Quả chín đỏ cây, rụng đỏ gốc, còn chủ vườn thì “đỏ” mắt tìm người mua... Ngành Giáo dục đã chung tay giải cứu, “đi buôn” cùng người dân.
Được mùa mất giá…
Nà Tấu là xã chuyên canh trồng mận của TP Điện Biên Phủ. Toàn xã có 36,5ha mận, trong đó 26,5ha đang cho thu hoạch. Từ giữa tháng 5 đến nay, mận vào vụ chín rộ đỏ cây. Song do dịch bệnh nên nhiều chủ vườn để mận chín rụng đầy gốc mà cũng chẳng thèm thu hái.
Phiêng Ban là bản có tiếng bởi giống mận hậu quả to, đẹp, phủ lớp áo phấn, nhiều người ưa chuộng. Năm nay, nhiều nông dân ở đây cũng phải điêu đứng vì ế ẩm.
Gia đình chị Lò Thị Hương, bản Phiêng Ban trồng 30 gốc mận hậu. Như mọi năm, giá mận nhà chị luôn ở mức cao từ 30.000 – 60.000 đồng/kg, bán đổ giá thấp nhất cũng từ 12.000 – 15.000 đồng/kg. Đa phần là phục vụ khách du lịch và xe khách từ Điện Biên về các tỉnh miền xuôi.
“Như mọi năm, nhà tôi chủ yếu bán vào thời gian cao điểm mùa du lịch, khoảng cuối tháng 4, đầu tháng 5. Năm nay vướng dịch, không có khách du lịch. Các tuyến vận tải đi ngoại tỉnh dừng hoạt động nên chẳng bán được đi đâu. Mận chín để rụng đầy gốc. Tiếc của, tôi mang ra đường quốc lộ bán giá vớt vát với giá 10.000 đồng/kg mà cũng chẳng có khách mua” – chị Hương cho hay.
Người trồng ít đã khó, trồng nhiều như gia đình anh Lò Văn Bắc lại càng khó hơn. “Nhà tôi có 200 gốc. Thông thường cứ bán rải rác đến cuối tháng 5 là hết. Bình quân mọi năm cũng phải được 60 – 70 triệu đồng, mà năm nay đến giờ này mới chỉ thu về vài triệu”, anh Bắc than thở.
Ông Lò Văn Toản, Chủ tịch UBND xã Nà Tấu cho biết: Năm nay thời tiết thuận lợi nên mận được mùa. Mỗi cây khoảng 7 năm tuổi trở lên có thể cho sản lượng chừng 5 tạ quả. Tổng sản lượng toàn xã ước tính đạt khoảng trên 80 tấn. Hiện tại đã là cuối vụ, song lượng sản phẩm bán ra của bà con không đáng là bao. Phần lớn chủ vườn vẫn để quả rụng tự nhiên.
Cũng theo ông Toản, tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh mới ổn định khoảng vài ngày trở lại đây, nên bà con mới bắt đầu có thu từ mận. Song nguồn xuất hàng lại dựa vào khách du lịch, trong khi hoạt động này vẫn gần như “đóng băng”. “Có lúc 1kg mận chỉ bán giá 5.000 đồng, thậm chí 2.000 – 3.000 đồng, có khi chỉ bằng mớ rau mà còn không có người mua” – ông Toản nói.
Cô, trò cùng đi “buôn”
“Đứng nhìn nông dân của mình đỏ mắt tìm người mua chúng tôi không đành lòng. Tôi đã báo cáo lên lãnh đạo thành phố và phát động kêu gọi các đơn vị, tổ chức đoàn thể địa phương cùng chung tay “giải cứu” mận. Rất may, Bí thư Thành ủy rất ủng hộ. Ngay trong ngày đầu tiên Phòng GD&ĐT thành phố đã đăng kí 1 tấn”, ông Mùa A Kềnh, Bí thư Đảng ủy xã Nà Tấu tâm sự.
Từ ngày 5/6, thành phố đã bố trí 3 điểm hỗ trợ bán mận tại các chợ trung tâm. Cô Đàm Thị Thanh Thảo, Phó Bí thư Đoàn Trường THPT Nà Tấu cùng với một số đoàn thể xã phụ trách điểm bán tại chợ Mường Thanh. Ngày đầu “giải cứu”, ngay khi vừa chuyển xuống gần 150kg mận, người mua đã tới ủng hộ vơi nửa, với giá ổn định từ 7.000 – 10.000 đồng/kg.
Vì số lượng người đến đông, nên cô Thảo bố trí học sinh đứng ra nhắc nhở, hướng dẫn mọi người thực hiện nghiêm túc việc đeo khẩu trang, giữ khoảng cách, sát khuẩn tay trước và sau khi mua hàng. Người mua vui vẻ chấp hành, còn những thành viên trong đoàn “giải cứu” mới gần nửa buổi đã mướt mồ hôi.
Cô Thảo tâm sự: “Khi nói chuyện với học sinh, nghe các em tâm sự mận nhà chín rụng hết, không bán được mà xót xa. Chúng tôi đã vận động nhau đến tận vườn mua ủng hộ nhưng số lượng không nhiều. Nghe xã phát động “giải cứu”, chúng tôi đã nảy ra ý tưởng đi buôn giúp bà con. Mỗi điểm bán đều có sự phối hợp giữa thầy cô giáo, học sinh và các đoàn thể của xã, phường hỗ trợ”.
Cùng tham gia “chiến dịch giải cứu” chính mận của gia đình, nên em Lò Thanh Thảo, bản Phiêng Ban rất tích cực. Thảo cũng nhận được sự khuyến khích lớn từ gia đình. “Em cùng mọi người trong gia đình dậy từ 4 giờ sáng để vặt cho tươi ngon, 6 giờ cùng cô giáo chở mận xuống thành phố bán. May mắn là nhiều người ủng hộ, giờ không chỉ nhà em mà gia đình nhiều bạn khác cũng bán được mận”, Lò Thanh Thảo nói.
Theo cô Thảo, mận vãn tới đâu sẽ gọi về cho các phụ huynh và học sinh ở nhà hái, rồi các thầy cô vận chuyển tiếp tế ra tới đó. Cô trò làm thế để lúc nào cũng có mận tươi cho khách thoải mái lựa chọn. Ngoài ra, để hạn chế tụ tập đông người, các thành viên đã đăng thông tin lên Facebook, khuyến khích mọi người đặt mua rồi mang đến tận nhà. Trung bình mỗi buổi nhận được vài chục đơn hàng.
Bà Lê Thị Hồng, Trưởng phòng GD&ĐT thành phố Điện Biên Phủ nói: “Nhìn hình ảnh những vườn mận quả rụng đỏ gốc mà Bí thư Đảng ủy xã Nà Tấu gửi, chúng tôi rất thương bà con. Tôi nghĩ, ngành Giáo dục đông như vậy, chỉ chung tay chút thôi là hỗ trợ bà con được rất nhiều. Trước khi gửi phát động đến các trường, phòng chỉ dám đăng kí 1 tấn. Nhưng không ngờ ngay trong ngày đầu tiên số lượng đặt mua đã hơn 3 tấn, với mức giá 10.000 đồng/kg”.
“Từ ngày phát động đến nay, với sự chung tay của thầy cô giáo và các đoàn thể địa phương, trung bình mỗi ngày xã đã bán ra được khoảng 2 tấn. Chúng tôi phân bổ thu mua đều từ các gia đình, để đảm bảo mỗi gia đình còn mận đều được tiêu thụ. Mặc dù không giải quyết được hết khó khăn cho bà con, song được ít nào bà con mừng ít đó” – ông Kềnh nói.