Dự án nhằm giúp các em học sinh nâng cao thể lực, phát huy khả năng, thế mạnh của mình.
“Bóng chuyền cộng đồng”
Đam mê môn bóng chuyền từ nhỏ, anh Nguyễn Hải Trường (sinh năm 1989), trú huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam, thường trú tại quận Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng) luôn ấp ủ sẽ mở những lớp học bóng chuyền cho các em học sinh, dạy miễn phí cho những em nghèo.
Ra Đà Nẵng đi học, sau đó tốt nghiệp ngành Công nghệ thông tin và hiện đang làm việc cho Tổ chức Giáo dục A Different tribe (ADT) của Bỉ, anh Trường vẫn đau đáu với ước mơ của mình. Và đến năm 2018, đem ước mơ của mình tâm sự cùng nhóm bạn và được sự hỗ trợ nhiệt tình nên anh cùng nhóm bạn đã lập nên dự án “Bóng chuyền cộng đồng”, nơi giúp các em học sinh rèn luyện nâng cao sức khỏe, đồng thời thỏa mãn niềm đam mê với bóng chuyền.
“Khi bắt đầu dự án, lớp chỉ có khoảng 10 em học sinh. Nhưng trong vòng 2 tháng sau đó, số lượng học sinh theo học tăng lên khoảng 200 em, trong đó có cả những sinh viên của trường đại học tham gia. Được một thời gian, do giá sân thuê quá cao nên tôi phải tạm dừng lớp và đi kiếm một địa điểm khác để duy trì lớp học. Thế nhưng, có nhiều lý do nên buộc lớp phải tạm dừng một thời gian ngắn”, anh Trường tâm sự.
Theo lời anh Trường, sở dĩ lớp không duy trì được lâu là vì không có kinh phí, chưa có giấy tờ pháp lý khi mở lớp học thể thao theo quy định. Quyết không bỏ cuộc, anh cùng nhóm bạn của mình gom góp tiền để thuê sân, đồng thời bản thân anh qua Thành đoàn Đà Nẵng để xin gia nhập Hội Liên hiệp Thanh niên TP Đà Nẵng.
Khi được gia nhập Hội Liên hiệp Thanh niên TP Đà Nẵng, anh bắt đầu đi đến các trường tiểu học, THCS trên địa bàn quận Ngũ Hành Sơn để thuê nhà đa năng, phục vụ cho việc dạy bóng chuyền. “Khi bắt đầu dạy một thời gian thì Covid-19 xuất hiện, lớp lại phải tạm dừng. Mãi đến khi dịch được kiểm soát, thành phố cho phép hoạt động thể thao trở lại thì lớp mới được mở trở lại bình thường”, anh Trường chia sẻ.
Qua 5 năm đi vào hoạt động, giờ đây dự án của anh Trường cùng các cộng sự của mình đã hoạt động một cách hiệu quả với 5 sân chơi bóng chuyền như: sân Trường THCS Trần Đại Nghĩa, Trường Nội trú Hy Vọng FPT, Trường THCS Lý Tự Trọng... với số lượng hơn 300 em học sinh. Do số lượng học viên đông, nên anh Trường đã thuê các bạn sinh viên chuyên ngành thể thao, những người am hiểu về kỹ thuật chơi bóng chuyền để truyền thụ kiến thức, kỹ năng chơi bóng cho các em.
Nhằm tạo ra nguồn tài chính để duy trì dự án, anh Trường cùng các đồng nghiệp của mình thường xuyên tổ chức các giải đấu, bán áo quần thể thao… để gây quỹ. Một số lớp dạy các em có điều kiện sẽ lấy tiền và số tiền này một phần sẽ hỗ trợ cho các em học sinh nghèo đam mê bóng chuyền, phần còn lại để hỗ trợ xăng xe cho những người đứng lớp.
“Thầy giáo” Trường cùng các em học viên lớp bóng chuyền. |
Ươm mầm những tài năng trẻ
Như thường lệ, sáng thứ 3, 5, 7 hàng tuần, hơn 20 học sinh đam mê môn bóng chuyền lại có mặt tại nhà đa năng của Trường THCS Trần Đại Nghĩa để bắt đầu theo lớp học của “thầy giáo” Trường. Sau phần khởi động kéo dài khoảng 20 phút, lớp được chia ra làm 3 tốp để 3 giáo viên rèn kỹ năng phát bóng, chuyền bóng và đập bóng cho các em.
Theo lớp đã 5 năm, em Nguyễn Trần Quỳnh Như (sinh năm 2009, trú phường Khuê Mỹ, quận Ngũ Hành Sơn) cho hay, em đam mê môn bóng chuyền từ khi còn là học sinh tiểu học. Chơi nghiệp dư và đam mê mãi đến năm 2018, Như gặp được anh Trường, từ đó bắt đầu tập luyện và chú trọng những kỹ năng chơi bóng chuyên nghiệp của mình.
“Trước đây khi chưa được hướng dẫn về kỹ năng chơi bóng, em chơi rất tệ. Nhưng từ khi được theo học lớp thầy Trường, kỹ năng chơi bóng của em được nâng cao lên rất nhiều. Không những em và các bạn chung trong nhóm đều tiến bộ lên từng ngày. Thành quả là nhóm tụi em dưới sự hướng dẫn của thầy Trường và các thầy trong lớp đã giành giải Nhất tại Giải thể thao học sinh TP Đà Nẵng năm học 2022 - 2023”, Quỳnh Như cho biết.
Còn em Trần Khánh An (sinh năm 2008, trú quận Ngũ Hành Sơn) cho hay, em từng là một học sinh nhút nhát, nhưng sau khi được học lớp bóng chuyền miễn phí của “thầy” Trường, em đã thay đổi tính cách, mạnh mẽ và hoạt bát hơn. Đặc biệt, những kỹ năng chơi bóng chuyền của em được cải thiện rõ rệt. “Đây là một sân chơi bổ ích cho chúng em, nơi những bạn chung niềm đam mê bóng chuyền như em có cơ hội thể hiện mình, từng bước làm quen với những giải đấu chuyên nghiệp”, Khánh An nói.
Nắm những kiến thức cơ bản về bộ môn bóng chuyền và tham gia giảng dạy cho các em học sinh hơn 1 năm nay, em Lê Hoàng Long (sinh năm 2000, tỉnh Quảng Bình) là sinh viên Trường Đại học Duy Tân cho rằng, em sắp xếp thời gian học tập tại trường để về đứng lớp.
“Bản thân em từng được thi đấu bóng chuyền nên em đem những kinh nghiệm, kỹ năng chơi bóng để giúp các bạn nhỏ thỏa mãn niềm đam mê của mình. Mỗi người giỏi một năng khiếu, vì thế lớp bóng chuyền mở ra nhằm giúp các em phát huy sở trường thế mạnh của mình. Khi dạy các em ở Trường Nội trú Hy Vọng FPT, em cố gắng hết sức để truyền cảm hứng, truyền kỹ năng để các em có thể đạt được những điều mình mong ước”, Hoàng Long tâm sự.
Không chỉ là nơi cho các em thỏa mãn niềm đam mê được chơi bóng chuyền, dự án “Bóng chuyền cộng đồng” của anh Trường còn được xem là nơi ươm mầm cho những tài năng trẻ. Chỉ tay về phía Nguyễn Trần Quỳnh Như, anh Trường cho biết, Như là một cô bé chơi ở vị trí chuyền 2 khá tốt. Với những cố gắng của mình, Quỳnh Như đã được một CLB bóng chuyền ở Việt Nam gọi lên để tham gia vào đội trẻ.
“Mục tiêu của nhóm là sắp tới tổ chức được dự án bóng chuyền trong học đường. Để qua đó giúp các em giải tỏa những căng thẳng sau giờ học, đồng thời tìm ra được những tài năng trẻ khuyến khích các em phát huy sở trường của mình. Từ đó, ươm mầm, giúp các em có thể trở thành một vận động viên bóng chuyền chuyên nghiệp tại Việt Nam”, anh Trường nhấn mạnh.