Những lần lỡ hẹn 'đưa con đi khai giảng' của nhà giáo vùng cao

GD&TĐ - Nhiều thầy, cô giáo lên công tác ở miền núi để lại vợ (chồng), con ở quê nên vào năm học mới, chưa một lần đưa con đi khai giảng.

Cô và trò tại điểm trường Sa Ná - Trường Tiểu học Na Mèo (Quan Sơn, Thanh Hóa) trong ngày khai giảng năm học mới.
Cô và trò tại điểm trường Sa Ná - Trường Tiểu học Na Mèo (Quan Sơn, Thanh Hóa) trong ngày khai giảng năm học mới.

Chưa một lần đưa con đến trường

Vào ngày này, trên khắp mọi miền Tổ quốc, hàng triệu trẻ, đặc biệt là bậc học mầm non, tiểu học đều háo hức, mong được cha mẹ đưa tới trường dự lễ khai giảng. Thế nhưng, trong số đó có nhiều em không có được niềm vui này. Bởi lẽ, phụ huynh của các em là những nhà giáo ở miền xuôi đang bận “cắm bản” tận miền biên viễn, nơi khó khăn, xa xôi.

Xã Mường Lý, địa phương khó khăn nhất, nhì so với các xã còn lại ở huyện vùng cao, biên giới Mường Lát (Thanh Hóa). Nơi đây, thầy Hoàng Sỹ Xuân, Hiệu trưởng Trường PTDTBT THCS đã có 25 năm công tác và chưa một lần được nắm tay con đến trường trong ngày khai giảng năm học mới.

Quê thầy Xuân ở xã Quảng Tâm, TP Thanh Hóa. Cách đây 25 năm, thầy Xuân lên nhận công tác tại huyện Mường Lát. Vợ chồng thầy Xuân có 2 con (1 gái, 1 trai). Năm nay, con gái của thầy Xuân học lớp 10, còn cậu út bước vào lớp 6 nhưng từ nhỏ đến giờ, 2 con chưa một lần được thầy đưa đi khai giảng.

Ngồi trò chuyện với chúng tôi, thầy Xuân bảo rằng: “Năm nào cũng vậy, cứ chuẩn bị vào năm học mới, các con lại đòi bố phải ở nhà để đưa đến trường dự khai giảng. Cậu út đòi bố mua cờ, bóng bay, quần áo mới, giày dép, mũ, cặp sách... và đưa đến trường như các bạn cùng lớp. Thế nhưng, do nghề nghiệp nên tôi không thể ở nhà trong những ngày này”.

Theo thầy Xuân, trước kia, là giáo viên đứng lớp đã không thể ở nhà để đưa các con đến trường trong ngày khai giảng. Còn bây giờ, làm quản lý, thầy Xuân lại càng không thể vắng mặt ở trường.

“Biết các con tủi thân, nhưng không còn cách nào khác, đành phải dỗ dành chúng, rồi động viên vợ thông cảm mà thôi. Cũng may, vợ không làm trong ngành Giáo dục, nên có thời gian đưa các con đi dự khai giảng”, thầy Xuân bộc bạch.

Ở vùng biên giới xa xôi Na Mèo (Quan Sơn, Thanh Hóa), có thầy giáo Chung Trường Thành, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Na Mèo cũng chung nỗi niềm như thầy Xuân.

Thầy Chung Trường Thành trong phòng học bị lũ phá tan hoang (năm 2019), ở bản Sa Ná, xã Na Mèo, huyện Quan Sơn (Thanh Hóa).

Thầy Chung Trường Thành trong phòng học bị lũ phá tan hoang (năm 2019), ở bản Sa Ná, xã Na Mèo, huyện Quan Sơn (Thanh Hóa).

Là người ở vùng biển Hậu Lộc (Thanh Hóa), cách đây 30 năm, thầy Thành rời quê lên nhận công tác ở huyện vùng cao, biên giới Quan Hóa (cũ), nay là huyện Quan Sơn.

Những năm tháng khốn khó ở vùng biên giới ấy, thầy Thành đã lặn lội đến các bản xa xôi, hẻo lánh để “gieo chữ” cho lũ trẻ vùng cao, rồi kết duyên với cô giáo người cùng quê. Năm 2008, vợ thầy Thành xin chuyển về xuôi, dẫn theo con trai lên 8. Đến năm 2009, vợ chồng thầy Thành sinh thêm một cậu út, năm nay vào lớp 9.

Vợ con về quê, còn thầy Thành tình nguyện ở lại vùng đất biên giới xa xôi ấy để tiếp tục cống hiến sức lực, trí tuệ của mình cho ngành Giáo dục. “Từ khi có con đến nay, chưa bao giờ tôi đưa con đi khai giảng. Tất cả đều cậy nhờ vợ và ông, bà nội, ngoại. Biết rằng, trong ngày này, tâm lý các con đều mong được cả bố, mẹ đưa đến trường. Thế nhưng, do điều kiện công tác, năm nào cũng vậy, cứ trung tuần tháng 7, là mình phải lên trường, để chuẩn bị đón năm học mới.

Nhiều lúc cũng thương con, nhưng đành phải dỗ dành con và động viên vợ thay mình đưa các cháu đi khai giảng. Không riêng gì ngày khai giảng năm học mới, mà cả dịp Tết Trung thu hằng năm, chưa bao giờ có mặt ở nhà để đưa con đi chơi, nhưng đành phải chấp nhận, vì đó là công việc của nhà giáo xa quê”, thầy Thành tâm sự.

Thầy Hàn Thế Vượng và học sinh tại điểm lẻ Suối Tôn, Trường Tiểu học Phú Sơn (Quan Hóa, Thanh Hóa).

Thầy Hàn Thế Vượng và học sinh tại điểm lẻ Suối Tôn, Trường Tiểu học Phú Sơn (Quan Hóa, Thanh Hóa).

Nỗi niềm của nhà giáo cắm bản

“Lên đây nhận công tác từ khi chưa có vợ. Đến lúc lập gia đình, sinh hai con, năm nay cháu đầu đã vào lớp 10 và con út vào lớp 6, nhưng tôi chưa lần nào đưa các con tới trường để dự buổi lễ khai giảng. Dù biết các con tủi thân, nhưng vì công việc phải đi xa, nên đành “ủy quyền” cho mẹ lo cả. Vì thế, trước khi trở lại trường tầm trung tuần tháng 7, tôi phải làm “công tác tư tưởng” với vợ và “nịnh” các con, để bố yên tâm công tác”, thầy Xuân kể.

Cũng như thầy Xuân, thầy Thành, thầy Hàn Thế Vượng, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phú Sơn (Quan Hóa, Thanh Hóa) có 34 năm gắn bó với vùng cao, biên giới của tỉnh Thanh Hóa. Bàn chân của thầy đã “lội” khắp các vùng khó khăn, xa xôi nhất ở miền biên viễn, từ Mường Chanh (Mường Lát) rồi về Trung Sơn (Quan Hóa)...

Năm 1989, sau khi tốt nghiệp Trung học Sư phạm (12+2) Thanh Hóa, chàng trai trẻ Hàn Thế Vượng vừa tròn 20 tuổi, được phân công lên công tác tại Trường Phổ thông cơ sở Mường Chanh, huyện Mường Lát (cách TP Thanh Hóa 300km).

“Tôi sinh ra, lớn lên ở xã Quảng Văn (Quảng Xương, Thanh Hóa), được cha, mẹ nuôi ăn học trong điều kiện khốn khó. Khi đi học sư phạm, cũng chỉ quanh quẩn ở thị xã Thanh Hóa, rồi về Quảng Văn thôi, chứ đã biết vùng viễn xứ xa xôi, khổ ải như thế nào đâu.

Vì thế, khi tốt nghiệp Trung học Sư phạm, được điều động lên xã Mường Chanh (cách TP Thanh Hóa 300km), là đi luôn. Ai ngờ, thời gian thấm thoát trôi qua, đến bây giờ đã hơn 30 năm trời”, thầy Vượng tâm sự.

Ngồi trò chuyện, tôi mới hiểu được lý do vì sao thầy Vượng tình nguyện ở lại với học trò vùng cao. Thầy bảo rằng, sống mấy chục năm ở trên này với bà con thành quen và được học trò yêu quý càng không lỡ rời xa. Hơn nữa, bây giờ có muốn về xuôi cũng chẳng được, vì không có điều kiện. Chi bằng, cố gắng vài năm nữa rồi xin về hưu trước tuổi.

Khi hỏi chuyện về ngày khai giảng, thầy đã “tranh thủ” được lần nào đưa con đến trường chưa, thầy Vượng chỉ cười buồn. Nhìn ánh mắt và nụ cười của thầy, tôi cảm nhận, dường như trong lòng thầy giáo này chất chứa một nỗi buồn xa xăm.

“Vợ chồng tôi có 3 con (2 gái, 1 trai). Ngày trước, vợ chồng cứ nghĩ chỉ sinh 2 con gái thôi. Mãi đến năm 2014, vợ chồng lại sinh thêm cậu con trai. Năm nay, con vào lớp 4. Vợ là giáo viên mầm non ở quê, cũng vất vả lắm. Một tay cô ấy nuôi các con khôn lớn và chăm sóc bố, mẹ già”, thầy Vượng tâm sự.

Còn việc đưa con đi khai giảng năm học mới, thầy giáo này bảo rằng, chưa một lần làm được, vì có ở nhà đâu mà đưa con đến trường. Mọi công việc gia đình, chăm sóc con cái đều một tay của vợ lo toan, gánh vác.

“Hai con gái đã lớn, nên các cháu hiểu và cảm thông cho bố. Còn cậu út, cũng nhận thức được bố phải thường xuyên xa nhà, nên không đòi hỏi hay “mè nheo” gì. Không nói thì thôi, nhưng mỗi khi nhắc đến chuyện này, bản thân lại thấy thương vợ, thương con”, thầy Vượng tâm sự.

Năm 2018, lúc đi xe máy vào điểm trường, không may bị ngã, thầy Vượng bị gãy 3 chiếc xương sườn. Nghe tin, vợ thầy Vượng tất tưởi thuê xe lên đưa chồng về chữa trị, chăm sóc. Đến khi bình phục, biết không cản được, đành phải để chồng tiếp tục ngược lên trường.

“Học trò vùng cao thiệt thòi và đáng thương lắm! Ngược lại, chúng cũng yêu quý thầy, vì mình giao tiếp được bằng tiếng Thái, nên không còn khoảng cách, bất đồng ngôn ngữ. Vì thế, tình thầy, trò càng khăng khít, kể cả với bà con đồng bào cũng vậy”, thầy Vượng giãi bày.

Học sinh Trường PTDTBT THCS Mường Lý (Mường Lát, Thanh Hóa) đến trường.

Học sinh Trường PTDTBT THCS Mường Lý (Mường Lát, Thanh Hóa) đến trường.

Giọt nước mắt trước ngày khai giảng

Câu chuyện về nỗi lòng của người cha là nhà giáo “cắm bản” chưa một lần đưa con đến trường dự lễ khai giảng khiến chúng tôi chùng lòng. Thế nhưng, câu chuyện của cô giáo từ xuôi lên miền núi cắm bản vào ngày khai giảng phải nhờ người khác đưa con đến trường lại càng xúc động hơn.

Trường THCS Trung Sơn (huyện Quan Hóa) có nhiều giáo viên là người miền xuôi lên công tác. Do xa gia đình, nên nhà trường bố trí phòng ở công vụ cho thầy cô yên tâm công tác.

Thầy Hiệu trưởng Trương Đức Văn cho hay, những cô giáo người xuôi lên công tác mà chồng có công ăn, việc làm ở trên này, nhà trường bố trí phòng riêng, tạo điều kiện cho 2 vợ chồng cùng ở. Hoặc cô giáo đang nuôi con nhỏ thì đưa bà ngoại hoặc bà nội lên trông con giúp, cũng được nhà trường tạo điều kiện cho mẹ con, bà cháu ở trong phòng công vụ, để các cô yên tâm công tác.

“Trường có một số cô giáo từ miền xuôi lên công tác, phải gửi con ở nhà cho ông, bà nội, ngoại chăm sóc, nuôi dạy. Vì thế, các cô rất buồn, khi ngày khai giảng năm học mới không có mặt ở nhà để đưa con đến trường. Biết là thương các con, nhưng vì điều kiện công tác, các cô cũng đành giấu nỗi buồn vào lòng để hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình”, thầy Văn bày tỏ.

Cô Lê Thị Phương (dạy môn Tiếng Anh) ở xã Dân Lý, huyện Triệu Sơn (cách trường gần 170km). Cô Phương lên nhận công tác tại Trường THCS Trung Sơn cách đây 4 năm. Chồng cô trước kia công tác ở UBND xã, nhưng vì đồng lương ít ỏi nên xin nghỉ việc để đi xuất khẩu lao động. Từ khi chồng đi xuất khẩu lao động, một mình cô nuôi con nhỏ phải nhờ bà nội, hoặc bà ngoại cùng lên trường để trông cháu cho cô lên lớp. Khi con đến tuổi đi học, cô gửi về quê ở với ông bà để tiện đến trường.

“Vợ chồng tôi có 2 con nhỏ. Bé lớn năm nay 4 tuổi, con út mới 2,5 tuổi. Do công tác xa nhà, tôi đành gửi 2 con ở nhà cho ông, bà nội ngoại. Mỗi tuần, tôi lại đón xe khách về với con vào thứ 7, rồi chiều Chủ nhật lại lên trường. Con gái nhỏ đang học mẫu giáo, nhưng từ ngày con đến trường, mẹ chưa bao giờ đưa con đi khai giảng. Nhiều lúc nghĩ về con, mà thấy tội nghiệp”, nữ nhà giáo phân trần.

Cũng theo cô Phương, mỗi dịp vào năm học mới, nhất là đêm trước ngày khai giảng, một mình nằm ở phòng công vụ của nhà trường, nghĩ về con mà nước mắt cứ thế lăn dài.

“Biết các con cũng buồn lắm, cứ đòi mẹ phải ở nhà để đưa đến trường dự lễ khai giảng. Nhưng vì công việc, tôi không thể xin nghỉ ở nhà để đưa con đến trường vào ngày này, nên phải nhờ ông, bà nội, ngoại an ủi. Trong thâm tâm, tôi chỉ cầu mong các con đừng ốm đau, ông bà nội, ngoại luôn khỏe mạnh để giúp con, giúp cháu những lúc mẹ con xa nhau”, cô Phương trải lòng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ