu. Mặc dù mới dạy được mấy tháng, nhưng nếu bảo tôi quay trở lại dạy lớp truyền thống chắc tôi sẽ kiến nghị với Ban giám hiệu để được dạy ở lớp VNEN”.
Qua tìm hiểu được biết, 14 trường THCS của Hà Tĩnh đang áp dụng thí điểm Mô hình VNEN ở khối 6, bước đầu đã có những chuyển biến tích cực. Cô Nguyễn Mai Anh - Hiệu trưởng Trường THCS Nam Hà (TP Hà Tĩnh) chia sẻ: Hiện nhà trường có 18 lớp với 713 học sinh đang được học theo Mô hình VNEN. Thời gian đầu đúng là gặp nhiều khó khăn.
Nhưng quan điểm của chúng tôi là vừa làm, vừa rút kinh nghiệm, trên tinh thần học hỏi lẫn nhau. Đặc biệt là phải làm đâu chắc đấy. Đến nay, cả giáo viên và học sinh đã bắt nhịp với mô hình này. Nếu được hỏi các giáo viên, học sinh đã và đang dạy, học theo Mô hình VNEN, tôi có thể khẳng định rằng, chắc chắn sẽ không ai muốn quay lại lớp học truyền thống”.
Không rập khuôn, máy móc
Qua quan sát cho thấy, lớp học VNEN ở bậc THCS cũng được đổi mới từ cách sắp xếp bàn ghế đến trang trí trong lớp. Học sinh trong nhóm được ngồi đối diện nhau, có lối đi thuận tiện cho giáo viên. Các góc dùng chung, các trang thiết bị khác không nhất thiết phải trang bị nhiều mà phải tùy thuộc vào điều kiện cụ thể của từng trường..
Cả 4 phía của lớp học đều phải được bố trí để có thể trở thành nơi tổ chức các hoạt động dạy học cho cả lớp hoặc cho một tổ nhóm học sinh. Điều đặc biệt, lớp học mới không nhất thiết phải trong phòng học mà có khi tổ chức ở vườn sinh học, nhà truyền thống, xưởng trường... tùy theo môn học, bài học cụ thể.
Trong lớp học, các em được tổ chức theo các nhóm học tập. Nhóm này làm việc dưới sự “điều hành” của nhóm trưởng, hội đồng tự quản luân phiên và mỗi em đều có vai trò nhất định trong nhóm, khi cùng nhau nghiên cứu tài liệu học tập, suy nghĩ, trao đổi, tranh luận và cùng đi đến việc hiểu được bài học. Các hoạt động học của các nhóm học sinh diễn ra dưới sự điều khiển, hướng dẫn và giúp đỡ của giáo viên. Qua việc học và hoạt động theo nhóm, các kỹ năng của học sinh sẽ được phát triển nhiều hơn như: Kỹ năng hợp tác, tư duy logic, khả năng phản biện...
Theo ông Trần Trung Dũng - Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Tĩnh, để triển khai Mô hình Trường học mới ở cấp THCS, ngành Giáo dục Hà Tĩnh thành lập bộ phận thường trực cấp sở, cấp phòng; đã tập huấn, học tập kinh nghiệm từ các trường đã tổ chức triển khai tốt của các tỉnh bạn. Các nhà trường được Phòng GD&ĐT lựa chọn đã chủ động bố trí, sắp xếp lực lượng giáo viên dạy lớp 6 theo Mô hình lớp học mới.
Qua kiểm tra cho thấy, các đơn vị đã chuẩn bị khá tốt điều kiện về cơ sở vật chất, bố trí lớp học theo đúng Mô hình VNEN và việc sắp xếp giáo viên dạy lớp 6 cũng hợp lý. Ngoài ra, hoạt động dạy học đã đi vào nề nếp, giáo viên giảng dạy bước đầu đã tiếp cận đúng hướng hình thức dạy học mới; học sinh tích cực, chủ động, hào hứng với cách thức tổ chức dạy học mới và thể hiện được vai trò tự quản của mình trong lớp học.
Còn Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Tĩnh Nguyễn Thị Hải Lý lưu ý: Các trường không làm hình thức, rập khuôn, máy móc phải biết phát huy bản lĩnh, tính phản biện của các em học sinh, giúp các em mạnh dạn phát biểu ý kiến.
“Có một số ý kiến cũng cho rằng dạy theo VNEN, cô giáo khỏe hơn vì không phải soạn giáo án và nói ít hơn lớp truyền thống. Nghe vậy tôi giật mình. Điều đó có phần đúng nhưng dạy mô hình này đòi hỏi giáo viên phải trí tuệ và tâm huyết hơn rất nhiều. Cụ thể, giáo viên phải chuẩn bị, tìm hiểu, dự báo, dự đoán tình hình lớp học, nội dung riêng để phát triển năng lực của từng em. Điều mà tôi lo lắng nhất ở mô hình này là giáo viên khoán trắng, hướng dẫn chung chung cho học sinh khi thấy các em đã quen với cách dạy, cách học mới” - bà Lý bộc bạch.
“Chúng tôi yêu cầu các trường, không được nóng vội, có thể chậm nhưng phải chắc và bền vững. Vì thế có những trường đăng ký với Sở để được áp dụng VNEN, nhưng qua kiểm tra, khảo sát chúng tôi thấy chưa đủ điều kiện nên kiên quyết không đồng ý.
Tuy nhiên, chúng tôi cũng khuyến khích các trường, tùy từng điều kiện cụ thể của đơn vị mà có thể nhân rộng từng phần của Mô hình VNEN. Chẳng hạn như: Cách bố trí lớp học, thành lập Hội đồng tự quản...”.
Bà Nguyễn Thị Hải Lý.